Tải bản đầy đủ (.pdf) (17 trang)

Chuyên đề con người trong VH trung đại1

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (356.42 KB, 17 trang )

MÔN NGỮ VĂN

MÃ CHẤM: V03b

QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI
TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM
I/ Phần mở đầu
1.1/ Khái niệm quan niệm nghệ thuật về con người.
Con người là trung tâm của văn học, là đối tượng chủ yếu mà các nhà văn, nhà
thơ khao khát hướng đến. Quan niệm nghệ thuật về con người là khái niệm cơ bản
nhằm thể hiện khả năng khám phá, sáng tạo trong lĩnh vực miêu tả, thể hiện con
người của người nghệ sĩ nói riêng và thời đại văn học nói chung. Giáo sư Trần Đình
Sử cho rằng: "Quan niệm nghệ thuật về con người là một cách cắt nghĩa, lí giải tầm
hiểu biết, tầm đánh giá, tầm trí tuệ, tầm nhìn, tầm cảm của nhà văn về con người
được thể hiện trong tác phẩm của mình”. Nghĩa là, quan niệm nghệ thuật về con
người sẽ đi vào phân tích, mổ xẻ đối tượng con người được thể hiện thành các
nguyên tắc, phương tiện, biện pháp trong các tác phẩm văn học, từ đó, thấy được giá
trị và chiều sâu triết lí của tác phẩm. Giáo sư Huỳnh Như Phương cũng góp tiếng nói
của mình bằng một cách nhìn khá bao quát: “Quan niệm nghệ thuật về con người thể
hiện tầm nhìn của nhà văn và chiều sâu triết lí của tác phẩm”.Từ điểnThuật ngữ
văn học định nghĩa quan niệm nghệ thuật về con người là hình thức bên trong của sự
chiếm lĩnh đời sống, là hệ quy chiếu ẩn chìm trong hình thức nghệ thuật, nó gắn với
các phạm trù phương pháp sáng tác, phong cách nghệ thuật, làm thành thước đo của
hình thức văn học và là cơ sở của tư duy nghệ thuật.” . Nhìn chung, tuy khác nhau về
cách diễn đạt nhưng những khái niệm trên đều nói lên được cái cốt lõi của vấn đề
quan niệm nghệ thuật về con người. Chúng ta có thể hiểu quan niệm nghệ thuật về
con người một cách khái quát như sau: Quan niệm nghệ thuật về con người được hiểu
là cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ, cách cắt nghĩa lí giải về con người của nhà văn.
Đó là quan niệm mà nhà văn thể hiện trong từng tác phẩm. Quan niệm ấy bao giờ
cũng gắn liền với cách cảm thụ và biểu hiện chủ quan sáng tạo của chủ thể, ngay cả
khi miêu tả con người giống hay không giống so với đối tượng. Quan niệm nghệ thuật


về con người là cách cắt nghĩa “có tính phổ quát, tột cùng mang ý vị triết học, nó thể


hiện cái giới hạn tối đa trong việc miêu tả con người”. Nhưng mọi cách nhìn, cách
cảm, cách nghĩ, cách lí giải về con người của nhà văn đều là sản phẩm của lịch sử, xã
hội và văn hóa thời đại nhà văn sáng tác. Không chỉ vậy quan niệm nghệ thuật về con
người còn mang dấu ấn sáng tạo của cá tính nghệ sĩ, gắn liền với cái nhìn nghệ sĩ.
Bởi vậy, quan niệm nghệ thuật về con người của văn học trung đại sẽ khác văn học
hiện đại, quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn Nguyễn Khải không giống
nhà văn Nguyên Ngọc.
Quan niệm nghệ thuật về con người tạo thành nhân tố vận động của nghệ thuật.
Và khi nhà văn miêu tả những con người là kết quả của sự vận động ấy thì sẽ làm văn
học đổi mới. Quan niệm nghệ thuật về con người luôn hướng vào con người trong
mọi chiều sâu của nó, cho nên đây là tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá
giá trị nhân văn của tác phẩm văn học nói riêng và thành tựu của người nghệ sĩ nói
chung.
1.2. Ý nghĩa của quan niệm nghệ thuật về con người
Quan niệm con người tạo thành cơ sở, thành nhân tố vận động của nghệ thuật,
thành bản chất nội tại của hình tượng nghệ thuật. Sự vận động của thực tế làm nảy
sinh những con người mới, và miêu tả những con người ấy sẽ làm văn học đổi mới.
Nhưng còn một khía khác là đổi mới cách giải thích và cảm nhận con người cũng làm
cho văn học thay đổi căn bản. trong lịch sử văn học sử dụng lại các đề tài, cốt truyện,
nhân vật truyền thống là rất phổ biến. Vẫn là con người đã biết, nhưng hôm qua được
nhìn ở một góc độ, hôm nay nhìn sang góc độ mới cũng tạo thành sáng tác văn học
mới.
Quan niệm nghệ thuật về con người không phải bất cứ cách cắt nghĩa, lý giải nào
về con người, mà là cách cắt nghĩa có tính phổ quát, tột cùng mang ý vị triết học, nó
thể hiện cái giới hạn tối đa trong việc miêu tả con người.
Quan niệm nghệ thuật về con người luôn hướng vào con người trong mọi chiều sâu
của nó, cho nên đây là tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá giá trị nhân văn vốn

có của văn học. Nghệ sĩ là người suy nghĩ về con người, cho con người, nêu ra những
tư tưởng mới để hiểu về con người, do đó càng khám phá nhiều quan niệm nghệ thuật


về con người thì càng đi sâu vào thực chất sáng tạo của họ, càng đánh giá đúng thành
tựu của họ.
II/ Nội dung
Con người trong văn học trung đại Việt Nam rất phong phú. Mỗi tác giả, mỗi thể loại
có một cách quan niệm và biếu hiện con người riêng nhưng vẫn có cái chung. Quan
niệm chung chi phối văn học trung đại Việt Nam là:
2.1 Từ con người phi cá nhân…
2.1.1. Chiều kích, vẻ đẹp của Con người được đo đến bằng vũ trụ, thiên nhiên
Thời trung đại, con người chủ yếu sống bằng nông nghiệp nên thường dựa vào
tự nhiên, khai thác tự nhiên để sống. Do đó, con người trung đại tin ở sự thống nhất
trong thế giới. Thiên nhiên là bạn tri âm tri kỷ của con người. Người phương Đông
xưa cũng quan niệm: thiên nhiên có mối giao hòa, giao cảm với con người bởi con
người là một "tiểu vũ trụ" có quan hệ tương thông tương cảm với "đại vũ trụ"- thiên
nhiên ngoại giới (Thiên nhân tương cảm, thiên nhân hợp nhất). Con người là một yếu
tố trong mô hình vũ trụ: Thiên - Địa - Nhân hợp thành "Tam Tài". Con người sống
trong vòng "Thiên phú địa tái" (Trời che, đất chở). Cho nên, quan niệm “Thiên – Địa
– Nhân” hay “Thiên Nhân tương cảm” cổ xưa ấy đã chi phối nhiều đến sự biểu hiện
trong tác phẩm nghệ thuật. Do đó thơ văn trung đại thường chỉ xuất hiện một con
người đứng trước trời đất.
Ở giai đoạn thượng kỳ trung đại, không gian nghệ thuật trong các bài thơ bộc lộ chí
hướng là một không gian vũ trụ khoáng đạt, rộng lớn và hoành tráng, mà trong đó,
con người dù nhỏ bé song vẫn cố gắng vươn lên ngang tầm và có khát vọng làm chủ
trời đất, vũ trụ, chinh phục thiên nhiên. Phạm Ngũ Lão trong bài thơ “Thuật hoài” đã
phóng lớn ngọn giáo của mình cho tương xứng với kích thước của đất nước:
Hoành sóc giang san cáp kỷ thu,
Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu

Trước đó, ở bài thơ “Ngôn hoài” của Không Lộ thiền sư, ta còn cảm thấy
choáng ngợp hơn khi không gian của bài thơ là một dải đất rộng trải dài đến hút tầm
mắt vẫn chưa là gì đối với thiền sư mà khả năng của ông còn là chế ngự cả vũ trụ.


Không gian chính và đẹp nhất trong bài là “thái hư”, nó gần như là cả bầu trời, cả vũ
trụ, thế mà nhà sư chỉ bằng “trường khiếu nhất thanh” là có thể làm giá lạnh nó.
Cũng với khát vọng như thế, nhưng bài thơ “Cảm hoài” của Đặng Dung miêu
tả cụ thể, chi tiết hơn:
Trí chủ hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
Ta có cảm giác không gian ở đây đã được kéo căng đến tận vô cùng. Có vẻ như
cả trời đất rộng lớn đều không bao phủ, khuất lấp nổi trước tầm mắt của con người.
Nổi bật trong không gian đó là một con người to lớn, ấp ủ hoài bão kinh người: xoay
trục đất, kéo sông Ngân hà xuống rửa giáp binh. Mặc dù Đặng Dung không thành
công với chí hướng của mình, nhưng cái tâm cuả ông khiến người ta cảm phục.
Trong các tác phẩm thơ văn Lý Trần, nếu phải chọn một tác phẩm có không gian
nghệ thuật hoành tráng và hùng lệ nhất, tôi sẽ chọn bài thơ “Cảm hoài” mà không
chút do dự.
Đó là với các bậc Chính nhân quân tử, còn với người phụ nữ, Khuôn vàng
thước ngọc để đánh giá vẻ đẹp của họ, không gì khác cũng chính là thiên nhiên. Dù
đẹp đến độ nghiêng nước, nghiêng thành, thì vẻ đẹp của Thúy Vân, Thúy Kiều vẫn
được Nguyễn Du đặt trong thế đối sánh với thiên nhiên:
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da
...làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh
Hay dù táo bạo đến độ như Hồ Xuân Hương, vẽ ra bức tranh người thiếu nữ ngủ ngày

thì vẻ đẹp phồn thực, căng tràn sức sống ấy cũng được diễn tả qua ngôn ngữ thiên
nhiên:
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch đào nguyên nước chửa thông


Chính vì vậy, ở đây, con người không xuất hiện với tư cách cá nhân. Họ buồn
không phải một cá nhân buồn, mà cả vũ trụ cũng buồn theo, đúng như Nguyễn Du đã
từng nói:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
(Nguyễn Du - Truyện Kiều – Câu 1243-1244)
Đó là “con người vũ trụ” sống trong quy tắc “hô, ứng”. Vui buồn của mỗi con người
buộc cả vũ trụ chuyển động.
“Vật mình, vẫy gió, tuôn mưa,
Dầm dề giọt ngọc thẫn thờ hồn mai.”
(Nguyễn Du - Truyện Kiều – Câu 2795-2796)
Sự miêu tả gián tiếp trong thơ trung đại chính là bị sự chi phối của quan niệm vũ trụ
đó. Con người không được miêu tả như một hiện tượng xã hội mà được như là một
bộ phận của thiên nhiên, của vũ trụ. Chẳng hạn như khi nói sự bình phục của Kiều,
thì Nguyễn Du viết:
“ Vừa tuần nguyệt sáng, gương trong”
(Nguyễn Du - Truyện Kiều – Câu 1191)
về tình yêu của từ Hải và Kiều, thì:
“ Trai anh hùng, gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng”
(Nguyễn Du - Truyện Kiều – Câu 2211,2212)
Ngoài ra, do quan niệm vũ trụ trong văn học ta bắt nguồn từ rất xa xôi, gắn liền với
những quan niệm thần bí, tướng số. Cho nên, đặc biệt đối với những nhân vật xuất
chúng, tác giả thường miêu tả thành những con người dị tướng, phi thường, hun đúc

một sức mạnh nào đó của vũ trụ. Đó là những con người “chịu mệnh trời”. Từ Hải
chính là nhân vật được Nguyễn Du xây dựng dựa trên quan niệm này:
“Râu hùm hàm én mày ngài
Vai năm tất rộng thân mười thước cao”.
(Câu 2168-2169)


Đây là con người mà chí khí và tài năng được đo bằng chiều kích của vũ trụ. Bởi thế,
nói đến Từ Hải, người đọc như thấy hiện rõ trước mắt mình một hình ảnh cao rộng
của trời đất và vũ trụ.
Như vậy, hình tượng con người vũ trụ trong dòng chảy văn học trung đại Việt
Nam đã cho chúng ta thấy được quan niệm về con người của các tác giả trung đại.
Con người đó là một cá thể vũ trụ, mang dấu ấn vũ trụ, thiên nhiên qua đất trời, mây
nước, cỏ cây, muông… với cái đạo vững bền, sâu thẳm của nó. Đây là nét khu biệt
không thể lẫn so với các kiểu con người trong các thời kì sau của văn học.
2.1.2. Con người đạo đức, bổn phận, trách nhiệm
Trong văn học trung đại, những phẩm chất quan trọng nhất của con người được
cả xã hội đề cao luôn gắn với các khía cạnh đạo đức, hay bổn phận, trách nhiệm chứ
không phải là những khát vọng, nhu cầu cá nhân như trong văn học hiện đại. Điều
này là hoàn toàn dễ hiểu bởi toàn bộ xã hội trung đại được nhìn nhận trong một hệ
thống tôn giáo đạo đức. Hệ tư tưởng Nho giáo cũng luôn hướng đến xây dựng hình
mẫu những con người đạo đức luôn cống hiến cho xã hội. Cho nên, con người luôn
được nhìn nhận ở phương diện đạo đức luân lí. Vì thế, văn chương xưa chia xã hội
thành hai tuyến: thiện – ác, tốt – xấu với mục đích, chức năng nổi bật là giáo huấn:
“Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình.”
(Nguyễn Đình Chiểu – Lục Vân Tiên)
Nguyễn Du trong truyện Kiều cũng khẳng định phẩm chất đạo đức quan trọng nhất
của người phụ nữ:
Đã cho vào bậc bố kinh

Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu
Suốt hành trình văn học trung đại, con người luôn được xây dựng trong sự quy chiếu
với “tam cương, ngũ thường” để hiện lên với những vẻ đẹp của nhân, lễ , nghĩa, trí,
tín
Văn học trung đại nói nhiều đến chữ Trung, coi đây là phẩm chất quan trọng bậc nhất
của người quân tử, nhà Nho,văn nhân....Họ lĩnh hội quan niệm chữ Trung của Khổng
Mạnh và tuyệt đối hóa nó thành tư tưởng chính trị “ trung quân ái quốc”- trung với


vua là yêu nước. Nguyễn Trãi có nhiều câu thơ nói về đạo trung, trung quân:
- Văn chương chép lấy đòi câu thánh,
Sự nghiệp tua gìn phải đạo trung.
- Bui có một niềm chăng nỡ trễ
Đạo làm con với đạo làm tôi
- Bui một tấc lòng trung với hiếu
Mài chẳng khuyết, nhuộm chẳng đen
- Bui(chỉ vì) một tấc lòng ưu ái
Đêm ngày cuộn cuộn nước triều đông
- Hằng lấy đạo trung làm nghĩa cả
Qua ngày qua tháng được an nhàn
Nguyễn Trãi sống trong thời chế độ phong kiến thịnh nên đức trung được cổ xúy và
xuất hiện khá dày trong thơ ông và hầu hết các nhà thơ khác. Từ Nguyễn Bỉnh Khiêm
trở về sau, chế độ phong kiến khủng hoảng, thoái trào nên lòng Trung biểu hiện mờ
hơn và không còn khắt khe như trước.
- Ái ưu vặc vặc trăng in nước
Danh lợi lâng lâng gió thổi hoa.
...Ưu ái chẳng quên niềm trước,
Thị phi biếng nói sự nay.
(Nguyễn Bĩnh Khiêm)
- Ơn vua chưa chút báo đền

Cúi trông thẹn đất ngẩng lên thẹn trời
(Nguyễn Khuyến)
- Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung
(Nguyễn Công Trứ)
- Trai thời trung hiếu làm đầu
(Nguyễn Đình Chiểu)
Tuy nhiên, về thời phong kiến suy tàn, nhiều nhà Nho, quan lại, kẻ sĩ có quan
niệm “người trung thần tòng đạo bất tòng quân”, hoặc phủ nhận tư tưởng “ trung
quân ái quốc” : Dân là dân nước nước là nước dân”( Phan Bội Châu).


Nếu trung là phẩm chất để đo đếm quan hệ vua- tôi, thì hiếu lại là phẩm chất
quan trọng để đánh giá con người trong quan hệ cha – con.
Nguyễn Trãi, vị anh hùng dân tộc, vào thế kỷ thứ XV, là một nhà quân sự thiên tài,
nhà chính trị lỗi lạc, một nhà văn hóa vĩ đại của dân tộc. Trong tác phẩm Gia huấn ca,
ông đã đề cao đạo đức luân lí trong mối quan hệ giữa cá nhân, gia đình và xã hội.
Đạo hiếu được nhấn mạnh rất rõ:
“Dù nội ngoại bên nào cũng vậy
Đừng tranh giành bên ấy, bên này
Cù Lao đội đức cao dày,
Phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng.”
Còn phận làm con đối với cha mẹ thì:
“Khi ấm lạnh ta hầu săn sóc
Xem cháo cơm thay thế mọi bề
Ra vào thăm hỏi từng khi
Người đà vô sự ta thì an tâm”.
Trong Truyện Kiều, để “tỏ lòng” hiếu thảo, Kiều đã bán mình chuộc cha. Đó là một
hành động phi thường, trên thực tế nàng có thể vay tiền chuộc cha, nhưng như thế thì
quá bình thường. Tương tự, Kiều Nguyệt Nga cũng thể hiện tấm lòng trinh liệt của
mình khi ôm bức chân dung Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn.

Bên cạnh trung, hiếu , một phạm trù đạo đức cũng rất quan trọng khi xây dựng
hình tượng con người trong văn học trung đại là Nghĩa. Nghĩa là ân nghĩa, ân tình,
nghĩa khí, tri ân (trả ơn), thi ân (làm ơn, phước) có tình nghĩa và cư xử tử tế với mọi
người. Chế độ phong kiến đã cố định hóa những nội dung này trong một số tư tưởng,
mối quan hệ mang tính chính trị - xã hội như: nhân nghĩa, nghĩa vua tôi, nghĩa tào
khang....Chữ Nghĩa ở đây cũng ít nhiều mang tư tưởng giai cấp như chữ Nhân. Điều
này thể hiện khá rõ qua thơ văn Nguyễn Trãi:
Trong “Lệnh dụ các tướng hiệu quân nhân ở Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hoá” (Quân
trung từ mệnh tập) câu mở đầu là “Ta khởi nghĩa ở đất các ngươi, nay muốn thành
công mong các ngươi giữ chung thuỷ một lòng, đá vàng một tiết để toàn
cái nghĩa quân thần, phụ tử”.


Trong “chiến cấm các đại thần, tổng quan cùng các quan ở Viện, Sảnh, Cục tham
lam lười biếng” (phần văn loại chép phụ vào Quân trung từ mệnh tập) gần cuối có
câu: “Vua tôi nghĩa lớn, trọn vẹn trước sau…”
Ngay như một nhà thơ “ ngất ngưởng” như Nguyễn Công Trứ vẫn không quên:
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung.
Từ cuối thế kỉ XVIII chế độ phong kiến bước vào thời kì khủng hoảng. Văn nhân xa
dần với quy chuẩn phong kiến mà tìm về với tư tưởng của quần chúng nhân dân. Cho
nên, biểu hiện của chữ Nghĩa trong văn học trung đại giảm tính quan phương, chuẩn
mực mà hấp thụ cách hiểu chữ nghĩa phóng khoáng và bình đẳng của người bình dân.
Trong tác phẩm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu có đoạn thơ :
Vân Tiên nghe nói liền cười,
"Làm ơn há dễ trong người trả ơn.
"Nay đà rõ đặng nguồn cơn,
"Nào ai tính thiệt so hơn làm gì.
"Nhớ câu kiến ngãi bất vi,
"Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.
Cũng trong tác phẩm này có đoạn:

Hối con vầy lửa một giờ
Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày.
Ngư rằng: lòng lão chẳng mơ
Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn
Nước trong rửa ruột sạch trơn
Một câu nhân nghĩa chi sờn lòng đây.
Ở những câu thơ trên, nghĩa là nghĩa khí của con người, là tình nghĩa giữa người với
người. Đó là những hành động hướng về người khác một cách vô tư, đối xử tình cảm,
tử tế, có trước có sau, không tính toán thiệt hơn, không mưu cầu tư lợi. Người Việt
Nam có truyền thống trọng chữ Nghĩa với cách hiểu này.


Chính vì vậy, con người sống theo luân lí đạo đức, theo lí trí thì được coi là chân
chính; còn những người sống theo xúc cảm, theo những luân lí trần thế, nhân bản thì
bị coi thường, chê trách.
Là hệ quả tất yếu của con người đạo đức, con người trong văn học trung đại
luôn được gắn với những bổn phận, trách nhiệm lớn lao. Đó là trách nhiệm của người
tráng sĩ “cầm ngang ngọn giáo” để bảo vệ non sông trong Thuật hoài của Phạm Ngũ
Lão. Cũng chính bổn phận, trách nhiêm với đất nước đã chi phối để dù mái đầu đã
bạc nhưng người Đặng Dung vẫn canh cánh một khát vọng “Trí chủ hữu hoài phù địa
trục”. Và dù ý thức rất rõ được hoàn cảnh lực bất tòng tâm của mình nhưng kết thúc
bài thơ vẫn là một nỗ lực, một ý chí đáng khâm phục
Kỉ độ long tuyền đái nguyệt ma
Câu thơ được dịch nghĩa là bao phen mang gươm giáo ra mài dưới ánh trăng. Tác giả
thật táo bạo khi viết lên câu thơ này với hai hình ảnh đối lập nhau về nghĩa ; mài
gươm là để phục vụ cho chiến tranh, ánh trăng lại là biểu tượng của hòa bình. Vậy mà
tác giả lại mang gươm mài dưới ánh trăng, phải chăng tận sâu trong tâm khảm của
mỗi người dân An Nam hiền hòa đều mơ ước đến một ánh trăng thanh bình để con có
cha, vợ có chồng để cùng nhau vui vầy hạnh phúc. Đến cả khi mài gươm diệt giặc
hình ảnh ánh trăng vẫn ám ảnh bên lòng, nó không làm lòng người yếu đuối mà là

một động lực, một khát khao cháy bỏng có một nền hòa bình thịnh thế làm cho dân
giàu nước mạnh. Để rồi từ đó khát khao sống hạnh phúc, ngày đêm hung đúc cho dân
tộc ta một ý chí sắt thép, một sức mạnh phi thường đủ để nhấn chìm bè lũ cướp nước
hung hăng. Câu thơ cuối bài không chỉ khắc họa được tâm tình của người dân An
Nam là chuộng quý hòa bình, mà nó còn cho thấy rõ một lòng quyết tâm cao độ của
vị anh hùng Đặng Dung. Dù là thời vận không thuận ông, tuổi xuân không đợi ông
nhưng trong con người ấy vẫn bùng cháy một luồn ý chí mãnh liệt khi mà trận chiến
ít dần cơ hội thắng lợi nhưng vị tướng tài vẫn nuôi chí phục thù, đêm đêm “mài
kiếm” dưới trăng. Ông không chỉ tự nuôi cho mình quyết tâm phục quốc mà còn
truyền cho hậu nhân hào khí ngất trời, tinh thần yêu nước cao độ như nhắc nhở họ
phải có bổn phận giành lại nước nhà. Tất cả con người Đặng Dung, ý chí Đặng Dung,


tinh thần Đặng Dung vẫn ấp ủ, nuôi dưỡng như một làn sóng cuộn trào, âm ĩ giữa đại
dương chỉ chực sẵn thời cơ đè bẹp lũ giặc Tàu đốn mạt.
Và người nói nhiều, ý thức mãnh liệt về bổn phận, trách nhiệm trong văn học
trung đại nhất có lẽ là Nguyễn Công Trứ. Nguyễn Công Trứ quan niệm rằng kẻ làm
trai sống ở đời nhất thiết phải làm những việc có ích cho đời, không thể "tiêu lưng ba
vạn sáu.
Nhiều lần trong thơ Nguyễn Công Trứ đã đặt vấn đề;
Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu.
(Chí nam nhi).
Ðã mang tiếng trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông.
(Ði thi tự vịnh)
Vũ trụ giai ngô phận sự
Chẳng công danh chi đứng giữa trần hoàn.
(Nợ tang bồng)
Cái công danh trong thơ Nguyễn Công Trứ thực ra không phải là cái danh hão,
không phải là một quan niệm hưởng thụ, là cái bã vinh hoa tầm thường. Xét trong

toàn bộ cuộc đời và thơ văn của ông chúng ta thấy quan niệm công danh của nhà thơ
trước hết có ý nghĩa là nhiệm vụ của kẻ làm trai. Kẻ làm trai sống ở trên đời nhất
thiết phải chiếm lấy một địa vị để trên cơ sở đó làm những việc có ích cho đời.
Nguyễn Công Trứ có đề cao cá nhân nhưng nội dung chủ yếu là đòi hỏi phải đóng
góp cho xã hội. Nhà thơ coi nhiệm vụ đó như một món nợ lần phải trả.
-Tang bồng là cái nợ
Làm trai chi sợ áng công danh.
(Quân tử cố cùng I)
-Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái
Cái công danh là cái nợ lần
(Nợ nam nhi)


2.1.3. Con người đấng bậc
Cùng với mô hình con người vũ trụ và con người đạo đức là thái độ tôn xưng
với những con người tài tình, phân biệt với những người khác. Trong văn học trung
đại còn tồn tại một quan niệm khác về con người đó là quan niệm về con người đấng
bậc. Nghĩa là hình ảnh con người hiện lên hoàn hảo, không tì vết. Điều này được thể
hiện rõ nét nhất là trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Cách miêu tả của
Nguyễn Du chịu sự chi phối của quan niệm đấng bậc về con người. Trong quan niệm
của ông, những con người như Kim Trọng, Thúy Kiều, Từ Hải là những “đấng”,
những “bậc” đáng kính trọng. Họ là “đấng tài hoa” (Đạm Tiên); “bậc tài danh” (Kim
Trọng); “bậc bố kinh” (Thúy Kiều); “đấng anh hùng” (Từ Hải)... Đối với những nhân
vật ấy, tác giả dành cho những lời trang trọng, tượng trưng. Còn bọn Tú Bà, Mã
Giám Sinh là bọn vô loài, bọn chúng không có mẫu mực gì cả, mỗi đứa một vẻ, đều
là “tuồng” vô lại. Bọn chúng được miêu tả theo đặc tính thực tế về nghề nghiệp cá
nhân theo kiểu “Thoắt trông nhờn nhợt màu da”, hoặc: “Mày râu nhẵn nhụi, áo quần
bảnh bao”… rất hiện thực.
2.2 … Đến Con người có ý thức cá nhân
Con người cá nhân trong văn học chính là sự phản ánh cái tôi, là sự giãi bày,

diễn tả thế giới tư tưởng, tình cảm riêng tư của tác giả. Nói cách khác, con người cá
nhân trong văn học chính là sự tự khắc họa tâm tư, tình cảm, ý chí của tác giả được
thể hiện thông qua những tác phẩm mà họ sáng tác. Tùy theo từng giai đoạn, thời kỳ
văn học, mà con người cá nhân có những đặc điểm khác nhau.
Riêng đối với văn học trung đại con người cá nhân cũng được thể hiện ở mức độ đậm
nhạt và qua nhiều bình diện khác nhau.
Thứ nhất, con người cá nhân với ý thức khẳng định vẻ đẹp và tài năng của mình.
Hình ảnh này thường xuyên xuất hiện trong thơ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương,
Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ
Đây là cách Hồ Xuân Hương viết về người phụ nữ! Dù đau khổ, đắng cay, tủi nhục
nhưng vẫn không ngăn ngổi một niềm tự hào về vẻ đẹp ở cả ngoại hình lẫn tâm hồn
người phụ nữ


Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son
(Bánh trôi nước – Hồ Xuân Hương)
Hay như Nguyễn Công Trứ cũng không hề ngần ngại mà ca hát về tài năng của
mình:
Vũ trụ nội mạc phi phận sự
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng
Lúc bình Tây, cờ đại tướng,
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.
Giọng điệu sôi nổi, say mê trong đoạn thơ đã thể hiện rõ ý thức thị tài của một nhà
nho tài tử!
Thứ hai, con người cá nhân với nhu cầu bộc lộ tình cảm riêng tư, tâm sự u ẩn: Thơ

Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, cá nhân vật trong Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn
Dữ), …
Cũng giống như như bao nhà nho khác trong thời kỳ văn học Trung đại, khi bất
đắc chí, Nguyễn Trãi cũng lui về ở ẩn vui thú cùng với thiên nhiên để di dưỡng tính
tình, bảo toàn cái phẩm giá trong sạch, để tỏ rõ thái độ khinh thường danh lợi, coi nhẹ
cuộc ganh đua chốn quan trường vì mối tiền tài địa vị. Nguyễn Trãi chọn Côn Sơn là
cũng muốn trốn tránh cuộc sống trần tục đầy những bon chen, đầy những toan tính
nhơ bẩn để đắm mình vào thiên nhiên, vào rừng cây suối nước trong sạch. Sự gắn bó,
giao thoa giữa thiên nhiên và con người cá nhân trong thơ Nguyễn Trãi được diễn tả
hết sức sâu sắc:
“Lộ nằm hạc lẩn nên bầu bạn,
Ấp ủ cùng ta làm cái con”
Hay:
“Quét trúc bước qua lòng suối,
Thưởng mai về đạp bóng trăng.”
Hoặc:
“Trì tham nguyệt hiện chăng buông cá,
Rừng tiếc chim về ngại phát cây.”
Thiên nhiên trong thơ của ông dường như là rất tinh khiết, trong lành. Đọc thơ
ông, ta đó là một môi trường thiên nhiên hoàn toàn thiếu vắng bóng dáng của con
người. Thông qua những hình tượng thiên nhiên như: trúc, mai, tùng, cúc, tính cách
con người quân tử được khắc họa một cách đầy đủ nhất:


“ Cội rể bền đời chẳng động
Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày”.
( Tùng)
“Hoa liễu chiều xuân củng hữu tình
Ưa mi vì bởi tính mi thanh
Đã từng có tiếng trong đời nữa

Quân tử ai chẳng mảng danh ?”
(Trúc)
“Càng thuở già càng cốt cách
Một phen giá, một tinh thần”
( Mai)
Ông ao ước một cuộc sống an nhàn, một thế giới không có sự tranh giành, không
có sự thị phi như Trang Tử:
“Am trúc hiên mai ngày tháng qua,
Thị phi nào đến cõi yên hà ?”
(Ngôn chí- III)
“ Dầu bụt dầu tiên ai hỏi kẻ hỏi,
Ông này đã có thú ông này.”
(Mạn thuật- VI)
Thứ ba, con người với khát vọng tự do, bình đẳng, khát vọng tình yêu và hạnh phúc:
thể hiện tiêu biểu trong các ngâm khúc hình thức song thất lục bát như Chinh phụ
ngâm khúc (bản dịch của Đoàn Thị Điểm?); Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia
Thiều), Ai tư vãn (Lê Ngọc Hân); Tự tình khúc(Cao Bá Nhạ), Thu dạ lữ hoài
ngâm (Đinh Nhật Thận), Bần nữ thán (khuyết danh), …
Truyện Kiều của Nguyễn Du thật sự là một bài ca về khát vọng hạnh phúc, khát
vọng tình yêu của con người. Đọc Truyện Kiều, ta thấy bằng sự đồng cảm sâu sắc
trước những nỗi đớn đau từ “những điều trông thấy”, Nguyễn Du đã dành nhiều trân
trọng yêu thương cho nhân vật Thúy Kiều. Ông đã luôn tạo cơ hội, mở đường cho
nàng được tự do, được thoát khỏi sự bủa vây trùng điệp của biết bao định chế vô lối
của xã hội phong kiến đè nặng lên thân phận người phụ nữ. Có lẽ Nguyễn Du là
người đầu tiên trong văn học Việt Nam đã dám đứng trên “chuẩn mực” Nho giáo để
tôn vinh, ca ngợi một người con gái đẹp, tài năng nhưng “hư hỏng” dưới cái nhìn
nghiệt ngã của khuôn mẫu đạo đức phong kiến, bởi lẽ cô đã dám “vi phạm” kỷ
cương, phép tắc nghiêm ngặt của cộng đồng để lựa chọn tình yêu cho mình mà
không tuân theo bất cứ sự sắp đặt nào của lễ giáo phong kiến theo kiểu “cha mẹ đặt
đâu con ngồi đấy”. Trong xã hội xưa, khi mà tư tưởng nam trị thống soái một cách

mạnh mẽ thì việc Nguyễn Du để nàng Kiều chủ động “xăm xăm băng nẻo vườn
khuya một mình” đi tìm Kim Trọng rõ ràng là một hành vi mang tính “nổi loạn” có
chủ đích. Trong cái nhìn tiến bộ về phụ nữ của thời hiện đại sự “nổi loạn” này của
nàng Kiều cho thấy rõ đây là một cô gái rất bản lĩnh, dám vượt mọi rào cản để sống
thật với lòng mình, để mình được là chính mình. Và từ đó, có thể khẳng định Kiều


đồng thời cũng là một phụ nữ có ý thức rất rõ giá trị của bản thân mình – đó là giá trị
về nhân vị (giá trị về vị trí và phẩm giá con người trong cộng đồng nhân loại và vũ
trụ) mà không phải người phụ nữ nào, đặc biệt là những người phụ nữ sống trong sự
hà khắc của xã hội phong kiến có được.
Thứ tư, cảm hứng hành lạc và khát vọng nhu cầu trần thế của con người cá nhân
Cao hơn khát vọng tự do, khát vọng tự khẳng định vẻ đẹp hình thể, trí tuệ của mình,
văn học Việt Nam trung đại những năm cuối thế kỷ XVIII đến hết TK XIX còn thể
hiện cảm hứng hành.
Một biểu hiện hiếm có, độc đáo của con người cá nhân trong văn học Việt
Nam thời kỳ này là con người bản năng trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Đây là điều
mà nhiều nhà nghiên cứu văn học thời kỳ này đã khẳng định. Nguyễn Lộc viết : “Hồ
Xuân Hương không giả dối, bà đã công khai nói lên cái sự thật ấy. Thoả mãn cuộc
sống bản năng cũng là một khát vọng chính đáng của con người giống như bất cứ
một khát vọng chính đáng nào ; và điều đáng chú ý hơn nữa ở nhà thơ này là đã công
khai nói đến cuộc sống bản năng, dù viết về những đề tài cốt để người ta liên tưởng
đến chuyện trong buồng kín của vợ chồng, nhưng bất cứ một bài thơ nào của bà cũng
đều gợi lên một cảm giác đẹp hiếm có. Và chính điều này đã nâng nhà thơ lên hàng
những nghệ sĩ lỗi lạc, chứ không phải là những kẻ tầm thường làm thơ, viết văn với
mục đích khiêu dâm”. Tất cả chuyện phòng the, chăn gối được Hồ Xuân Hương mở
màn như phát súng lệnh:
Bốn mảnh quần hồng bay phất phới
Hai hàng chân ngọc duỗi song song
Hay:

Hiền nhân quân tử ai là chẳng
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo
Cái cá nhân không thoả mãn bị dồn nén ấy trở thành ám ảnh làm cho thơ bà có
cái nhìn ngộ nghĩnh, nhìn đâu cũng thấy cơ thể người phụ nữ và việc sinh hoạt chốn
buồng khuê. Đây là điểm đã được nhiều người khẳng định. Nhưng điều mới mẻ là
nhà thơ xem đó là một nhu cầu đương nhiên, công khai, có tính chất thách thức :
 Quản bao miệng thế lời chênh lệch,


Không có, nhưng mà có, mới ngoan.
(Không chồng mà chửa)
 Còn thú vui kia sao chẳng vẽ,
Trách người thợ vẽ khéo vô tình.
(Đề tranh tố nữ)
 Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt,
Đi thì cũng dở, ở không xong.
(Thiếu nữ ngủ ngày)
 Quân tử có yêu thì đóng cọc,
Xin đừng mân mó nhựa ra tay.

Đến Nguyễn Công Trứ, con người ngất ngưởng ấy tự trào khi nằm cạnh cô đào trẻ về
tuổi của mình rằng: Ngũ thập niên tiền nhị thập tam, và cũng đã không ít lần ông
“tương tư”, ông “bỡn đào già”, “bỡn vợ lẽ”, …
Đây, một đoạn trong bài thơ Lời tiểu thiếp tự tình
Chốn cô phòng năn nỉ với cầm chi
Đường viễn hoạch ngõ hầu tình chăng nhẽ?
Sau ông, Tú Xương không ngại ngần thể hiện:
Một trà một rượu một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó hại ta
Chừa được thứ nào hay thứ ấy

Có chăng chừa rượu với chừa trà.
Những bình diện của hình tượng con người cá nhân trong văn học Việt Nam trung đại
gắn liền với nội dung cảm hứng nhân đạo và cảm hứng thế sự đời tư của các nhà văn,
nhà thơ.
III/ KẾT LUẬN
Như vậy, có thể thấy quan niệm nghệ thuật về con người là vấn đề trung tâm,
cốt lõi trong mọi nên văn học, giai đoạn, trào lưu văn học. Mọi sự thay đổi trong văn


học đều bắt nguồn từ sự thay đổi trong quan niệm nghệ thuật về con người. Trong
văn học trung đại Việt Nam có thể thấy rõ sự vận động trong quan niệm nghệ thuật
về con người, từ con người phi cá nhân đóng vai trò chính thống trong giai đoạn đầu
đến chỗ con người có ý thức cá nhân trong giai đoạn sau. Đi sâu khám phá quan niệm
nghệ thuật về con người trong văn học trung đại Việt Nam là bước đi ngắn nhất để
chúng ta đến gần với cái bản chất nội tại của tác phẩm, nắm được sự thay đổi, cách
tân và vận động của cả một giai đoạn, một thời kì văn học trung đại, đồng thời nêu
bật được sức hấp dẫn của thời kì văn học này cũng như khẳng định những giá trị
không lỗi thời của nó về sau.



×