8 câu nói khiến bé hoảng sợ
Nhiều lúc nóng giận,
bạn có thể buột miệng,
nói với bé những câu
như 'Con thật là hư'
hay 'Nhanh lên, không
mẹ bỏ con lại đấy'… Bé
sẽ tưởng những lời
bạn nói là thật và trở nên sợ hãi. Điều này có thể
sẽ gây rối nhiễu tâm lý, thậm chí khiến bé tự ti,
mặc cảm với chính bản thân mình.
Ngoài ra, bạn cũng nên thận trọng với những câu nói
khác khi giao tiếp với bé, qua tổng hợp từ Mirror.
1. Sao con không thông minh như anh (chị) con
chứ
Nếu bạn có thói quen so sánh bé với anh (chị) mình,
bé sẽ dần hình thành tâm lý bi quan, mặc cảm hoặc
cáu kỉnh, khó chịu. Giáo sư Joe Elliott (Đại học tổng
hợp Durham - Hoa Kỳ) khẳng định: “Nếu bạn cố gắng
so sánh khiếm khuyết của bé với ưu điểm của các bé
khác, bé sẽ nghĩ rằng bản thân mình không bao giờ
khắc phục được những yếu điểm đó và không thể trở
nên hoàn thiện trong mắt bạn được. Khi đã bị tổn
thương, thậm chí, bé sẽ không muốn cố gắng để đạt
được những hành vi tốt nữa”.
Gợi ý dành cho bạn: Cha mẹ nào cũng mong muốn
con cái mình thông minh, giỏi giang, ngoan ngoãn tuy
nhiên bạn nên học cách chấp nhận thực tế rằng, mỗi
bé là một cá thể độc lập. Thay vì so sánh hoặc tỏ ra
thất vọng, bạn nên khuyến khích để bé có thể tiến bộ
trong khả năng của bé.
2. Con chờ bố về mà hỏi
Bé sẽ rất vui nếu được bạn bỏ chút thời gian chơi đồ
hàng cùng hoặc bé cũng thích thú muốn khoe bức
tranh mới vẽ cho bạn, những lúc ấy, bạn thường gạt
đi và bảo: “Con chờ bố về đã, mẹ đang bận”.
Giáo sư Joe chia sẻ tiếp: “Thái độ bất hợp tác này
của bạn có thể khiến bé căng thẳng. Bé sẽ nghĩ bạn
không còn yêu bé nữa. Thêm vào đó, nếu chồng bạn
trở về nhà trong tình trạng mệt mỏi, anh ấy dễ cáu gắt
khi bị bé làm phiền. Khi ấy, bé sẽ càng trở nên buồn
chán và xuất hiện nhiều cảm xúc tiêu cực hơn”.
Gợi ý dành cho bạn: Dù bạn có bận bịu đến mấy,
cũng không nên dồn hết trách nhiệm chăm nom bé
lên vai người bạn đời. Bạn nên vui vẻ thông báo để
bé hiểu rằng, bạn đang dở việc, lát nữa bạn có thể trò
chuyện, vui chơi hay xem tranh của bé sau.
3. Con không nhanh chân lên, mẹ sẽ bỏ con lại
đấy
Với các bé, nỗi sợ hãi lớn nhất là bị cha mẹ bỏ rơi.
Đây có thể là câu nói khi bạn muốn thúc giục bé
nhưng bé lại tỏ ra sợ hãi thực sự. Joe nói: “Bé sẽ chỉ
nhanh chân trong lần đầu bị bạn giục giã, những lần
sau, bé sẽ phát hiện ra rằng bạn chỉ ‘nói chơi’, câu hù
dọa này của bạn sẽ mất tác dụng”.
Gợi ý dành cho bạn: Nếu muốn bé ghi nhớ và nhanh
nhẹn hơn, tốt nhất, bạn có thể đưa ra cho bé vài lời
cảnh báo. Nói với bé rằng “Đã đến lúc mẹ con mình
phải về nhà rồi” đồng thời dắt tay bé bước theo bạn.
4. Con thật là hư hỏng
Bạn nghĩ: Nói vậy sẽ giúp bé kiểm soát hành vi của
mình và tự sửa chữa những hành vi xấu. Nhưng
“thực tế, câu nói này của bạn chỉ khiến bé tin rằng bé
hư thật mà thôi” - GS. Joe giải thích.
Gợi ý dành cho bạn: Thay vì nói “Con hư thế” bạn có
thể nhẹ nhàng “Mẹ không bằng lòng khi con cư xử
như vậy". Sau đó, bạn có thể gợi ý bé cách thực hiện
những hành vi tốt hơn.
5. Sao con không bao giờ làm theo lời mẹ
Câu hỏi ngược này của bạn khiến bé có cảm giác lo
sợ. Có thể bé đã làm theo những chỉ dẫn của bạn
trước đó nhưng kết quả không được như mong
muốn.
Gợi ý dành cho bạn: Chỉ rõ cho bé thấy những hành
vi sai bé cần sửa chữa thay vì bạn trách mắng bé một
cách chung chung như thế. Bạn có thể nhấn mạnh lại
những điều bạn yêu cầu bé làm để bé ghi nhớ hơn
nữa.
6. Nếu con không làm, mẹ sẽ gọi ma (quỷ) bắt con
đi đấy
Giáo sư Joe khẳng định: “Xét ở một chừng mực nhất
định, việc dọa nạt bé cũng mang đến một kết quả tốt
tuy nhiên nếu bạn lấy ma quỷ hay những hình ảnh
rùng rợn để nói với bé, bé sẽ dễ gặp phải ác mộng
khi đi ngủ”. Thay vào đó, nhiều bé sẽ xuất hiện tật nói
dối khi mắc lỗi nhằm thoát khỏi sự dọa nạt từ cha mẹ.
Gợi ý dành cho bạn: Những lúc bạn muốn chứng tỏ
“quyền lực” của mình với bé, bạn có thể nghiêm mặt
lại và lên cao giọng để nhắc nhở bé phải thực hiện
một công việc nào đó. Khi biết đây là điều phải hoàn
thành, bé sẽ tự giác làm theo đúng yêu cầu của bạn.
7. Dễ vậy mà con cũng không biết à
Một trong những cách tệ nhất bạn có thể khiến bé lo
lắng là mắng mỏ, chê bai bé. Điều này khiến cho bé
cảm thấy sợ hãi, không dám hỏi thêm bạn điều gì
nữa vì sợ bạn nổi giận.
Gợi ý dành cho bạn: Bạn nên bình tĩnh chỉ dẫn bé làm
lại từ đầu. Khuyến khích để bé tập trung hoàn thành
từng phần việc nhỏ một, từ việc dễ đến việc khó, từ
những việc đơn giản đến những phần việc phức tạp
hơn. Không nên cười chê, chế nhạo nếu chẳng may
bé không tự mình làm được. Thay vào đó, bạn nên
tạo không khí vui vẻ để bé không bị căng thẳng khi
bạn hướng dẫn bé làm một việc nào đó.
8. Ước gì mẹ chưa bao giờ có con
Bé sẽ tin rằng, bạn không muốn làm mẹ của bé thực
sự. Thậm chí, nhiều bé sẽ không bao giờ quên được
câu nói này của bạn. Hậu quả: Bé sẽ thiếu tự tin vào
bản thân mình và luôn hoài nghi “Mẹ không yêu
mình”.
Gợi ý dành cho bạn: Nếu bạn có thói quen phàn nàn
những câu tương tự khi tức giận bé, tốt nhất, bạn nên
nhanh chóng ra ngoài, đợi đến khi bình tĩnh trở lại,
bạn có thể trao đổi với bé về những điều bạn chưa
hài lòng sau.