Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Phân tích bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi để làm nổi bật cảm hứng về đất nước của nhà thơ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (353.08 KB, 7 trang )

Đề bài: Phân tích bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi để làm nổi bật cảm hứng 
về đất nước của nhà thơ
Bài làm
Có lẽ không có một nhà thơ nào trên thế gian này, trở thành một nhà thơ chân chính mà lại  
không có một vần thơ, một bài thơ  viết về đất nước, về  quê hương. Bởi vì đất nước là 
nguồn cảm hứng vô tận đối với thi sĩ muôn đời.
Nhưng tình cảm đất nước  ở  mỗi con người lại hình thành theo một con đường riêng,  
mang nội dung màu sắc riêng và dựa trên những cảm nhận riêng.
Nguyễn Đình Thi là một nhà thơ viết nhiều về đất nước. Nhưng có lẽ chưa ở đâu, trong  
thơ và trong văn của ông, cảm hứng về đất nước lại nổi bật, tập trung đặc sắc như ở bài 
thơ Đất nước.
Bài thơ  Đất nước của Nguyễn Đình Thi được sáng tác từ  năm 1948 đến năm 1955 mới  
hoàn thành, so với Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Đất nước của Nguyễn Đình Thi  
ngắn hơn, thế  mà Hoàng cầm sáng tác chỉ  trong một đêm, còn Nguyễn Đình Thi đã viết  
trong bảy tám năm ròng rã. So sánh như vậy để thấy cảm hứng về đất nước của hai nhà 
thơ ngay ở mặt này đã có cái gì rất khác nhau: Bên kia sông Đuống là cảm hứng tuôn tràn, 
Đất nước là tình cảm nung nấu:
Những đêm dài hành quân nung nấu
Lần giở lại "tiền sử" của bài thơ và đọc kĩ phần thứ nhất Đất nước, ta càng thấy rõ đó là 
một tình cảm nung nấu, nung nấu nỗi nhớ, nung nấu niềm vui, niềm tin yêu của người 
làm chủ.
Là một thanh niên sống và hoạt động  ở  Hà Nội, Nguyễn Đình Thi viết về  đất nước,  
trước hết là viết về  Hà Nội, thủ  đô của đất nước, thủ  đô của trái tim ông, Hà Nội với  
hương sắc xao động long lanh trong nắng gió mùa thu.


Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa.
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may


Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
Mùa thu nay khác rồi,
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha...
Chẳng phải ngẫu nhiên chút nào khi nói đến đất nước là nói đến Hà Nội và nói đến Hà 
Nội lại nói đến mùa thu. Đất nước ta tươi đẹp bốn mùa nhưng đẹp nhất là vào mùa thu  
và có mùa thu ở đâu lại đẹp, lại "mát trong" hơn mùa thu Hà Nội? Nhất là mùa thu nơi đây  
lại từng điểm một cái mốc vàng son vào lịch sử ­ "Thủ  đô hoa vàng nắng Ba Đình" giữa  
"Tháng Tám mùa thu xanh thẳm" (Tố Hữu).
Cho nên, chẳng phải chờ đến bốn câu tuyệt tác, ngay từ những đòng đầu đã có cái gì xôn  
xao, xào xạc trong hồn:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới


Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Đất nước gắn với nỗi nhớ, nỗi nhớ  khởi từ  mùa thu, mùa thu "đã xa" được gợi lại từ 
"mùa thu nay". Rõ ràng là có hai mùa thu như  đang soi chiếu vào nhau làm cho mỗi phía 
đều long lanh lấp lánh hơn lên trong tâm hồn thi sĩ. Cái cảm giác "mát trong" là chung, là  
muôn thuở đối với mọi mùa thu Việt Nam, mùa thu Hà Nội. Cái riêng biệt cái "đã xa" đã 
"khóe rồi" giữa hai mùa thu, còn lại là gì? Trong những ngày thu đã xa Hà Nội "mát trong" 
vẫn "mát trong" vẫn đẹp và thơ  mộng. Nhưng đó là cái đẹp buồn. Phố  xá vắng vẻ, xao 
xác, sân thềm đầy nắng, đầy lá vàng rơi. Gió heo may mang theo khí lạnh đầu mùa thổi  
dài theo những dãy phố  cổ  vắng người. Có một cái gì buồn, thật trang trọng trong thời  
khắc chuyển mùa, thời khắc chia xa.
Mùa thu nay vẫn "mát trong" như "sáng năm xưa" ấy nhưng cũng "đã khác rồi". Khác rồi 
bởi cái "Người ra đi đầu không ngoảnh lại" của "những ngày thu đã xa", giờ đây đã "đứng  

giữa núi đồi", đúng từ một tầm cao của chiến khu kháng chiến Việt Bắc để mà "nhớ' mà  
"nghe". Lòng người đã đổi nên ngọn gió cũng đổi, âm thanh cũng đổi, sắc hương cũng  
đổi:
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha.
Đó là cơn gió thổi, sắc áo mới, tiếng nói cười giữa một cuộc hồi sinh.
Có một thay đổi nhỏ  trong cách xưng hô  ở  trên là "tôi nhớ", "tôi đứng vui nghe". Đến 
đoạn thơ  tiếp theo, đất trời mùa thu lại vang vọng tiếng "nói cười thiết tha" của "chúng  
ta".
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta


Nước chúng ta...
Mấy chữ "của chúng ta", "chúng ta" ấy vang lên thật rắn rỏi, kiêu hãnh tin yêu, "chúng ta" 
tự hào về "nước chúng ta" có chủ quyền, tự hào vì "nước chúng ta" giàu đẹp rộng lớn.
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa...
Tự hào vì truyền thống "không bao giờ khuất" của cha ông mình:
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về
Ở trên, ta nghe một "tiếng nói cười thiết tha" vọng lên đâu đó giữa tầng trời "trong biếc",  
ơ đây trong những dòng khép lại phần thứ nhất bài thơ, ta lại nghe tiếng nói thiêng vọng  
lên từ lòng đất thiêng mà nhà thơ gọi là "tiếng đất".
Như vậy, cảm hứng về đất nước của Nguyễn Đình Thi trong phần thứ nhất của bài thơ 
là niềm vui của người làm chủ. Đó là niềm vui, là nỗi nhớ  vừa sâu lắng vừa náo nức  
trong lòng, một thứ  nỗi niềm vọng trong tâm thức thành một thứ  tiếng nói riêng, "tiếng  
thu" riêng, nghe mênh mang sâu thẳm: sâu thẳm giữa bầu trời, sâu thẳm trong lòng đất và 

sâu thẳm giữa hồn người đi kháng chiến.
Như  trên đã nói, Đất nước được Nguyễn Đình Thi sáng tác từ  năm 1948 đến 1955 mới  
hoàn thành. Phần thứ  nhất được hoàn thành năm 1948 ("Sáng mát trong như  sáng năm  
xưa"), ("Đêm mít tinh") phần thứ hai, được viết tiếp từ 1949 đến 1955. Nguyễn Đình Thi  
hình như chờ cho lịch sử viết xong thiên sử thi của dân tộc mình, rồi mới theo đó mà viết  
nốt phần thứ hai này. Có lẽ vì vậy mà dù thiên về xây dựng những hình ảnh có tính biểu 
tượng khái quát, lời thơ vẫn âm vang những tiếng vọng của cuộc sống hào hùng của một  
đất nước chiến đấu và chiến thắng,  ơ  đó, có âm vang của phong trào phát động quần 


chúng trong cải cách ruộng đất:
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Đã bật lên những tiếng căm hờn
Có âm vang nhịp bước vào công ­ nông ­ binh "liên minh" kháng chiến:
Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng
Nhưng nếu như những biểu tượng khái quát trên đây chỉ  được xây dựng bằng cảm quan  
lịch sử, bằng sự  kiện thì Đất nước của Nguyễn Đình Thi đã không làm xôn xao lòng 
người đến thế. Rất nhiều những biểu tượng đã kết tinh từ những kĩ niệm riêng, từ chính 
quan sát, trải nghiệm của một nghệ sĩ từng sống lăn lộn trong kháng chiến. Cho nên, Đất 
nước của Nguyễn Đình Thi có nhiều khổ, nhiều dòng lấp lánh cái chất sống của nhà thơ 
và của nhân dân.
Khi ông viết:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu
Thì ta hiểu đó là nỗi đau chung quyện vào những nỗi đau riêng, và nỗi đau  ấy nung nấu  

thêm vì một nỗi nhớ  xao xuyến chay lòng. Trong đó có kỉ  niệm về một buổi chiều hành  
quân ở Bắc Giang: Nhìn lên đồi cao, dây thép gai đồn giặc hằn lên như cào cấu "đâm nát  


trời chiều". Ráng chiều đỏ  bầm lại, rãnh cày đồng quê như  "chảy máu". Những chi tiết 
rất thực, rất sống sít  ấy đã vào thơ  và trở  thành biểu tượng đau thương của đất nước  
trong kháng chiến chống Pháp. Đó không còn là hình ảnh của một thời mà là hình ảnh của  
mọi thời giặc giã, không còn là hình ảnh của một vùng quê Bắc Giang mà hiển thân của  
mọi vùng quê, mọi đất nước dưới gót giày quân xâm lược.
Những hình ảnh đau thương quặn lòng ấy sẽ còn "nung nấu" những "đêm dài hành quân" 
nhưng cũng từ  miền đau thương sâu thẳm  ấy, mọc lên những ngôi sao thương nhớ  lấp  
lánh, thao thức bồn chồn. Đó là ánh mắt "người yêu" là nỗi nhớ bồn chồn và cũng chính là 
sự thôi thúc, là niềm tin.
Trong thơ  Nguyễn Đình Thi, nỗi "nhớ mắt người yêu" như nhớ một ánh sao lấp lánh ấy  
thường trở  đi trở  lại nhiều lần (Trong Bài thơ viết cạnh đồn Tây: "Nhớ  em đôi mắt hay  
cười", Trong Em bảo anh: "Tia lửa nơi ta bay lên cao ­ Trong mắt người yêu thành trời  
sao", trong Nhớ: "Ngôi sao nhớ  ai mà sao lấp lánh ­ Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo 
mây"...) Nhưng đặc biệt  ở  "Đất nước", "Mắt người yêu" gợi một nỗi nhớ  lớn lao sâu 
thẳm, vượt lên trên cả tình yêu đôi lứa, vượt lên trên nỗi nhớ người yêu. Bởi thứ ánh sáng  
bất chợt bừng lên trong tâm hồn ấy có cả nỗi đau, nỗi nhớ, có cả buồn vui, cả tin yêu hy  
vọng, cả riêng và chung.
Bài thơ khép lại băng một cảnh tượng hào hùng, tráng lệ:
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa
Cảnh tượng vĩ đại này cũng là một biểu tượng khái quát về sự lớn mạnh quật cường của  
đất nước từ trong đau thương gian khổ. Nhưng đó là một bức tranh sống động. Cảm hứng  
hiện thực lấy từ chiến thắng Điện Biên Phủ: Đoàn quân "áo vải", "đứng lên thành những 



anh hùng" phất cao cờ  chiến thắng trên nóc hầm viên tướng bại trận Đờ  Caxtơri chiều 
mùng 7 tháng 5 lịch sử. Cảnh tượng đó đã được nhiều nhà quay phim, chụp  ảnh ghi lại,  
nhưng hiếm có  ở  đâu gợi cho ta thật nhiều  ấn tượng như   ở đây, có cái gì rung chuyển 
như một cơn trở dạ vĩ đại của trời đất, của lịch sử. Trước mắt ta lồng lộng, chói lòa một 
"Nước Việt Nam từ máu lửa ­ Rũ bùn đứng dậy..." Đó là cái "rũ bùn đứng dậy" của Phù  
Đổng Thiên Vương thời đánh Pháp.
Đất nước của Nguyễn Đình Thi là một bài thơ đặc sắc về đề  tài này. Đặc sắc nhất là ở 
cảm hứng rất riêng về đất nước của ông: Một đất nước gắn liền với mùa thu, gắn liền  
với niềm vui nỗi nhớ  của con người làm chủ, một đất nước thật đẹp ngay trong cảnh 
gian khổ đau thương. Chính nhà thơ đã từng viết:
Anh yêu em như yêu đất nước
Vất vả đau thương, tươi thắm vô ngần
(Nhớ)
Có lẽ vì vậy mà giữa bao nhiêu bài thơ hay về đất nước của bao nhiêu nhà thơ, người đọc 
vẫn không thể  quên được những câu thơ  tuyệt tác của ông về  phố  Hà Nội, về  "Những  
cánh đồng quê chảy máu ­ Dây thép gai đâm nát trời chiều" và về  "Nước Việt Nam từ 
máu lửa ­ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa".
 



×