“Thương vợ là một trong những bài thơ hay và cảm động nhất của Tú Xương viết về bà Tú” (SGK Ngữ
văn 11 – tập 1 – NXB GD trang 29).
Anh/chị hãy phân tích bài thơ Thương vợ của Tú Xương để làm sáng tỏ nhận định trên.
Tú Xương là một nhà thơ hiện thực trào phúng xuất sắc của nền văn học Việt Nam cuối thế kỉ
19 – đầu thế kỉ 20. Nhưng đằng sau nụ cười trào phúng trong thơ Tú Xương chính là yếu tố trữ tình sâu
sắc. “Thương vợ” là một sáng tác tiêu biểu cho bút pháp trữ tình của ông. Bài thơ viết về người vợ của
ông, bà Tú, một nguồn cảm hứng vô tận trong văn thơ Tú Xương. “Thương vợ là một trong những bài
thơ hay và cảm động nhất của Tú Xương viết về bà Tú.”
Cái hay, cái cảm động của bài thơ trước tiên là ở hình ảnh bà Tú hiện lên với cuộc sống vất vả,
lam lũ và những đức tính cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam: đảm đang, tháo vát, thương chồng,
thương con và giàu đức hi sinh.
Hai câu đề đã nêu bật vai trò trụ cột trong gia đình của bà Tú:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng.”
Câu thơ đầu giới thiệu một cách thật tự nhiên công việc của bà Tú – công việc buôn bán, một
công việc quen thuộc của người phụ nữ bình dân trong xã hội xưa. Nhưng điều đặc biệt trong công việc
của bà Tú nằm ở thời gian và không gian làm việc. Từ “quanh năm” diễn tả thời gian tuần hoàn, triền
miên, liên tục, không ngừng nghỉ. Từ ngày này qua ngày khác, từ năm này qua năm khác, bất kể mưa
nắng, sớm trưa, ốm đau hay khỏe mạnh bà Tú đều quẩy quang gánh ra nơi “mom sông” để buôn bán.
Hai từ “mom sông” đã cụ thể hóa không gian làm việc của bà Tú. Đó là một doi đất nhỏ nhô ra phía
sông, một nơi có thế đất chênh vênh, nguy hiểm, nhiều bất trắc. Bằng cách nói cường điệu, Tú Xương
đã miêu tả công việc buôn thúng bán lưng vất vả sớm khuya của bà Tú, đồng thời ẩn sâu trong đó là sự
thấu hiểu, cảm thông của ông Tú đối với công việc của bà Tú.
Câu thơ thứ hai nêu lên căn nguyên vất vả của bà Tú. Bà làm việc không ngừng nghỉ không chỉ
để nuôi bản thân mà còn để “nuôi đủ năm con với một chồng”. Cách dùng số đếm “năm con – một
chồng” là một cách đếm đặc biệt, khác với cách đếm thông thường. Tú Xương đã đặt mình ra một đầu
cân mà cân rằng: nuôi ông tốn bằng nuôi năm đứa con. Nuôi con đã cực nhọc, nuôi ông còn cực nhọc
hơn, bởi lẽ ông nổi tiếng là một ông tú tài hoa, suốt đời lều chõng đi thi nhưng không đỗ đạt, vậy nên
cả đời ông đều là làm quan tại gia, ăn bám vợ, là gánh nặng trên vai bà Tú. Ấy vậy mà bà Tú vẫn “nuôi
đủ”, không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu về vật chất, cái ăn, cái mặc của đại gia đình bảy miệng ăn mà còn
chăm lo cho nhu cầu tinh thần cao sang, tài tử của ông Tú. Bằng giọng điệu hóm hỉnh, tự trào, Tú
Xương đã tự giễu mình là một kẻ ăn bám vợ, đồng thời ẩn sau đó là tấm lòng trân trọng, biết ơn vợ của
ông Tú.
Hai câu thực miêu tả một cách cụ thể nỗi vất vả, truân chuyên trong công việc làm ăn của bà
Tú:
“Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.”
Trong câu thơ thứ ba Tú Xương đã vận dụng và sáng tạo ca dao “Con cò lặn lội bờ sông/ Gánh
gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.” Từ “thân cò” là một hình ảnh ẩn dụ, không chỉ gợi lên hình ảnh
người phụ nữ gầy gò, lam lũ mà còn gợi lên thân phận, số kiếp nhỏ nhoi, vất vả của người phụ nữ. Nếu
như câu ca dao không nêu rõ thời gian thì trong thơ Tú Xương có thời gian rõ ràng “khi quãng vắng”,
đó là thời gian sáng sớm cùng tối muộn, khi “mon sông” còn vắng vẻ, heo hút, đầy lo âu, nguy hiểm.
Phép đảo ngữ “lặn lội thân cò” càng khắc họa rõ nét nỗi vất vả, lam lũ, lặn lội ngược xuôi của bà Tú.
Sự vất vả của bà Tú còn được tái hiện qua cảnh tranh mua, tranh bán nơi chợ búa, chen lấn xô
đẩy, cãi cọ eo sèo. Hai câu thực đối rất chỉnh: “lặn lội” – “eo sèo”, “khi quãng vắng” – “buổi đò đông”
Để có thể lo cho chồng con, bà Tú không chỉ phải dấn thân nơi đồng không mông quạnh mà còn phải
chen chân trên những chuyến đò đông, chịu những tiếng kì kèo, lời qua tiếng lại. Đò đông gợi lên sự
chen chúc, nguy hiểm tiềm tàng. Bà Tú xuất thân là một tiểu thư nhà dòng, vì lấy ông Tú mà phải lăn
lộn nơi chợ búa, vật lộn với mưu sinh. Điều đó càng làm nổi bật sự đảm đang cùng sự hết lòng hi sinh
vì chồng con của bà Tú. Ẩn sau từng câu chữ, vẫn là cái nhìn thương cảm, ái ngại, xót xa, cùng trân
trọng, biết ơn của tác giả dành cho vợ.
“Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công.”
Trong hai câu thơ, ông Tú sử dụng nghệ thuật đối cùng các thành ngữ dân gian “một duyên hai
nợ”, “năm nắng mười mưa” để nói hộ những suy nghĩ thầm lặng của bà Tú. Bà Tú lấy ông Tú duyên thì
ít mà nợ thì nhiều, sung sướng thì ít mà cực khổ thì nhiều. Dẫu vậy, bà không ca thán, phàn nàn, hay
than thân trách phận mà cam chịu, chấp nhận số phận, bà coi đó là số mệnh mà ông trời đã sắp đặt cho
bà. Bà tự nguyện trải qua nắng mưa vất vả, nhận lấy trách nhiệm gánh vác gia đình mà không kể đến
công lao. Sự đảm đang, nhẫn nại, tấm lòng hi sinh thầm lặng vì gia đình của bà Tú cũng là vẻ đẹp
truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Giọng thơ trữ tình, như một tiếng thở dài, ẩn đằng sau là sự
cảm thông đến tận cùng tâm hồn bà Tú của ông Tú. Càng cảm thông bao nhiêu, ông càng nhận ra mình
vô tình, đểnh đảng, vô tích sự bấy nhiêu.
Cái hay, cái cảm động của bài thơ còn thể hiện ở tấm lòng yêu thương, quý trọng, tri ân vợ của
ông Tú và vẻ đẹp nhân cách của nhà thơ.
“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không.”
Tú Xương như đã hóa thân thành bà Tú, “chửi” hộ, nói hộ những bất bình của bà. Ông “chửi”
xã hội phong kiến bất công, thói đời bạc bẽo, sinh ra những người chồng ăn bám, vô tích sự, vô trách
nhiệm với gia đình như ông Tú. Ông tự “chửi” mình, tự nhạo báng chính mình, phê phán, lên án những
ông chồng hờ hững, vô trách nhiệm trong xã hội phong kiến xưa: có chồng vô tích sự thì ông ta có sống
cũng như chết rồi. Hai câu thơ thể hiện tấm lòng thương vợ đến xót xa của ông Tú. Đó cũng là một lời
ăn năn, hối lỗi của tác giả đối với vợ và cũng là lời tri ân sâu sắc đối với ân tình sâu nặng của bà Tú.
Tấm lòng yêu thương, trân trọng cũng như những trăn trở, day dắt đã tạo nên nhân cách cao đẹp của Tú
Xương, một con người dám sòng phẳng với bản thân, tự nhận ra thiếu sót của mình và không trút bỏ
trách nhiệm.
“Thương vợ” là một bài thơ Đường luật chỉnh, ngắn gọn, súc tích, giọng thơ ân tình, hóm hỉnh.
Thông qua việc sử dụng các hình ảnh, ngôn ngữ giản dị, các biện pháp tu từ: đối, đảo, thành ngữ… bài
thơ đã khắc họa chân dung bà Tú – người vợ tảo tần đảm đang , chịu thương chịu khó , giàu đức hi sinh
vì chồng con, mang vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam; đồng thời bộc lộ sự cảm thông,
trân trọng biết ơn người vợ thật sâu sắc của nhà thơ Tú Xương.