Chọn quản lý nhân sự
như thế nào?
Nhiều doanh nghiệp phải đau đầu khi lựa chọn người quản lý nhân
sự. Trong hàng trăm CV đã được các ứng viên ngày càng lão luyện
chuẩn bị, thật không dễ để lưạ chọn ra ứng viên phù hợp nhất. Cần
phải ý thức rằng, đây là vị trí rất quan trọng vì nó quyết định chất
lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Một số căn cứ sau sẽ giúp
nhà tuyển dụng dễ dàng hơn trong sự lựa chọn của mình.
1. Căn cứ trên các giai đoạn phát triển khác nhau của doanh nghiệp
Ở những giai đoạn khác nhau, những doanh nghiệp cần quản lý nhân sự
với trình độ và thế mạnh khách nhau. Giai đoạn doanh nghiệp mới thành
lập cần người quản lý nhân sự chuyên về thiết lập hệ thống và có kinh
nghiệm đào tạo nhân lực. Đây là giai đoạn nhất thiết phải tuyển dụng
những người đã có bề dày kinh nghiệm hoạt động.
Trong thời kỳ doanh nghiệp đã đi vào ổn định hoặc giai đoạn phát triển
nhanh, cần phải tìm người có tính sáng tạo, năng động và gắn bó lâu dài
với công ty. Chính họ cũng là những nhân tố cần thiết để tạo nên những
cải cách về đường lối cho công ty. Giai đoạn phát triển này rất cần bổ
sung nhân sự nên công tác đào tạo phát hiện càng được coi trọng. Cần
tập trung tuyển chọn người có khả năng sư phạm, truyền đạt tốt, có tầm
nhìn và năng lực định hướng.
2. Sự thay đổi về môi trường sản xuất khách quan
Khi tuyển nhân viên HR, doanh nghiệp cũng cần căn cứ trên những điều
kiện khách quan về môi trường làm việc của công ty. Trong điều kiện
doanh nghiệp phát triển ổn định, vai trò của đội ngũ HR không giữ vai
trò hàng đầu nữa, nhiều người trong doanh nghiệp có thể đảm nhận vai
trò này. Xuất phát từ quan điểm đó, nhiều người cho rằng đây có thể là
cơ hội để thay đổi, làm linh hoạt đội ngũ. Tuy nhiên, tất cả các thay đổi
cần được chú ý sao cho không xáo trộn những quy tắc chung của công ty
hay xâm hại quyền lợi doanh nghiệp.
3. Tính chất của doanh nghiệp
Những doanh nghiệp có tích chất khác nhau đòi hỏi những phẩm chất
khác nhau của HR. Những doanh nghiệp liên doanh hoặc doanh nghiệp
nước ngoài có hệ thống doanh nghiệp được xây dựng khá bài bản từ
công ty mẹ, phân công chi tiết, hệ thống quản lý được xây dựng theo
mẫu tương đối hoàn thiện, từ tổng công ty đến các công ty con, từ giảm
đốc đến quản lý các phòng, vì vậy phẩm chất cần nhấn mạnh nhất trong
những doanh nghiệp kiểu này là tính chấp hành.
Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sự biến động nhân sự trong nội bộ
doanh nghiệp rất thường xuyên. Vì vậy phẩm chất cẩn thiết nhất của
người làm HR ở đây là sự linh hoạt, tính tích cực và chủ động nắm bắt
thời cơ.
Nhưng nhìn chung ở doanh nghiệp nào, những phẩm chất không thể
thiếu được của người làm HR là công tâm, nhẫn nại, tinh tế, chịu học hỏi
để áp dụng được những phong cách quản lý tiên tiến.
4. Văn hóa doanh nghiệp khác nhau
Bộ phận HR là một thành tố quan trọng tạo nên văn hóa doanh nghiệp,
vì vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ phận này với các bộ phận
khác trong một doanh nghiệp.
Cần tuyển chọn những người có hiểu biết rõ về phong cách làm việc của
công ty, nghiêm túc trong công việc, hòa nhã trong ứng xử. Với những
công ty thiên về văn hóa, truyền thông người làm HR phải có phông nền
văn hóa tốt với những hiểu biết chuyên ngành phong phú. Với những
doanh nghiệp thiên về kỹ thuật, tính kỷ luật của người làm HR là một
phẩm chất không thể thiếu. Bên cạnh đó, cần ưu tiên tuyển chọn những
nhân viên thông hiểu những phong tục địa phương hay có những mối
quan hệ rộng rãi, tốt đẹp với nhiều giới để tạo nên những mối quan hệ
nhiều chiều cho doanh nghiệp.
5. Kinh nghiệm, kiến thức, phẩm chất người tuyển chọn
Người tuyển chọn lực lượng HR phải là những nhân sự hàng đầu trong
đội ngũ quản lý, hiểu rõ từng bộ phận của công ty cũng như kế hoạch
phát triển công ty trong tương lai 10 năm nữa. Người tuyển chọn cần
công tâm, hiểu biết, có sự gắn bó sâu sắc về quyền lợi với doanh nghiệp.
Tóm lại, người tuyển chọn càng ưu tú thì khả năng tuyển chọn được
những quản lý nhân sự xuất sắc ngày càng lớn.
Theo VietNamNetJobs