Tải bản đầy đủ (.docx) (3 trang)

Phong cách thơ nguyễn duy

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (50.75 KB, 3 trang )

Phong cách thơ Nguyễn Duy
20:32 - 22/11/2013 Tabi Pham Chưa có chủ đề

1. Trong hành trình sáng tạo gần bốn mươi năm được kết tinh trong mười tập thơ gồm hơn
ba trăm bài thơ, Nguyễn Duy đã thật sự khẳng định tiếng nói riêng của mình với những đặc
điểm nổi bật sau:
Trong quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Duy, triết lý nhân sinh: ``Ta là dân - vậy thì ta
tồn tại`` (Nhìn từ xa...Tổ quốc) có ý nghĩa như một ``mẫu gốc``. Quan niệm đó của ông
không chỉ thể hiện tư tưởng trọng dân, tình cảm gắn bó máu thịt với nhân dân lao động mà
còn thể hiện hướng đi trong sáng tạo nghệ thuật:hoà mình vào nhân dân, cất lên tiếng nói
của chính họ trong cuộc đời - đấy chính là yếu tố quyết định sự tồn tại của đời thơ. Triết lý
nhân sinh này đã được chuyển hoánhuần nhuyễn vào quan niệm thẩm mỹ và quan niệm
sáng tác của Nguyễn Duy. Với ông, hành trình đi tìm cái đẹp là hành trình ``tìm ánh vàng
trong muối mặn mồ hôi`` (Đãi cát tìm vàng), và ông làm thơ là để chưng cất cảm xúc
‘’thương mến đến tận cùng chân thật / những miền quê gương mặt bạn bè`` (Tuổi thơ) của
mình thành ``rượu của chúng sinh`` (Bao cấp thơ). Nguyễn Duy đã hiện thực hoá quan niệm
nghệ thuật ấy của mình qua hành trình sáng tạo. Đó là hành trình đầy ắp chất sống đời
thường, kiên trì bền bỉ vượt lên mọi hoàn cảnh để làm thơ và vận động theo hướng trở về
gần hơn nữa với cuộc sống đời thường, với quê hương, nhân dân, đất nước. Triết lý nhân sinh
``Ta là dân - vậy thì ta tồn tại`` của Nguyễn Duy không chỉ được chuyển hoá nhuần nhuyễn
vào quan niệm thẩm mỹ, quan niệm sáng tác và được hiện thực hoá trong hành trình sáng
tạo mà còn chi phối mạnh mẽ đến cách chiếm lĩnh đề tài, hình tượng nghệ thuật, thể loại,
ngôn ngữ và giọng điệu trong thơ ông.
Cũng tập trung viết về chiến tranh và quê hương như những nhà thơ khác, nhưng ngòi bút
của ông không chú trọng thể hiện những vẻ đẹp hoành tráng mang tính sử thi mà thường
nghiêng về khuynh hướng phi sử thi, phản ánh những vẻ đẹp đơn sơ, bình dị, lắng sâu những
mất mát hy sinh, da diết với cuộc sống vất vả lam lũ của người nông dân. Bước sang thời kỳ
``đổi mới``, thơ Nguyễn Duy càng mạnh mẽ, táo bạo, tỉnh táo phơi bày những bất cập của
xã hội đương thời. Chính vì vậy, thơ ông càng giàu giá trị nhân văn, nhân bản.
Hình tượng trung tâm trong các sáng tác của Nguyễn Duy là hình tượng cái tôi trữ tình với
bản nguyên ``mang dấu ruộng dấu vườn`` được thể hiện ở hai bản thể: cái tôi mang đậm


``hồn quê`` và cái tôi hài hoà ``hồn phố``. Hình tượng Đất và Gió trong thơ ông có thể coi là
hai bản sao của cái tôi trữ tình, trong đó Đất là phần bình ổn, mộc mạc, giản dị, Gió là phần
ngang tàng, phóng túng, lãng mạn, đa tình. Đó thực sự là hai hình tượng vừa đối lập vừa
thống nhất, tạo nên nét riêng độc đáo của thế giới hình tượng nghệ thuật trong thơ Nguyễn
Duy
Thể loại sở trường của Nguyễn Duy là lục bát. Nguyễn Duy đã sáng tác lục bát với hai
khuynh hướng: vừa trở về nguồn cội vừa cách tân để đưa lục bát trở về gần hơn nữa với cuộc
sống đời thường. Nguyễn Duy đã cải hoá sự hài hoà, mềm mại, óng ả vốn có của lục bát
bằng cách sử dụng nhiều thanh trắc, tăng cường nhịp lẻ, phép trùng điệp ở mọi cấp độ, cập
nhật ngôn ngữ ``cơm bụi``, ``vỉa hè`` và gia tăng chất thế sự, đời tư. Như vậy, lục bát
Nguyễn Duy vừa khuôn theo thi luật truyền thống vừa phá vỡ những thi luật ấy ở mọi chiều
kích, tạo thành một thứ lục bát mang hơi thở, nhịp sống của cuộc sống thời hiện tại.


Để vượt lên những lối mòn ngôn ngữ, Nguyễn Duy đã sử dụng kết hợp nhiều phương thức tái
tạo từ: nhân hoá, ẩn dụ, trùng điệp, ``thơ hoá`` ngôn ngữ đời thường. Với vai trò của người
kiên trì ``luyện thơ`` từ ``bụi chữ`` (Rơi và nhặt) đồng thời cũng là một vũ công tài hoa
``khiêu vũ từ ngữ`` (Khiêu vũ), Nguyễn Duy đã giữ được ngôn ngữ thơ ở giới hạn cheo leo
giữa các đối cực: mộc mạc và tinh tế, bỡn cợt và nghiêm túc, nhẹ nhàng và sâu cay...
Thơ Nguyễn Duy có hai giọng điệu chính: kể lể tâm tình và tếu táo ngang tàng. Nếu yếu tố
tự sự trong mỗi bài thơ, những từ hô gọi có âm điệu tha thiết, sự xuất hiện trực tiếp của cái
tôi trữ tình, sự kìm chế, dồn nén cảm xúc trước những đau thương mất mát...đã tạo nên
giọng điệu kể lể tâm tình ấm áp điềm đạm, thì giọng thơ tếu táo ngang tàng được hình
thành từ sự táo bạo chạm đến những vấn đề bức thiết của hiện thực xã hội của nhà thơ. Hai
giọng điệu này vừa song song tồn tại vừa đan xen với nhau, và riêng trong giọng điệu tếu
táo ngang tàng không chỉ lắng sâu những tình cảm thiết tha, những suy tư trăn trở về thân
phận con người mà còn đậm đà chất triết lý được chắt lọc từ chính cuộc sống bộn bề những
lo toan thường nhật. Dù thời gian sau này giọng tếu táo ngang tàng nổi lên như một chủ âm,
nhưng giọng điệu chủ đạo trong suốt hành trình sáng tạo gần bốn mươi năm qua của ông
vẫn là giọng trữ tình thiết tha, sâu lắng.

2. Với những đặc điểm nổi bật trên, nếu quan niệm rằng: ‘’Chỉ khi nào nhà văn, nhà thơ đạt
đến trình độ cao trong nghệ thuật, mở được một cách nhìn mới, cách cảm thụ mới, cách viết
mới, cách thể hiện mới được mọi người thừa nhận, thì người đó mới thực sự có phong cách,
được chấp nhận là có phong cách`` (Bùi Công Hùng) [37, tr.113] thì Nguyễn Duy đã thực sự
là một nhà thơ có phong cách. Phong cách ấy được hình thành do sự tác động của hoàn cảnh
xã hội, in đậm dấu ấn của văn hoá dân gian của miền đất Thanh Hoá - quê hương ông ,
nhưng quan trọng hơn cả là sự tích hợp từ tài năng thực sự cùng những trải nghiệm và
những nỗ lực vượt lên mọi hoàn cảnh, vượt lên chính mình để sáng tạo của nhà thơ.
Trịnh Công Sơn đã nhận xét về Nguyễn Duy: ``Hình hài Nguyễn Duy như giống như đám đất
hoang, còn thơ Nguyễn Duy là thứ cây quí mọc trên đám đất hoang đó`` [68, tr.82]. Theo
chúng tôi, ẩn dụ ‘’đám đất hoang’’ không chỉ nghiêng về chỉ diện mạo bên ngoài, mà quan
trọng hơn, còn phản ánh bản tính nguyên thuỷ, nguyên sơ của người nông dân
Việt Nam khắc ghi đậm nét trong tâm hồn Nguyễn Duy: sự hồn nhiên, mộc mạc, giản dị, bản
tính ``thương người như thể thương thân``.... Như vậy, với Nguyễn Duy, thơ là người, phong
cách sống của ông được chuyển hoá trọn vẹn vào phong cách thơ, và phong cách thơ chính
là sự lưu lại phong cách sống ấy.
3. Thơ Nguyễn Duy đậm đà ``hồn quê`` nhưng không phải là thứ hồn quê cổ điển, thuần tuý.
``Hồn quê`` trong thơ ông đã có sự pha trộn của ``hồn phố`` - một ``hồn phố`` không phải
mang nặng nỗi ``sầu đô thị`` như Nguyễn Bính, cũng không phải nghiêng về phía thanh lịch,
cổ kính mà mang sắc thái táo bạo, mạnh mẽ, nhiều trăn trở, ưu tư. Như vậy, phong cách thơ
Nguyễn Duy là sự thống nhất của nhiều yếu tố đối lập: mộc mạc, dân dã mà tinh tế sâu sắc,
ngang tàng tếu táo mà thiết tha sâu lắng nhân tình, tự nhiên ngẫu hứng mà trau chuốt công
phu. Nhưng bắt nguồn từ quan niệm ``Ta là dân - vậy thì ta tồn tại`` nên mọi cách tân trong
thơ ông đều xoay quanh cái trục dân dã. Nếu coi phong cách thơ Nguyễn Duy là một chỉnh
thể, thì ‘’dân dã’’ là yếu tố chi phối mạnh mẽ tất cả các yếu tố khác, khoác cho chất ‘’bác
học’’ trong thơ ông chiếc áo mộc mạc, giản dị, khiến sự ngang tàng tếu táo trong thơ ông
không phải là biểu hiện của cái tôi cá thể ngông nghênh mà nặng trĩu nỗi đau nhân thế,


khiến chất hiện đại trong thơ ông mang hơi thở của cuộc sống đời thường. Nếu coi sáng tác

của Nguyễn Duy là những cánh diều bay bổng, thì ‘’dân dã’’ chính là cái ‘’neo trần gian’’,
gắn kết thơ ông với cuộc đời hiện tại. Vì vậy, thơ ông luôn thuộc về số đông ``chúng sinh``
thời hiện tại, thực sự là ``rượu của chúng sinh`` (Bao cấp thơ).
Với phong cách độc đáo ấy, Nguyễn Duy đã trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu
của thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ và thuộc hàng ngũ các nhà
thơ đi tiên phong trong công cuộc đổi mới, góp phần quan trọng ``làm thay đổi thi pháp của
thơ, tạo nên gạch nối giữa thơ hậu chiến và thơ hiện đại`` và là ``lực hấp dẫn`` thúc đẩy ý
thức cách tân ngày càng mạnh mẽ hơn của thơ trẻ chúng ta hôm nay (Nguyễn Trọng Tạo) [4,
tr.4].
4. Bên cạnh một khối lượng lớn thơ trữ tình, Nguyễn Duy còn làm báo, viết tiểu thuyết,
phóng sự, sáng tác lịch thơ, tranh thơ, tổ chức những cuộc triển lãm thơ ``độc nhất vô nhị``
tạo nên những hiện tượng văn hoá độc đáo. Đây cũng là một phần quan trọng trong sự
nghiệp sáng tác của Nguyễn Duy cần được tiếp tục nghiên cứu để có cái nhìn toàn diện hơn
về những đóng góp và vị thế của ông trong nền thơ Việt Nam hiện đại.



Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×