Đề bài: Nghị luận xã hội về hiện tượng quá tin vào thần thánh mê tín dị đoan của
một số người
Bài làm
Hiện nay, đất nước ta đang xây dựng cuộc sống mới theo phương châm: Dân giàu, nước
mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hàng triệu thanh niên, học sinh, sinh viên với
lý tưởng, hoài bão cao đẹp đang ngày đêm miệt mài học tập, chuyên cần lao động, không
ngừng rèn luyện bản thân. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là có một bộ phận thanh niên lại
quá tin vào thần thánh phù hộ độ trì mà xem nhẹ sự cố gắng tu dưỡng, phấn đấu của bản
thân. Nguyên nhân nào đã dẫn đến hiện tượng tiêu cực ấy?
Nền kinh tế hiện nay ở nước ta là nền kinh tế thị trường nhiều thành phần. Sự ưu việt
của nó là tuân theo những quy luật đúng đắn như quy luật cung cầu, quy luật giá trị, làm
cho hàng hóa ngày càng phong phú, chất lượng không ngừng nâng cao, người có tài phát
huy được khả năng sáng tạo, công sức được đền bù thỏa đáng. Cuộc sống vật chất của
người dân sung túc hơn và đời sống tinh thần cũng phong phú, đa dạng hơn trước rất
nhiều.
Bên cạnh những yếu tố tích cực, nền kinh tế thị trường cũng bộc lộ mặt tiêu cực của nó.
Đó là khoảng cách quá xa giữa giàu và nghèo; sự phân hóa xã hội phức tạp; các giá trị tốt –
xấu, đúng – sai, chân thực – giả tạo, cao cả – thấp hèn… đan xen lẫn lộn. Tất cả những
thứ đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến một bộ phận thanh niên, làm lệch lạc nhận thức của
họ, dẫn đến sai lầm trong việc chọn hướng đi. Do không nắm vững bản chất và quá trình
vận động tất yếu của cuộc sống nên họ có lối sống thụ động, ỷ lại. Thay vì dựa vào sự
nỗ lực của chính mình thì họ lại trông đợi vào thế lực siêu hình là thần thánh để hi vọng
sẽ có được một kết quả tốt đẹp, một tương lai rực rỡ. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường,
họ không chịu chăm chỉ học hành, nâng cao kiến thức, rèn luyện kĩ năng mà họ tự an ủi
“học tài thi phận”. Họ thường lui tới các chùa chiền, nhà thờ, đền miếu… nổi tiếng linh
thiêng để cầu xin phúc lộc, may mắn. Nếu như thành tâm thì ít nhất họ cũng nhận được
một “liều thuốc an thần” từ Thần Phật, nhưng tham vọng và ý đồ không trong sáng đã
khiến họ u mê. Họ thụ động, ỷ lại vào cơ hội may rủi, trông chờ vào các thế lực thần
linh. Họ cầu xin, khấn vái thần thánh phù hộ độ trì cho họ đỗ đạt mà không cần tới một
sự cố gắng tự thân nào cả.
Những động thái đó làm cho tinh thần tự chủ, tinh thần phấn đấu, khả năng sáng tạo bị
triệt tiêu; kết quả học tập, lao động bị giảm sút nghiêm trọng. Cầu xin không được, họ
vỡ mộng bởi những hậu quả nghiêm trọng đã đến với bản thân. Họ không giải thích nổi
bằng các luận cứ khoa học, mà lại khăng khăng đổ cho sự may rủi của số phận, của thời
vận… Tâm trạng buồn chán, thất vọng dễ đẩy họ đến các tệ nạn xã hội như cờ bạc,
rượu chè, nghiện ngập… Hết vòng luẩn quẩn này đến vòng luẩn quẩn khác. Họ bắt đầu
oán trách thần thánh, cha mẹ và những người xung quanh. Họ nhìn đời bằng con mắt tiêu
cực và luôn than thở rằng sao số phận lại bất công với họ đến thế. Có một lời dạy sâu
sắc, chí lý của người xưa thì họ lại không biết: Tiên trách kỉ, hậu trách nhân.
Một hiện tượng xấu khá phổ biến trong những năm gần đây là để có thể leo cao trên bậc
thang danh vọng, không ít người đã dùng tiền bạc, quà cáp để luồn lọt mua bằng, mua
chức, mua một vị trí nào đó trong xã hội. Nạn “học giả, bằng giả”, “học giả bằng thật”…
tràn lan, gây nhức nhối trong dư luận xã hội. Việc làm tiêu cực đó của họ chẳng khác gì
trò chơi trẻ em xây nhà trên cát. Sự nghiệp của họ thật bấp bênh, chông chênh, không biết
sẽ sụp đổ bất cứ lúc nào vì không được xây dựng trên nền móng vững chắc là tài và đức.
Họ không biết rằng những gì khởi đầu bằng sự dối trá đều chẳng bền lâu và không có sự
thật nào che giấu được dưới ánh mặt trời.
Trước thực trạng nói trên, chúng ta cần giúp đỡ để các thanh niên đó dần dần tỉnh ngộ,
quyết tâm làm lại cuộc đời. Các bạn hãy tin tưởng vào khả năng của bản thân, vào tương
lai tươi sáng của dân tộc và đất nước. Nên nhớ rằng không có thần thánh nào cứu nổi
chúng ta ra khỏi dốt nát, đói nghèo ngoài bộ óc năng động, sáng tạo và đôi bàn tay lao
động cần cù, siêng năng của chính mình. Không có thần thánh nào có thể san bằng mọi áp
bức, bất công trên cõi đời này chỉ bằng những lời nguyện cầu của tín đồ mà phải bằng sự
đấu tranh quyết liệt và bền bỉ của nhân dân lao động.
Các Mác – vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản trên toàn thế giới đã khẳng định: Hạnh
phúc là đấu tranh và đấu tranh để chiến thắng bản thân là gay go, vinh quang hơn cả.
Thanh niên chúng ta hãy dũng cảm tuyên chiến và đẩy lùi những thói hư tật xấu ra khỏi
con người mình; không ngừng phấn đấu vươn lên trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Hãy
sống hết mình với bầu nhiệt huyết tràn đầy sức sống của tuổi thanh xuân, chúng ta sẽ gặt
hái được những mùa vàng ấm no, hạnh phúc.
Trong thời đại mới, chúng ta đang có rất nhiều cơ hội để thể hiện tài năng, ước nguyện
của mình. Tuổi trẻ hãy phấn đấu, vươn lên trong sản xuất, nghiên cứu, học tập. Hãy thắp
sáng niềm tin bằng ngọn lửa trong khối óc, con tim của chính mình mà không cần phải
nhờ cậy vào một sức mạnh siêu hình nào khác.