Nâng cao chất lượng công tác thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo
nghị quyết trình tại các kỳ họp của HĐND tỉnh
Cập nhật ngày 05/07/2016
CTTĐT - Hoạt động quan trọng và chủ yếu của HĐND tỉnh là tổ chức
các kỳ họp, thông qua đó xem xét, quyết định những chủ trương, biện
pháp để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, cải thiện
đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chính vì vậy, để nâng cao
chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh cần tiến hành đồng bộ các giải
pháp, trong đó quan trọng là nâng cao chất lượng công tác thẩm tra tại
các kỳ họp của HĐND tỉnh.
Thẩm tra là đánh giá các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết được trình ra kỳ
họp của HĐND là một trong những nhiệm vụ quan trọng, chủ yếu của các
Ban HĐND, nhằm xem xét tính khoa học, tính chính xác, tính hợp lý, hợp
pháp, tính khả thi của các vấn đề được đề cập trong báo cáo, đề án, tờ trình
của UBND trình HĐND. Đây là cơ sở giúp đại biểu HĐND tỉnh có thêm
thông tin, thấy được những vấn đề cần tập trung để thảo luận và quyết định
những vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân ở
địa phương, góp phần đảm bảo cho Nghị quyết của HĐND phát huy được tính
hiệu lực, hiệu quả, đi vào cuộc sống.
Ban Pháp chế có nhiệm vụ thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị
quyết trên lĩnh vực thực thi pháp luật, Quốc phòng - an ninh, trật tự - an toàn
xã hội, xây dựng chính quyền địa phương và quản lý địa giới hành chính.
Thời gian qua, công tác thẩm tra báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết
của Ban Pháp chế HĐND tỉnh luôn đảm bảo đúng quy định của pháp luật, vận
dụng sáng tạo, phù hợp, thiết thực, hiệu quả; chất lượng báo cáo thẩm tra ngày
càng được nâng lên, nội dung thẩm tra đã đánh giá, phân tích những mặt
được, mặt còn tồn tại, hạn chế, chỉ ra được những nguyên nhân và đề xuất,
kiến nghị cụ thể, thể hiện được chính kiến và có tính phản biện, làm cơ sở để
các đại biểu thảo luận, xem xét quyết định.
Ban đã chủ động trong công tác thẩm tra ngay từ khi được UBND tỉnh mời
tham dự các phiên họp thường kỳ để thảo luận, thống nhất các nội dung trình
tại kỳ họp HĐND tỉnh. Do đó, đã giúp Ban tiếp cận được thông tin sớm, chủ
động về kế hoạch, thời gian xây dựng báo cáo thẩm tra.
Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Ban đã chủ động liên hệ yêu
cầu UBND tỉnh và các cơ quan liên quan gửi báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo
nghị quyết kèm theo các hồ sơ, tài liệu liên quan để Ban triển khai các hoạt
động thẩm tra, nghiên cứu tài liệu phục vụ cho công tác thẩm tra.
Để việc thẩm tra thực sự có chất lượng, công tác chuẩn bị có ý nghĩa quan
trọng. Trên cơ sở nội dung của báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết,
các thành viên Ban dành thời gian thích đáng để nghiên cứu báo cáo, tờ trình
và các tài liệu có liên quan, xác định rõ đối tượng, phạm vi mà báo cáo, đề án,
tờ trình tác động đến để tổ chức các hoạt động giám sát. Thông qua hoạt động
này để tiến hành kiểm tra thực tế tại các địa phương, đơn vị có liên quan về
những vấn đề được nêu trong báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết. Thu
thập thông tin, tài liệu liên quan đến vấn đề cần thẩm tra, công việc này được
tiến hành khẩn trương, liên tục, khai thác vấn đề từ nhiều nguồn thông tin một
cách trung thực, chính xác, khách quan, toàn diện có đối chiếu và kiểm chứng.
Trong quá trình thẩm tra, Ban luôn đề cao tính dân chủ, công khai, qua nhiều
kênh thông tin với nhiều phương pháp giám sát linh hoạt; tiếp thu, thăm dò ý
kiến, kiến nghị của nhân dân đóng góp vào nội dung của các báo cáo, đề án,
tờ trình, dự thảo nghị quyết. Đặc biệt trong những trường hợp nội dung của
báo cáo, đề án, tờ trình liên quan đến quyền lợi của nhiều người hoặc một
nhóm người, một nhóm đối tượng nào đó thì việc đưa nội dung để lấy ý kiến
tham vấn, góp ý của nhân dân và các đối tượng chịu tác động là một yêu cầu
bắt buộc. Tại cuộc họp thẩm tra, chủ yếu dành thời gian cho các đại biểu nêu
vấn đề, chất vấn, trao đổi; cơ quan trình dự thảo không trình bày toàn bộ báo
cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết mà chủ yếu giải trình làm rõ các nội
dung theo yêu cầu của các thành viên dự họp. Có như vậy, mới có cơ sở để
xây dựng báo cáo thẩm tra một cách chính xác, sát đúng, có tính phản biện
cao, giúp HĐND tỉnh có những quyết định đúng đắn, hợp lòng dân và mang
tính khả thi.
Báo cáo Thẩm tra của Ban luôn đảm bảo đúng thời gian quy định, có chất
lượng; quá trình thẩm tra Ban Pháp chế đi sâu phân tích những vấn đề trọng
tâm để HĐND tập trung thảo luận, cân nhắc, chú trọng làm rõ những khả
năng và điều kiện để triển khai thực hiện Nghị quyết trong thực tiễn. Từ ý
kiến của Ban, các phiên thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường và hoạt động
chất vấn được các đại biểu tích cực tham gia, đạt kết quả thiết thực, góp phần
giúp đại biểu có cơ sở để thảo luận, xem xét tính chân thực, tính hợp pháp,
tính khả thi của các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết tại kỳ họp.
Để đạt được những kết quả nêu trên, quá trình thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ
trình, dự thảo nghị quyết, Ban đã tập trung xem xét những nội dung cơ bản đó
là:
Về tính hợp pháp: Đối chiếu nội dung cần thẩm tra với các qui định của pháp
luật để xem xét nội dung văn bản không trái với những qui định và thuộc
thẩm quyền của HĐND ban hành nghị quyết.
Đảm bảo tính trung thực: Các căn cứ, dữ liệu đảm bảo thông tin khách quan,
chính xác, đầy đủ, không mâu thuẫn với các thông tin ở các văn bản do cơ
quan cùng cấp ở địa phương đã ban hành và mang tính thời sự.
Nội dung dự thảo nghị quyết phải phù hợp với điều kiện đặc thù của tình hình
kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh địa phương: Đảm bảo khi nghị quyết
được thông qua, đưa vào thực hiện sẽ nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của
nhân dân thuộc phạm vi và đối tượng tác động.
Về Hình thức của dự thảo văn bản phải phù hợp với nội dung chuyển tải: Văn
bản có cấu trúc hợp lý, ngôn ngữ trong sáng, trình bày logic, chặt chẽ.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ
trình, dự thảo nghị quyết còn gặp không ít những khó khăn, dẫn đến chất
lượng một số Báo cáo thẩm tra của Ban còn hạn chế, đó là:
Một số báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết của UBND tỉnh gửi về còn
chậm so với yêu cầu, có những văn bản gửi sát ngày diễn ra kỳ họp đã gây
ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thẩm tra của Ban; trong công tác chuẩn
bị kỳ họp, cơ quan được giao soạn thảo đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết
chưa phối hợp với Ban HĐND ngay từ đầu nên rất khó khăn trong công tác
thẩm tra.
Đa số các thành viên của Ban hoạt động kiêm nhiệm, chỉ có một đồng chí phó
Ban chuyên trách, các thành viên của Ban đa số lại giữ chức vụ chủ chốt ở các
địa phương trong tỉnh nên đôi khi chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động
thẩm tra.
Số lượng chuyên viên được phân công giúp việc cho Ban còn rất hạn chế. Ban
chỉ có 01 chuyên viên giúp việc, trong khi lĩnh vực hoạt động của ban khá
rộng cũng là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến hoạt động
thẩm tra của ban.
Để nâng cao chất lượng công tác thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo
nghị quyết trình tại các kỳ họp HĐND tỉnh của các Ban nói chung và Ban
Pháp chế nói riêng; tiếp tục phát huy hiệu quả, đảm bảo chất lượng, mang tính
phản biện cao của các báo cáo thẩm tra. Ban pháp chế xin trình bày thêm một
số quan điểm sau:
Thứ nhất: Các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết phải được gửi đến
HĐND tỉnh đúng thời gian. Có thời gian để các thành viên nghiên cứu, đối
chiếu, phát hiện những vấn đề cốt lõi cần phải giải quyết, thể hiện được chính
kiến của cơ quan thẩm tra và có những kiến nghị xác đáng, khả thi là cơ sở
quan trọng, gợi mở cho các đại biểu HĐND thảo luận làm sáng tỏ các vấn đề
trước khi quyết định.
Thứ hai: Nhân tố chủ yếu, quan trọng quyết định đến chất lượng công tác
thẩm tra chính là thành viên của Ban; năng lực chuyên môn, tinh thần trách
nhiệm của các thành viên là yếu tố làm nên chất lượng của báo cáo thẩm tra.
Trong đó, việc lựa chọn nhân sự nên bố trí lãnh đạo hoạt động chuyên trách ở
các ban HĐND là người trong cấp ủy cùng cấp, vừa lĩnh hội các ý kiến lãnh
đạo của cấp ủy, vừa thể hiện được vai trò, vị trí và tiếng nói trong HĐND
cùng cấp.
Thứ ba: Xây dựng đội ngũ tham mưu, giúp việc cho HĐND tỉnh mang tính
chuyên nghiệp và hiện đại, có cơ chế, chính sách thu hút những người có
phẩm chất tốt, có trình độ, năng lực, có kinh nghiệm thực tiễn, tâm huyết với
hoạt động của cơ quan dân cử về công tác tại Văn phòng để đáp ứng được yêu
cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.