Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Đề khảo sát chất lượng Văn 11 và hướng dẫn chấm thi

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (186.62 KB, 4 trang )

SỞ GD&ĐT BẮC NINH
TRƯỜNG THPT QUẾ VÕ SỐ 1
(Đề gồm có 01 trang)

ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG LẦN 1 - NĂM HỌC 2016 – 2017
Môn: Ngữ văn 11
Thời gian làm bài: 120 phút (Không kể thời gian giao đề)

Phần I. Đọc hiểu (3.0 điểm)
Đọc bài thơ sau đây và trả lời câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:
Loài người là đứa con cưng của Trái Đất. Trái Đất là chiếc nôi có một không hai của loài người.
Trái đất có bầu khí quyển bao la chứa nhiều oxi thừa đủ cho loài người hít thở, có các đại dương mênh
mông, những lục địa rộng lớn, có các nguồn khoáng sản phong phú, các loài sinh vật muôn màu, muôn
vẻ đặc biệt là Trái Đất có nhiệt độ khí hậu ấm áp hiếm có trong vũ trụ. Nhiệt độ trên Trái Đất cao nhất
không quá 50 độ C, lạnh nhất không dưới -88 độ C, chênh lệch nhiệt độ giữa phần lớn các địa phương
không quá 80 độ C. Với nhiệt độ vừa phải như vậy, loài người và vạn vật trên Trái Đất mới sinh tồn và
phát triển được. Vì vậy, nói Trái Đất là cái nôi của loài người quả không ngoa chút nào.
… Các thiết bị thám hiểm vũ trụ cũng cho biết trên các tinh cầu khác không có đủ điều kiện cho
con người sinh sống. Ví dụ, xưa nay dân gian có truyền thuyết nói rằng trên Mặt Trăng có cung Quảng
Hàn, có thỏ ngọc, có chị Hằng Nga, có cây đa, chú Cuội… Nhưng kết quả thăm dò cho thấy trên Mặt
Trăng không có không khí như trên Trái Đất, cũng không có nước, ngay cả đất cũng có rất ít, nói gì đến
các sinh vật sống! Nói trên Mặt Trăng có cung Quảng Hàn chỉ đúng một nửa vì trên đó chẳng có “cung
điện” nào hết nhưng “hàn” thì có thừa, vì bề mặt sau của Mặt Trăng không có ánh sáng Mặt Trời lại
nóng tới 127 độ C. Với nhiệt độ cao như vậy, con người làm sao có thể sống nổi! Ngay cả sao Hỏa lâu
nay người ta vẫn hi vọng có sự sống, nhưng kết quả thăm dò đã khiến hi vọng đó tan thành mây khói.
Nhiệt độ thấp nhất trên sao Hỏa là -132 độ C, cao nhất là 28 độ C. Thực ra điều này không có gì đặc
biệt, vấn đề đáng quan tâm là trên sao Hỏa không có nước, chỉ có một chút xíu không khí, nhưng không
khí đó không thể dùng để thở vì thành phần chủ yếu gồm khí cacbonic và khí argon. Cũng vậy, những
tinh cầu láng giềng gần gũi của Trái Đất không có đủ điều kiện cho sinh vật bậc cao tồn tại. Xem ra
cách nói “chỉ có một Trái Đất” rất phù hợp với thực tế. Chúng ta- lớp con cháu sống trên Trái Đất – lẽ
nào lại không yêu mến và bảo vệ cái nôi duy nhất của loài người?


(Theo Bộ sách 10 vạn câu hỏi vì sao, Bảo vệ môi trường, NXB Khoa học và kĩ thuật, Hà Nội, 2001)
Câu 1. Phong cách ngôn ngữ của văn bản là gì?
Câu 2. Xác định câu chủ đề của văn bản?
Câu 3. Tại sao tác giả lại khẳng định chỉ có một Trái Đất?
Câu 4. Anh/chị cảm nhận được thông điệp gì thông qua cách nói chỉ có một Trái Đất?
Phần II. Làm văn (7.0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu hỏi được đặt ra
trong đoạn trích ở phần đọc hiểu: Chúng ta - lớp con cháu sống trên Trái Đất -lẽ nào lại không yêu mến
và bảo vệ cái nôi duy nhất của loài người?
Câu 2. (5.0 điểm)
Anh, chị hãy phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Chí Phèo (trong truyện ngắn Chí Phèo của
Nam Cao) từ buổi sáng sau khi gặp thị Nở đến khi kết thúc cuộc đời .
---------- Hết --------Họ và tên thí sinh:............................................Số báo danh.....................................
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.


HƯỚNG DẪN CHẤM VĂN 11
Phần I. Đọc hiểu (3.0 điểm)
Câu 1. Phong cách ngôn ngữ khoa học
- Điểm 0,5: Trả lời theo cách trên.
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 2. Câu chủ đề: Chúng ta- lớp con cháu sống trên Trái Đất – lẽ nào lại không yêu mến và
bảo vệ cái nôi duy nhất của loài người?
- Điểm 0,5: Trả lời theo cách trên.
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 3. Vì nước, không khí là những điều kiện thiết yếu nhất của sự sống. Vậy mà trên những
hành tinh khác hoặc là không có không khí, không có nước (như trên Mặt Trăng), hoặc là chỉ có
một chút không khí, nhưng không khí đó không thể dùng để thở (như trên sao Hỏa). Còn trên
Trái Đất, bầu khí quyển bao la chứa nhiều oxi, các đại dương mênh mông, lục địa rộng lớn,

khoáng sản phong phú, các loài sinh vật muôn màu.
- Điểm 1,0: Trả lời theo cách trên.
- Điểm 0,5: Câu trả lời chưa đủ ý.
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 4. Mỗi người chúng ta đều đang sống trên Trái Đất, chúng ta phải yêu mến và bảo vệ Trái
Đất.
Nếu chúng ta không góp sức mình để bảo vệ Trái Đất thì chúng ta cũng sẽ bị hủy hoại, biến mất
bởi vì Trái Đất là hành tinh duy nhất mang lại sự sống cho loài người.
- Điểm 1,0: Trả lời theo các cách trên.
- Điểm 0,5: Câu trả lời khoảng ½ ý trên hoặc trả lời chưa chặt chẽ.
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1(2,0 điểm)
I. Yêu cầu chung: Thí sinh phải biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội
để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng, văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi
chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
II. Yêu cầu cụ thể:
1) Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận (0, 25 điểm):
- Điểm 0,25 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở đoạn, Thân đoạn, Kết đoạn. Phần Mở đoạn
biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân đoạn biết tổ chức thành nhiều câu văn liên kết
chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết đoạn khái quát được vấn đề và thể hiện
được nhận thức của cá nhân.
- Điểm 0: Thiếu Mở đoạn hoặc Thân đoạn chỉ có 1 câu văn hoặc cả đoạn văn bị chia nhỏ thành
nhiều đoạn.
2) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm): Mỗi chúng ta phải yêu mến và bảo vệ
Trái Đất.
3) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai
theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các
luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí
lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm):

a) Giải thích khái niệm: (0,25 đ)
- Trái Đất là môi trường vạn vật sinh sống và phát triển.
- Hủy hoại môi trường là hủy hoại chính cái nôi duy nhất của loài người.


b) Phân tích: (0,25 đ)
- Môi trường đang bị ô nhiễm nghiêm trọng: tài nguyên bị cạn kiệt do khai thác phung phí,
lượng khí thải tăng, trái đất nóng lên gây ra một loạt những biến đổi khí hậu,…
- Mọi người cần sớm ý thức được hậu quả của ô nhiễm môi trường.
c) Bàn luận (0,25 điểm)
- Không thể để môi trường tiếp tục bị ô nhiễm đe dọa sự sống.
- Phát triển công nghiệp bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường.
- Cần có những cam kết cải tạo và phục hồi môi trường.
- Phụ thuộc vào trách nhiệm và ý thức của cả cộng đồng.
d) Bài học nhận thức và hành động (0,25 đ):
- Cần tích cực tham gia các phong trào bảo vệ môi trường.
- Tuyên truyền thay đổi nhận thức trong cộng đồng.
4) Sáng tạo (0,25 điểm)
- Điểm 0,25: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và
các yếu tố biểu cảm,…) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với
chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng
hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
5) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm): Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Học sinh cần phối hợp các thao tác: phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh.
– Bài viết rõ ràng, chặt chẽ, có sáng tạo.
Câu 2 (5.0 điểm)
I. Yêu cầu chung: Thí sinh phải biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học
để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng, văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi
chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

II. Yêu cầu cụ thể:
1) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0, 25 điểm):
- Điểm 0,25 điểm: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài
triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
- Điểm 0: Thiếu mở bài hoặc kết luận, thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn
văn.
2) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm): Diễn biến tâm trạng nhân vật Chí Phèo
(truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao) từ buổi sáng sau khi gặp thị Nở đến khi kết thúc cuộc đời
để làm rõ bi kịch của nhân vật này.
3) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai
theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các
luận điểm; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (3,75 điểm)
a) Khái quát về tác giả, tác phẩm và bi kịch của nhân vật
- Nam Cao là một nhà văn hiện thực lớn, một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn. Sáng tác trước Cách
mạng xoay quanh hai đề tài chính là người nông dân nghèo và người trí thức nghèo. Bao trùm là
nỗi đau đớn dai dẳng trước tình trạng nhân cách con người bị huỷ hoại. Khuynh hướng hiện thực
đào sâu vào thế giới tâm lí. (0,25đ)
- Truyện ngắn Chí Phèo: Kiệt tác của Nam Cao. Thuộc đề tài người nông dân nghèo. Là kết tinh
khá đầy đủ cho nghệ thuật Nam Cao. Tác phẩm viết về tấn bi kịch của nhân vật Chí Phèo. Bi
kịch của Chí Phèo gồm hai bi kịch tiếp nối. Trước hết là bi kịch tha hoá: từ một người lương
thiện bị biến thành kẻ bất lương, thậm chí thành quỉ dữ; tiếp nối là bi kịch bị từ chối quyền làm


người. Đoạn mô tả Chí Phèo từ buổi sáng sau khi gặp thị Nở đến khi kết thúc cuộc đời thuộc bi
kịch thứ hai. (0,5đ)
b) Phân tích cụ thể diễn biến tâm trạng Chí Phèo
- Trước hết là sự thức tỉnh. Bắt đầu là tỉnh rượu, sau đó mới tỉnh ngộ.
+ Tỉnh rượu: những cảm nhận về không gian (căn lều của mình), về cuộc sống xung quanh
(những âm thanh hằng ngày của cuộc sống) và về tình trạng thê thảm của bản thân (già nua, cô
độc, trắng tay). (0,5đ)

+ Tỉnh ngộ: Được thị Nở chăm sóc, Chí cảm động trước tình người. Chí nhận ra thực tế đau lòng
là mình chưa từng được chăm sóc như thế. Chú ý chi tiết bát cháo hành và Chí Phèo khóc. Cần
thấy đó là những dấu hiệu của nhân tính bị vùi lấp đang trở về. (0,5đ)
- Sau đó là niềm hi vọng. Ước mơ lương thiện trở về. Thèm lương thiện. Đặt hi vọng lớn vào thị
Nở. Hình dung về tương lai sống cùng thị Nở. Ngỏ lời với thị Nở. Trông đợi thị Nở về xin phép
bà cô. Cần thấy khát khao lương thiện và hi vọng này là biểu hiện mạnh mẽ nhất của nhân tính
trong Chí Phèo. (0,5đ)
- Tiếp đó là những thất vọng và đau đớn. Bà cô không cho thị Nở lấy Chí Phèo. Thị Nở từ chối.
Chí chạy theo nắm lấy tay thị Nở như là nỗ lực cuối cùng để níu thị lại với mình. Thị đẩy Chí
ngã, tỏ sự cắt đứt dứt khoát. Đau đớn và căm hận, Chí nguyền sẽ giết chết bà cô thị Nở và thị
Nở. (0,5đ)
- Cuối cùng là trạng thái phẫn uất và tuyệt vọng. Chí về nhà uống rượu (chi tiết: càng uống càng
tỉnh). Ôm mặt khóc rưng rức (chi tiết hơi cháo hành), đó là đỉnh điểm của bi kịch tinh thần trong
Chí Phèo. Đau đớn cùng cực Chí xách dao đi (chi tiết miệng vẫn nói đâm chết "nó" chân lại đi
đến nhà Bá Kiến). Dõng dạc đòi lương thiện. Thấy rõ tình thế đầy bi kịch của mình là "không
thể còn lương thiện được nữa". Giết Bá Kiến. Tự sát. Cần làm rõ tính chất bế tắc và các chi tiết
dự báo về sự tiếp diễn của tấn bi kịch này. (0,5đ)
c) Đánh giá chung (0,5 đ): Phát hiện và miêu tả quá trình thức tỉnh của Chí Phèo là một thành
công nghệ thuật đặc sắc của Nam Cao. Nó cho thấy tài năng bậc thầy trong nghệ thuật miêu tả
tâm lí nhân vật, trong ngôn ngữ trần thuật, lựa chọn chi tiết, ... nhưng trên hết, người đọc nhận ra
một lí trí sắc lạnh vạch trần và tố cáo mạnh mẽ xã hội tàn ác, phi nhân tính. Đồng thời thể hiện
sự cảm thông, xót thương sâu sắc của Nam Cao cho số phận bi kịch của những người nông dân,
những con người "sinh ra là người mà không được làm người", khẳng định niềm tin của Nam
Cao vào vẻ đẹp của con người. Đó chính là chiều sâu nhân đạo đáng quý của tác phẩm.
4) Sáng tạo (0,25 điểm)
- Điểm 0,25: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và
các yếu tố biểu cảm,…) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với
chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng
hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

5) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm): Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
------------------------ Hết ------------------------



×