BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM
----------*----------
Lê Anh Tuấn
CỘT XƠNUR TRONG ĐỜI SỐNG
VĂN HÓA-TÍN NGƯỠNG
CỦA DÂN TỘC CƠTU Ở TỈNH QUẢNG NAM
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC
Hà Nội - 2017
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM
----------*----------
Lê Anh Tuấn
CỘT XƠNUR TRONG ĐỜI SỐNG
VĂN HÓA-TÍN NGƯỠNG
CỦA DÂN TỘC CƠTU Ở TỈNH QUẢNG NAM
Chuyên ngành: Văn hóa học
Mã số: 62 31 06 40
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
GS.TS. Nguyễn Chí Bền
Hà Nội - 2017
1
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận án tiến sĩ Cột Xơnur trong đời sống văn hóa - tín
ngưỡng của dân tộc Cơtu ở tỉnh Quảng Nam là công trình nghiên cứu của cá nhân
tôi, dựa trên kết quả quá trình thực hiện nghiêm túc, khách quan và chưa từng được
công bố. Các tài liệu tham khảo, trích dẫn và số liệu sử dụng trong luận án là trung
thực và có xuất xứ rõ ràng. Tôi xin chịu trách nhiệm về lời cam đoan này.
Hà nội, Ngày
tháng
năm 2017
Nghiên cứu sinh
Lê Anh Tuấn
2
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
A. Ảnh
Cb:
Chủ biên
DTTS:
Dân tộc thiểu số
H:
Hà Nội
KHCN:
Khoa học công nghệ
KHXH:
Khoa học xã hội
KTXH:
Kinh tế xã hội
NCS:
Nghiên cứu sinh
Nxb:
Nhà xuất bản
PL:
Phụ lục
Stt:
Số thứ tự
Tr.
Trang
UBND:
Ủy ban Nhân dân
VHDT:
Văn hóa dân tộc
VHNT:
Văn hóa nghệ thuật
VHTT:
Văn hóa thông tin
3
MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN........................................................................................................... 1
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT .................................................................................... 2
MỞ ĐẦU ......................................................................................................................... 4
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT
VẬN DỤNG VÀ KHÁI QUÁT VỀ DÂN TỘC CƠTU
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu ............................................................... 12
1.2. Các lý thuyết nghiên cứu và quan điểm tiếp cận ý nghĩa biểu tượng
của cột lễ hiến sinh ................................................................................... 23
1.3. Khái quát về dân tộc Cơtu ......................................................................... 32
Tiểu kết……………………………………………………………………42
Chương 2: CỘT XƠNUR VÀ NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH CỦA NGƯỜI CƠTU
2.1. Tên gọi, chức năng và cấu trúc cột Xơnur .......................................... 44
2.2. Quá trình chế tác, điêu khắc cột Xơnur ..................................................... 47
2.3. Giá trị mỹ thuật và ý nghĩa biểu tượng của cột Xơnur ........................ 58
2.4. Cột Xơnur phản ánh đặc điểm nghệ thuật tạo hình dân gian Cơtu…...76
Tiểu kết……………………………………………………………………79
Chương 3: CỘT XƠNUR VÀ ĐỜI SỐNG TÍN NGƯỠNG CỦA NGƯỜI CƠTU
3.1. Đời sống tín ngưỡng của người Cơtu ................................................. 81
3.2. Cột Xơnur và vai trò của nghi lễ hiến sinh trong đời sống .................. 86
3.3. Xơnur trong một số nghi lễ quan trọng tổ chức hiến sinh trâu .......... 101
3.4. Một số trình diễn xung quanh cột Xơnur .......................................... 111
Tiểu kết…………………………………………………………………..116
Chương 4: MỘT SỐ BIẾN ĐỔI CỦA CỘT XƠNUR TRONG ĐỜI SỐNG
VĂN HÓA - TÍN NGƯỠNG HIỆN NAY
4.1. Một số biến đổi đời sống xã hội Cơtu .......................................................118
4.2. Một số biến đổi của cột Xơnur trong đời sống văn hóa - tín ngưỡng ..... 124
4.3. Nhận định về sự biến đổi và nhận thức về vấn đề bảo tồn các giá trị của
Xơnur trong bối cảnh hiện nay ....................................................................... 138
Tiểu kết…………………………………………………………………..149
KẾT LUẬN................................................................................................................. 151
DANH MỤC CÔNG TRÌNH LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN................ 154
TÀI LIỆU THAM KHẢO ........................................................................................ 155
GHI CHÚ TỪ NGỮ VIỆT-CƠTU LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN...................... 168
PHỤ LỤC.................................................................................................................... 173
4
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Trong bức tranh văn hóa tộc người vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, dân
tộc Cơtu có vai trò quan trọng về mặt lịch sử, đặc trưng ngôn ngữ, phong tục tập
quán, hoạt động giao thương, đời sống lễ hội, nghệ thuật tạo hình,… góp phần làm
nên sự đa dạng và bản sắc của nhóm người nói ngôn ngữ Môn - Khmer ở Việt Nam.
Về mặt ngôn ngữ học, tên gọi tộc người Cơtu/Katu được đại diện cho nhánh ngôn ngữ
Katuic thuộc ngữ hệ Môn - Khmer ở Việt Nam và Lào. Về mặt dân tộc học, Cơtu là
một trong những dân tộc hiện nay ở Việt Nam còn bảo lưu nhiều nét đặc trưng văn
hóa nguyên thủy, thể hiện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nghệ thuật tạo hình dân
gian. Về nghệ thuật tạo hình mang nét đặc trưng riêng, thể hiện trên các loại hình
như điêu khắc tượng tròn, mặt nạ, kiến trúc nhà mồ, nhà cộng đồng, trang phục, đặc
biệt là cột tế Xơnur trong nghi lễ hiến sinh trâu.
1.2. Trong đời sống nghệ thuật tạo hình dân gian Cơtu, Xơnur là tác phẩm
điêu khắc đặc sắc trên cả góc độ mỹ thuật lẫn yếu tố tâm linh, trở thành một biểu
tượng đặc trưng của một trong những tộc người quan trọng của nhóm Môn - Khmer
ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Xơnur cùng với kiến trúc Gươl là nơi tập trung
nhiều motif trang trí giàu ý nghĩa về giá trị nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh, làm
nên một hình ảnh rất biểu trưng của làng Cơtu. Trong mối tương quan trên khu vực
cư trú rộng hơn, cột tế Xơnur gắn với nghi lễ hiến sinh trâu mang đậm nét văn hóa
cư dân Môn - Khmer, phản ánh đặc điểm xã hội, đời sống tâm linh và thực hành tín
ngưỡng dân tộc Cơtu qua hệ thống “ngôn ngữ biểu tượng”, trong ý nghĩa hướng tới
một cuộc sống ấm no, yên vui. Tìm hiểu cột Xơnur gắn liền với nghi lễ hiến sinh sẽ
góp phần giải mã, tìm hiểu về mặt nguồn gốc và ý nghĩa, gắn với đời sống văn hóa
và tín ngưỡng, những giá trị phản ánh đặc trưng văn hoá tộc người Cơtu.
1.3. Trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa Cơtu, từ nhiều góc độ tiếp cận, với
quan điểm, phương pháp khác nhau đã đưa đến nhiều giả thuyết, nhận định khác
nhau về ý nghĩa biểu tượng của cột tế Xơnur. Nhiều nghiên cứu thông qua việc
thống kê, ghi chép, khảo tả, đã tìm hiểu, giải mã ý nghĩa các hình tượng hoa văn
5
điêu khắc, trang trí trên Xơnur về khía cạnh tạo hình hơn là khía cạnh tâm linh và xã
hội. Mặt khác, những nghiên cứu này, hoặc theo xu hướng đơn lẻ, thiếu tính hệ
thống, hoặc mang tính khái quát chung mà chưa đặt Xơnur như một đối tượng
nghiên cứu độc lập. Thực tế này đặt ra vấn đề nghiên cứu tìm hiểu ý nghĩa biểu
tượng Xơnur một cách hệ thống và chuyên sâu hơn, bằng những phương pháp tiếp
cận và quan điểm liên ngành, dưới góc độ lý thuyết chuyên ngành Văn hóa học và
các chuyên ngành gần trong nghiên cứu về biểu tượng là Ký hiệu học, Cấu trúc
luận, Nhân học biểu tượng.
Mặt khác, trong bối cảnh xã hội phát triển cùng với quá trình mở rộng giao
thương, giao lưu, đã tác động đến môi trường hình thành và tồn tại của cột Xơnur,
dẫn đến những biến đổi mang tính tất yếu và chủ quan. Trong đó, sự biến dạng, giản
lược hay thay thế cột Xơnur trong một số lễ đâm trâu là một trong những điểm đáng
quan tâm, cả trên khía cạnh tạo hình lẫn tính thiêng. Sự biến đổi của Xơnur về mặt
hình thức và ý nghĩa, một mặt dẫn đến việc đánh mất ý nghĩa nhân sinh của nghi lễ
hiến sinh trâu, mặt khác gây nên những nhận thức sai lệch gắn với cảnh bạo lực, giết
hại súc vật của một nghi lễ quan trọng của dân tộc Cơtu.
1.4. Biểu tượng là một loại ngôn ngữ, là chìa khóa để khám phá đời sống văn
hóa của cộng đồng tộc người. Toàn thư quốc tế về phát triển văn hoá của UNESCO
nhận định văn hoá là tập hợp các hệ thống biểu tượng, biểu tượng là nền tảng của
văn hóa, biểu tượng có vai trò quan trọng đối với thực tế đời sống cũng như nghiên
cứu khoa học [144]. Biểu tượng và nghiên cứu biểu tượng nói chung là một vấn đề
đã được quan tâm ở nhiều cộng đồng tộc người, của nhiều chuyên ngành khoa học
khác nhau, trên nhiều khía cạnh. Ở Việt Nam, xu hướng nghiên cứu biểu tượng nói
chung thường được dẫn dắt và khám phá dưới góc độ văn hóa dân gian, phong tục
tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, nghệ thuật tạo hình/điêu khắc,... Tuy nhiên, vẫn chưa
có nhiều công trình tiếp cận nghiên cứu ý nghĩa biểu tượng của cột tế của một tộc
người cụ thể trong đời sống văn hóa và tín ngưỡng. Thực tế đó đặt ra yêu cầu tìm
hiểu ý nghĩa biểu tượng của cột tế Xơnur, góp phần cung cấp thêm dẫn chứng
nghiên cứu trường hợp cụ thể về ý nghĩa biểu tượng của cột hiến sinh ở một tộc
6
người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer ở Việt Nam và Đông Nam Á. Hơn thế,
việc lựa chọn cột Xơnur trong nghi lễ hiến sinh làm đối tượng nghiên cứu, luận án
sẽ mang đến những quan điểm nghiên cứu và cách tiếp cận mới, nhìn nhận mới
mang tính liên ngành Văn hóa học.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu, tìm hiểu ý nghĩa và vai trò biểu tượng của cột tế Xơnur trong
nghi lễ hiến sinh đối với đời sống văn hóa và tín ngưỡng, phản ánh những giá trị
đặc trưng của văn hóa Cơtu truyền thống.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Khảo sát quy trình chế tác, ghi chép, giải thích các motif, hoa văn trang trí,
qua đó nêu lên được những giá trị đặc trưng về mặt nghệ thuật tạo hình và ý nghĩa
biểu tượng của cột Xơnur;
- Tìm hiểu ý nghĩa, vai trò của cột Xơnur đối với đời sống xã hội và tín
ngưỡng của người Cơtu, thông qua các nghi lễ hiến sinh cụ thể.
- Xem xét đánh giá sự biến đổi của cột Xơnur trong bối cảnh hiện nay về mặt
hình thức cũng như nội dung, vai trò, ý nghĩa.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu: Cột Xơnur trong nghi lễ hiến sinh trâu của dân
tộc Cơtu.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
* Về không gian nghiên cứu:
Luận án lựa chọn địa bàn nghiên cứu là vùng cư trú lâu đời của người Cơtu,
trong đó tập trung vào địa bàn huyện Hiên, nay là huyện Đông Giang và Tây Giang,
tỉnh Quảng Nam. Các điểm lựa chọn đảm bảo tính điển hình và đáp ứng được sự đa
dạng, khách quan và đa chiều của đối tượng nghiên cứu:
- Địa bàn huyện Đông Giang và Tây Giang là cư trú chủ yếu và lâu đời của
người Cơtu, nghiên cứu thực hiện ở các xã Dang, A Vương, Ka Dăng, Mà Cooih,
Ta Lu, A Rooi, Prao,...
7
- Địa bàn nghiên cứu đảm bảo đủ các nhóm Cơtu vùng thấp đến cao gồm: [a]
Nhóm vùng cao (xã Dang, Tây Giang; Ka Dăng, Đông Giang); [b] Nhóm vùng giữa
(xã A Vương, Tây Giang; xã Ma Cooih, Tà Lu, Arooi, Za Hung, Prao, Đông
Giang); [c] Nhóm vùng thấp (xã Sông Côn, Đông Giang).
- Địa bàn nghiên cứu đảm bảo đủ các vùng cư trú: [i] Vùng cư trú xa trung
tâm, thuần dân tộc (xã Ka Dăng, Đông Giang; xã Dang, Tây Giang); [ii] Vùng trung
tâm, giao thông thuận lợi, cận cư xen cư với người Kinh (xã Tà Lu, Za Hung, Đông
Giang); [iii] Vùng sát với đô thị phát triển (xã Sông Côn, thị trấn Prao).
- Địa bàn nghiên cứu đối sánh: xã Hòa Phú (Hòa Vang, Đà Nẵng), xã
Thượng Long và Thượng Quảng (huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế) được chọn
làm điểm nghiên cứu đối sánh với tính chất là địa bàn di cư của người Cơtu.
* Về thời gian nghiên cứu:
Khung thời gian nghiên cứu được xác định là trong khoảng những năm
1930-1940 của thế kỷ XX đến nay. Mốc thời gian này dựa trên tác phẩm Những kẻ
săn máu của Le Pichon xuất bản năm 1938, là nguồn tư liệu sớm nhất cho đến hiện
nay viết về dân tộc Cơtu, mà luận án tham khảo và nghiên cứu cùng với nguồn tư
liệu thu thập từ thực địa. Trên cơ sở đó, thời gian nghiên cứu biến đổi được xác định
trong những năm gần đây, dưới tác động của quá trình đổi mới, thực hiện định canh
định cư và đô thị hóa ở vùng miền núi.
4. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
4.1. Ý nghĩa khoa học
- Đóng góp vào lý thuyết nghiên cứu ý nghĩa biểu tượng nói chung và cột
hiến sinh nói riêng một trường hợp nghiên cứu cụ thể bằng phương pháp tiếp cận
liên ngành và đa ngành.
- Cách tiếp cận mới và tư liệu nghiên cứu về cột tế của một trong những tộc
người hiện còn bảo lưu nhiều nét văn hóa đặc sắc thông qua việc tìm hiểu ý nghĩa
biểu tượng của cột tế Xơnur trong nghi lễ hiến sinh trâu.
4.2. Ý nghĩa thực tiễn
8
- Đóng góp luận cứ cho việc khẳng định các giá trị, những nét đặc trưng của
nghệ thuật tạo hình Xơnur trong đời sống văn hóa Cơtu.
- Đóng góp luận cứ vào khẳng định ý nghĩa biểu tượng của cột tế Xơnur đối
với đời sống tâm linh và đời sống xã hội người Cơtu.
- Đóng góp luận cứ cho việc định hướng tổ chức lễ hội đâm trâu một cách
hợp lý, phản ánh bản sắc văn hóa truyền thống qua giá trị cột Xơnur, nghi lễ hiến tế
và những trình diễn xung quanh, vừa đáp ứng yêu cầu bảo tồn vừa là nhu cầu hưởng
thụ văn hóa tinh thần hiện nay của đồng bào Cơtu.
5. Phương pháp nghiên cứu
Trên cơ sở tham khảo, kế thừa các phương pháp nghiên cứu của những công
trình nghiên cứu về biểu tượng trong đời sống văn hóa, để đảm bảo tính mới cũng
như phù hợp với chuyên ngành Văn hóa học, luận án sử dụng phương pháp nghiên
cứu liên ngành trong quá trình nhận thức và tìm hiểu ý nghĩa biểu tượng của cột
Xơnur một cách hệ thống và chuyên sâu. Luận án xác định và sử dụng các phương
pháp nghiên cứu của ngành Nhân học biểu tượng, Ký hiệu học, Dân tộc học, Cấu
trúc luận,... để làm rõ vai trò và ý nghĩa biểu tượng của cột tế Xơnur trong đời sống
văn hóa và tín ngưỡng. Những phương pháp này sẽ giúp nghiên cứu sinh tìm hiểu
vai trò, ý nghĩa biểu tượng của cột Xơnur từ góc độ nhiều góc độ: những nhận định
chung về các motif và biểu tượng gắn với cột tế trong nghi lễ hiến sinh; những diễn
giải của người Cơtu gắn với quan niệm về nhân sinh quan, vũ trụ quan; và đưa ra
những nhận định của tác giả luận án. Đó là những phương pháp nghiên cứu sau:
Phương pháp điền dã Dân tộc học: Phương pháp này được sử dụng trong quá
trình điền dã, cùng ăn ở, cùng làm tại các làng của người Cơtu: [i] Tiến hành quan
sát tổng quan về điểm nghiên cứu một cách có chủ ý, nhằm có được những thông
tin và nhận định chung về đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Phương
pháp này quan sát nhưng không tham dự, thực hiện quan sát từ xa để miêu tả, ghi
chép Dân tộc học. [ii] Tiến hành phỏng vấn hồi cố các vị già làng, nghệ nhân điêu
khắc, nghệ nhân diễn xướng,… theo các nội dung đã được chuẩn bị, nhằm thu thập
các nguồn thông tin dữ liệu truyền thống về đời sống, phong tục tập quán nói chung
9
và các nghi lễ hiến sinh trâu, cột tế nói riêng. [iii] Tiến hành ghi chép, vẽ, chụp ảnh
các cột Xơnur, chép các motif hoa văn trang trí, các chủ đề chạm khắc, hệ màu sắc.
Phương pháp quan sát tham dự của Nhân học: Phương pháp này được sử
dụng nhằm công khai tham dự trực tiếp vào thực hành một số nghi lễ hiến sinh trâu
hiện nay của người Cơtu. Phương pháp quan sát tham dự của Nhân học được thực
hiện không có sự chuẩn bị, mà một cách ngẫu nhiên theo thực tế trên địa bàn nghiên
cứu, có người Cơtu sinh sống và tổ chức lễ hội. Đây là một phương pháp nghiên
cứu với quá trình quan sát dài, thu thập thông tin phản ánh bản chất sự việc và hiện
tượng một cách tự nhiên, khách quan. [i] Tiến hành tham dự nghi lễ đâm trâu trong
đám cưới, bỏ mả, mừng lúa mới, khánh thành nhà cộng đồng,…; tham dự từ công
đoạn chọn gỗ và tạo tác Xơnur cho đến khi kết thúc lễ cưới và lễ bỏ mả; Cụ thể,
nghiên cứu sinh đã thực hiện được 5 đợt quan sát tham dự gồm: lễ đám cưới (thôn
Ch’net, xã A Ting; thôn Xà Ơi, xã A vương; thôn Kala, xã Dang); lễ bỏ mả (thôn A
réc, xã A vương; thôn Cha ke, thôn A prung, xã Thượng Long), lễ khánh thành
Gươl (thôn Xà ơi, xã A vương; thôn Ka Nưm, TT Prao; thôn Tu Ngung, xã A Rooi;
Khe Tre, Nam Đông), lễ cầu cúng sức khỏe (thôn Bđhu, xã Dang), lễ cơm mới (TT
Tây Giang). [ii] Tiến hành quan sát, ghi chép thông tin qua phỏng vấn tại chỗ những
người tham gia nghi lễ (nghệ nhân, thanh niên, chủ lễ, chủ nhà, cán bộ văn hóa,…)
về các motif và hoa văn trang trí trên Xơnur trong nghi lễ đám cưới, lễ ăn cơm mới,
lễ cúng bỏ mả, về quá trình chuẩn bị, về mục đích lễ tế, ý nghĩa của các nghi lễ cúng
sống, của máu vật tế,… [iii] Tiến hành chụp ảnh các hoạt động chạm khắc, cúng tế,
chuẩn bị thực phẩm, chuẩn bị lễ phục, kiểm tra nhạc cụ,...
Phương pháp phỏng vấn Xã hội học: là phương pháp được sử dụng chủ yếu
trong nghiên cứu định tính, thu thập thông tin về sự biến đổi của cột Xơnur về hình
thức và chức năng, ý nghĩa hiện nay. Nghiên cứu sinh đã thực hiện hơn 50 cuộc
phỏng vấn dài ngắn khác nhau, sử dụng các câu hỏi định tính, câu hỏi mở đối với
các đối tượng nắm giữ thông tin chính, những người hiểu biết về văn hóa tộc người,
hay đã từng tham gia lễ hội, nghi lễ như các già làng, chủ làng, nghệ nhân điêu
khắc, thanh niên, phụ nữ và một số người làm quản lý văn hóa,…
10
Phương pháp hệ thống và phân loại: Phương pháp này giúp thống kê và phân
loại các loại hình cột tế Xơnur, từ đó tìm ra mẫu số chung và những biến thể, trong
từng nghi lễ và các vùng cư trú khác nhau. Trên cơ sở đó, luận án sẽ đưa ra những
nhận xét, đánh giá về ý nghĩa biểu tượng của cột Xơnur trong đời sống văn hóa và
tín ngưỡng qua các nghi lễ hiến sinh cụ thể. Phương pháp này tìm hiểu nguồn gốc
và ý nghĩa các hoa văn, motif trang trí cột Xơnur với các biểu tượng về mặt hình
khối, hình học, màu sắc, tên gọi,… trong tương quan về mẫu số chung của các tộc
người về ý nghĩa biểu tượng văn hóa. Trên cơ sở đó, đối sánh ý nghĩa biểu tượng
của cột Xơnur trong không gian nghi lễ hiến sinh và không gian xã hội Cơtu.
Phương pháp phân tích cấu trúc: Sử dụng trong nghiên cứu vai trò, chức
năng và ý nghĩa của cột Xơnur trong tổng thể cấu trúc của nghi lễ hiến sinh và trong
tổng thể cấu trúc xã hội Cơtu, từ đó đi sâu phân tích, tìm hiểu ý nghĩa biểu tượng
của cột Xơnur trên góc độ xã hội và tâm linh. Phương pháp phân tích cấu trúc giúp
tìm ra mô hình ẩn sâu trong đó, xác định những mối liên hệ giữa nội dung và hình
thức cấu trúc của cột Xơnur trong không gian tâm linh, và phản ánh các khía cạnh
xã hội rộng lớn hơn, tránh cái nhìn đơn lẻ, thiếu hệ thống đối với các yếu tố cấu
thành cột Xơnur cũng như môi trường xung quanh như không gian, thời gian, các
nghi lễ, diễn xướng và vật tế,… từ đó, thấy được thế giới quan, nhân sinh quan của
chủ thể sáng tạo.
Trên cơ sở các dữ liệu thu thập được, luận án tiến hành phân tích, so sánh và
tổng hợp nhằm trình bày và đưa ra những đánh giá, nhận định về ý nghĩa biểu tượng
cột hiến tế nói chung và cột Xơnur nói riêng, từ đó khẳng định những giá trị, ý
nghĩa đặc trưng của nó trong đời sống văn hóa và tín ngưỡng người Cơtu.
6. Dự kiến đóng góp khoa học của luận án
Luận án lựa chọn đề tài Cột Xơnur trong đời sống văn hóa - tín ngưỡng của
dân tộc Cơtu ở tỉnh Quảng Nam, với mong muốn:
- Đóng góp về mặt phương pháp luận trong tiếp cận biểu tượng Xơnur dưới
góc độ lý thuyết của chuyên ngành Văn hóa học; phương pháp tiếp cận liên ngành
11
và đa ngành đối với cột hiến sinh dựa trên lý thuyết nghiên cứu của Ký hiệu học,
Cấu trúc luận, Nhân học biểu tượng;
- Đóng góp về mặt khoa học trong việc lựa chọn Xơnur làm đối tượng
nghiên cứu chính, độc lập có tính hệ thống với tư cách là một biểu tượng; Xem xét,
tìm hiểu ý nghĩa biểu tượng Xơnur một cách chuyên sâu, có hệ thống, trên cả hai
khía cạnh tâm linh và xã hội;
- Đóng góp thêm cứ liệu về trường hợp cụ thể cho lý thuyết liên quan đến vai
trò, đặc điểm, tính chất cột lễ hiến sinh; khẳng định vai trò của cột Xơnur trong
nhiều khía cạnh đối với đời sống văn hóa xã hội của người Cơtu.
- Đóng góp thêm những luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn từ xem xét thực
trạng biến đổi văn hóa truyền thống hiện nay ở vùng dân tộc thiểu số trước tác động
ngày càng mạnh mẽ của xu hướng đổi mới và phát triển, thông qua tìm hiểu và đánh
giá sự biến đổi cột tế Xơnur trong đời sống văn hóa và tín ngưỡng của người Cơtu.
7. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần Mở đầu (8tr), Kết luận (3tr), Tài liệu tham khảo (13tr), Phụ lục
(40tr), phần chính văn luận án có 4 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, Cơ sở lý thuyết vận dụng và
khái quát về dân tộc Cơtu (32tr)
Chương 2: Cột Xơnur và nghệ thuật tạo hình của người Cơtu (37tr)
Chương 3: Cột Xơnur và đời sống tín ngưỡng của người Cơtu (37tr)
Chương 4: Một số biến đổi của cột Xơnur trong đời sống Văn hóa - Tín
ngưỡng của người Cơtu hiện nay (33tr).
12
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT
VẬN DỤNG VÀ KHÁI QUÁT VỀ DÂN TỘC CƠTU
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1.1. Tình hình nghiên cứu biểu tượng và cột hiến sinh
- Những nghiên cứu của học giả nước ngoài
Trong đời sống văn hóa - xã hội, biểu tượng được nghiên cứu bởi nhiều luận
thuyết, dưới góc độ chuyên ngành lẫn liên ngành như Văn hóa học, Nhân học biểu
tượng, Xã hội học, Dân tộc học, Ký hiệu học, Ngôn ngữ học, Nghệ thuật học,…
Trong nghiên cứu hiện đại, có nhiều hướng tiếp cận khác nhau tìm hiểu ý nghĩa biểu
tượng, song hướng tiếp cận dựa trên nền tảng lý thuyết của chuyên ngành Ký hiệu
học, Cấu trúc luận, Nhân học biểu tượng,… là được chú ý và quan tâm hơn cả.
Các công trình nghiên cứu biểu tượng dưới góc độ Ký hiệu học chú trọng
những yếu tố cấu thành ký hiệu, bao gồm cái biểu đạt và cái được biểu đạt, và
những quy luật chi phối chúng, xem hệ thống các ký hiệu được sử dụng với một ý
nghĩa nhất định trong một bối cảnh xã hội cụ thể, mang lại cho biểu tượng những ý
nghĩa cụ thể. Tiểu biểu là công trình của Roland Barthes về giải mã các thần thoại
theo mô hình cấu trúc về ký hiệu giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt [78; 79].
Trong nghiên cứu biểu tượng dưới góc độ Cấu trúc luận, tác giả F. Saussure
cho rằng ý nghĩa được sinh ra thông qua một hệ thống các khác biệt được cấu trúc
trong ngôn ngữ, là quá trình lựa chọn và kết hợp các ký hiệu. Trong đó, ký hiệu
được tạo ra bởi cái biểu hiện (trung gian) và cái được biểu hiện (ý nghĩa), không
phải bởi việc liên hệ đến các thực thể trong thế giới thực mà hơn thế, ý nghĩa của
chúng còn được tạo ra bằng việc liên hệ lẫn nhau giữa cái biểu hiện và cái được
biểu hiện [36; 140].
Các công trình nghiên cứu ý nghĩa biểu tượng dưới góc độ Nhân học biểu
tượng luôn được đề cao đó là bối cảnh ra đời và tồn tại của biểu tượng, gắn với
điều kiện văn hóa - xã hội tộc người nhất định. Điều này được Leslie White khẳng
định trong chuyên luận Biểu tượng: Nguồn gốc và cơ sở ứng xử của con người,
13
rằng bối cảnh của việc cung cấp ý nghĩa của biểu tượng rất quan trọng [135, tr.
451-463], do đó, phải xem xét trong những bối cảnh nhất định mà nó được sinh ra
hay lý do để tồn tại.
Công trình Biểu tượng trong nghi lễ của người Ndembu của Victor Turner
nghiên cứu tìm hiểu cấu trúc xã hội và tiến trình xã hội người Ndembu. Ông cho
rằng, biểu tượng luôn gắn với quá trình xã hội, do đó không thể phân tích các biểu
tượng mà không nghiên cứu chúng trong một chuỗi thời gian có quan hệ với các sự
kiện, phải xem xét biểu tượng trong bối cảnh cụ thể, là môi trường hình thành, tồn
tại của nó, đối với biểu tượng tôn giáo, đó là bối cảnh nghi lễ [103, tr. 242-274].
Trong công trình của Lucien Lévy Bruhl nghiên cứu về Kinh nghiệm thần bí
và các biểu tượng ở người nguyên thủy, tác giả đã có nhưng phân tích và chỉ dẫn
sâu sát và cụ thể khi bàn về bản chất và chức năng của các biểu tượng. Với những
dẫn chứng sinh động về tín ngưỡng nguyên thủy của các tộc người ở Đông Nam Á,
Châu Á, ông đã chỉ ra những chức năng tự nhiên và tượng trưng, tôn giáo và xã hội
của các hình thức thờ cúng vật tổ, cây, núi, vị trí linh thiêng, linh hồn,… Quan điểm
nghiên cứu của ông đề cao sự tham dự hay kinh nghiệm của con người trong mối
quan hệ thần bí với tự nhiên bằng biểu tượng. “Con người tác động vào tự nhiên
bằng phương tiện là các biểu tượng, có nghĩa là bằng những sự tham gia có điều
khiển cũng là con người tin vào giá trị kinh nghiệm thần bí và tin vào những cuộc
can thiệp của các thế lực siêu nhiên trong dòng chảy các sự biến” [67, tr. 313].
Công trình Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới của tác giả Jean Chevalier và
Alain Gheerbrant được xem là công cụ định hướng trong việc tra cứu tìm hiểu
nguồn và ý nghĩa của một số biểu tượng mang tính phổ biến và chung nhất, làm cơ
sở cho việc so sánh đối chiếu với các motif, biểu tượng. Công trình đã trình bày khá
quy mô và đầy đủ về biểu tượng trong thế giới văn hóa, về những khái niệm, định
nghĩa, lý giải về ý nghĩa của các biểu tượng, huyền thoại, chiêm mộng, phong tục,
cử chỉ, dạng thể, các hình, màu sắc, con số,… cung cấp “một bảng định hướng chứ
không phải một sưu tập các định nghĩa”, giúp chúng ta phân định về mặt thuật ngữ
14
biểu tượng với biểu hiện, vật hiệu, phúng dụ, ẩn dụ, loại suy, triệu chứng, dụ ngôn,
dạng thức,… [58].
Các công trình nghiên cứu về cột hiến sinh cũng khá hiếm hoi, hầu như
không có công trình nghiên cứu độc lập mà chỉ nhắc đến trong những mô tả ngắn
gọn, gắn với nghi lễ hiến sinh hoặc về nghệ thuật tạo hình nói chung. Tác giả G.
Condominas khi nghiên cứu Chúng tôi ăn rừng Đá-Thần Gôo, trong phần viết về lễ
hiến tế trâu kết nghĩa của trưởng làng Mnông, có mô tả về hình dáng cột tế, và đưa
ra một vài nhận xét về quá trình chuẩn bị, đó là “vật ấn tượng nhất trong trang trí
nghi lễ, là một công việc có tầm quan trọng to lớn đòi hỏi phải rất thận trọng về mặt
ma thuật” [37, tr. 42]. Nghiên cứu Lễ đâm trâu của người Bana ở tỉnh KontumCuộc lễ của P.P. Guilleminet cho biết việc chuẩn bị tìm kiếm và trang trí cột lễ
được thực hiện trong nhiều ngày với nhiều người tham gia [75, tr. 128-197]. Cột tế
được mô tả trong nghi lễ hiến sinh tiến hành quy mô, cẩn trọng và linh thiêng,
hướng tới các vị thần linh tối cao, tuy nhiên, lại không có một lời nhận xét về ý
nghĩa, nguồn gốc các motif, hình vẽ, điêu khắc.
- Những nghiên cứu của học giả trong nước
Trên góc độ nghiên cứu cụ thể, một số chuyên khảo của tác giả Nguyễn Từ
Chi được xem là “mẫu hình” trong nghiên cứu biểu tượng văn hóa bằng phương
pháp liên ngành Dân tộc học, Nghệ thuật học và Nhân học. Một trong những motif
đã được ông “dành nhiều thời gian nghiên cứu và dày công giải mã” đó là đồ họa
hình mặt trời trên trống đồng Đông Sơn trong bài viết Sức sống Đông Sơn [16].
Những ý tưởng nghiên cứu của cố tác giả Nguyễn Từ Chi tiếp tục được tác giả
Nguyễn Duy Thiệu giới thiệu trong bài viết Từ Chi và khát vọng còn dang dở về
mặt trời Đông Sơn trên Tây Nguyên, trong đó có “những ghi chép về nhà mồ và
tượng nhà mồ của người Bana, Giarai”. Tuy không trực tiếp nghiên cứu về cột tế
trâu, tuy nhiên, cách tiếp cận và giải mã các motif trang trên trên nhà mồ người
Giarai đã mở ra một hướng giải mã ý nghĩa hoa văn nói chung. Trong khi giải mã
các motif, bố cục và màu sắc, ông đã đưa ra nhiều giả thuyết về “cây vũ trụ”, sự
15
phân tầng thế giới “tầng trời”, “cảnh sinh hoạt”, “tầng dưới mặt đất”, “ngày và
đêm”,… [93].
Trong hai bài nghiên cứu Cạp váy Mường và Hoa văn cạp váy hoa văn hình
học ông sử dụng phương pháp liên ngành nghiên cứu hoa văn, motif, đã giúp ông
khám phá nguồn gốc lịch sử-văn hóa tộc người. Từ những mối liên hệ của các hệ
hoa văn, motif trang trí, đặc điểm trang phục đến chức năng cạp váy, ông đã đưa ra
những nhận định về nguồn gốc, ý nghĩa hệ hoa văn, motif trang trí trên cơ tầng văn
hóa của người Mường. “Đây không chỉ là một kiểu thức ăn mặc, một lề thói trang
trí. Đây là những yếu tố hằng xuyên của một lối sống” [15, tr. 87-100, 101-122].
Trong các công trình nghiên cứu về các tộc người Miền Trung - Tây Nguyên,
cột hiến sinh cũng ít được nhắc đến, hoặc chỉ là những mô tả ngắn gọn, gắn với
nghi lễ hiến sinh hoặc về nghệ thuật tạo hình nói chung. Đầu tiên có thể kể đến
Quanh chuyện cảnh quan và bộ mặt tộc người của tác giả Nguyễn Từ Chi. Ông giả
thiết về mối liên hệ của cây cột tế của người Bana trong vai trò kết nối trời đất, thần
linh và con người, ông bàn rộng sang “văn hóa cự thạch” là vật nối trục dọc trời với
đất, mà có khi được hiểu là ngọn núi hay cột đá. Ông đã đưa ra nhận định quan
trọng khi cho đó là vật thiêng, vật thông linh giữa trời với đất, thần linh và con
người [15, tr. 440-445].
Tác giả Ngọc Anh nghiên cứu Các hình thức thờ phụng bộ lạc ở vùng Đông
Á và Đông Nam Á có đề cập đến nghi lễ đâm gấu của người Ainư (Nhật Bản), đã
cho rằng “hình thức quan trọng và phổ biến nhất trong nghi thức dâng tế vật hi sinh
ở bộ lạc Ainư là những cây gỗ đặc biệt được bào nhẵn… Đây tựa hồ như vật trung
gian làm cầu nối giữa con người và các thần linh” [5, tr. 89].
Những nghiên cứu về lễ hội nói chung và nghi lễ đâm trâu nói riêng ở Tây
Nguyên của tác giả Ngô Văn Doanh đã có những mô tả đề cập đến cột tế hay cột
buộc trâu. Trong công trình Những phong tục lạ ở Đông Nam Á ông cho rằng hiến
sinh tế thần là một tín ngưỡng phổ biến của các dân tộc ở đây, trong đó có đề cập
đến cột tế của các tộc người ở Tây Nguyên (Việt Nam) là cột Gâng (Gưng), người
Kachin (Myanmar) là cột Shađong và người Bali (Indonesia). Ở người Kachin trong
16
lễ Manao, người ta làm hai cột tế Shađong (cột đực và cột cái) có dáng tựa như
thanh kiếm cắm xuống đất [26, tr. 12-13]. Nghiên cứu về lễ đâm trâu ở Tây
Nguyên, ông cho rằng đây là lễ hội quan trọng và tưng bừng nhất của đồng bào.
Tuy nhiên, ông dành nhiều về mô tả quy trình lễ đâm trâu, cùng với một vài ông
nhận định hiếm hoi về cột tế: “Cột Gưng không chỉ là buộc trâu mà còn là nơi các
thần linh sẽ về chứng kiến lễ cúng… Trên ngọn cây nêu được cài nhiều hình trang
trí đan hoặc vẽ. Bên cạnh cột Gưng chôn một cây gạo - biểu tượng cho sức sống
mãnh liệt” [26, tr. 8-12]. Trong một nghiên cứu khác về Lễ hội bỏ mả các dân tộc
Bắc Tây Nguyên, cột tế cũng được tác giả Ngô Văn Doanh nhắc đến rất ngắn gọn và
ít thông tin, lý giải tên gọi Gâng Kơpao là cột buộc trâu hay Gâng l’mo là cột buộc
bò [25, tr. 198]. Có chung đối tượng nghiên cứu, tác giả Nguyễn Duy Thiệu trong
một số công trình nghiên cứu về văn hóa các dân tộc ở Tây Nguyên như: Hoa văn
trên nhà Rông Bahnar (1980), Chất Thượng trên văn hoa trống đồng (1988), đáng
lưu ý là bài viết Cột ăn trâu (1992),… đã bàn đến các motif trang trí mang ý nghĩa
trên cột [91; 92].
Trong Văn hóa cổ truyền Tây Nguyên, tác giả Lưu Hùng cho ta biết sự phổ
biến của nghi lễ hiến sinh, là nét văn hóa lâu đời còn bảo lưu trong đời sống các tộc
người Thượng, tuy nhiên không đưa ra nhiều nhận định về cột tế. Ông cho rằng
trung tâm diễn ra các nghi thức cúng bái là cột lễ buộc con trâu tế. Tùy từng loại lễ
đâm trâu và phong tục tộc người, cột lễ không giống nhau. Đặc biệt, các tộc người
Thượng lấy cây gạo hay cây bông gòn làm cột lễ đâm trâu, và dấu tích sau các lễ
cúng này là những cây gòn mọc xanh tốt trong làng. “Có trường hợp cột dựng đơn
giản, nhưng nhiều khi cột lễ (cây nêu) làm cầu kỳ, là cả một công trình nghệ thuật
tổng hợp dùng gỗ, tre, kết hợp điêu khắc hội họa [50, tr. 177-178].
Trong ghi chép về Lễ hội dâng trâu của người Êđê, cột tế trâu Pơlang được
nhận định là cây vũ trụ (Pơlang Kbao): “Cây vũ trụ cao chừng bảy tám mét, có cắm
dao thép quanh thân để biểu tượng sức mạnh thần linh. Trên đỉnh có gắn cây tre non
uốn hình mặt trăng lưỡi liềm tượng trưng cho vũ trụ… Đây là cột vũ trụ có chức
17
năng đón mời linh hồn tổ tiên thần thánh về dự, vừa hút linh khí thiên nhiên để giao
đãi với mặt đất, núi đồi” [71, tr. 1220].
Điểm qua một số công trình nghiên cứu về cột tế cho thấy, trên phạm vi
Trường Sơn - Tây Nguyên, tầm quan trọng của nghi lễ hiến sinh đã được nhiều học
giả thừa nhận. Tuy nhiên, trong những nghiên cứu khái quát, hoặc đi sâu vào một
vài lĩnh vực cụ thể, cột tế chưa được chú ý nhiều khi tiếp cận văn hóa tộc người, đã
dẫn đến việc bỏ qua đối tượng nghiên cứu quan trọng và thú vị này. Các công trình
nghiên cứu thường tiếp cận tổng quan, thiếu những nghiên cứu chuyên sâu, xem cột
tế là đối tượng trung tâm. Điều này cho thấy, cần có sự đánh giá chuyên sâu về vai
trò cột tế dưới góc độ ý nghĩa biểu tượng trong các nghi lễ hiến sinh ở các tộc người
cụ thể, không chỉ về giá trị mỹ thuật, tâm linh mà cả giá trị xã hội.
1.1.2. Tình hình nghiên cứu văn hóa Cơtu và cột Xơnur
- Tình hình nghiên cứu văn hóa Cơtu
Công trình về dân tộc Cơtu sớm nhất cho đến hiện nay là “Les Chasseurs de
Sang” (Những kẻ săn máu) của Le Pichon, đăng trong tập san BAVH, (số 4, tập 25),
xuất bản năm 1938 [134]. Năm 2011, công trình được tác giả Tạ Đức dịch và nhà
xuất bản Thế Giới phát hành [60]. Những ghi chép về vùng đất, đời sống, sinh hoạt
và tín ngưỡng của dân tộc Cơtu được phản ánh trong 8 chương sách. Trong chương
mô tả về “Làng, những ngôi nhà và nghệ thuật Katu”, “Những lễ hội và những vũ
điệu” cung cấp nhiều thông tin, tư liệu về nghệ thuật điêu khắc, trang trí trên những
công trình kiến trúc và tín ngưỡng, về lễ hội đâm trâu - không gian hiện diện của
Xơnur, cùng với các chú thích, hình vẽ, ảnh chụp minh họa,… là nguồn tư liệu chân
thực nhất về dân tộc Cơtu trong những năm đầu thế kỷ XX [PL1: a.1-12, tr.175-177].
Trong những năm tiếp theo, nhiều công trình về người Cơtu được xuất bản
với những mục đích khác nhau, chủ yếu cung cấp thông tin khái quát về một số tộc
người, ít đi sâu nghiên cứu chuyên ngành. Tiêu biểu như Minority groups in the
republic of Vietnam (Các nhóm thiểu số ở Việt Nam Cộng hòa), Sons of the
mountains: Ethnohistory of the Vietnamese central highlands to 1954 (Những đứa
con của núi rừng: Lịch sử tộc người cao nguyên Việt Nam đến năm 1954); The
18
montagnards of South Viet Nam, A Study of nine tribes của Mole. R. L (Tộc người
miền núi ở Nam Việt Nam: Ghi chép về 9 bộ tộc) [131; 139].
Trong số các học giả nước ngoài nghiên cứu về dân tộc Cơtu thời kỳ này,
không thể không nhắc tới nhà ngôn ngữ - Dân tộc học Costello Nancy, với rất nhiều
công trình, bài viết về người Cơtu ở Việt Nam và Lào. Đáng chú ý là những nghiên
cứu về Ngôn ngữ học, đóng góp giá trị cho “Tủ sách ngôn ngữ dân tộc thiểu số Việt
Nam” như Ngữ vựng Katu (Trung tâm học liệu, Bộ giáo dục xuất bản, 1971), từ
điển Katu-Vietnamese-English (Từ điển Katu-Việt-Anh), được xuất bản bởi
Summer Institute Linguitics (Viện Ngôn ngữ Mùa hè, Mỹ, 1991),... Sẽ thiếu sót nếu
không nhắc đến những công trình xuất bản ở Lào như: Death and burial in Katu
culture (Cái chết và tang ma trong văn hóa Katu, 1980); Katu society: A
Harmonious way of life (Xã hội Katu: Một lối sống hài hòa, 2003),… [124; 125;
126]. Trong đó, chúng ta dễ dàng nhận ra những nét tương đồng, mối liên hệ giữa
dân tộc Cơtu ở Lào và Việt Nam.
Gần đây, nghiên cứu của các học giả nước ngoài đáng lưu ý là các công trình,
báo cáo của hai nhà Nhân học Thụy Điển là A. Kai và A. Nikolas. Tiêu biểu là
Forests, Spirits and High Modernist Development: A Study of Cosmology and
Change among the Katuic Peoples in the Uplands of Laos and Vietnam (Rừng,
Thần linh và sự phát triển của chủ nghĩa hiện đại: Một nghiên cứu về Vũ trụ luận
và sự biến đổi giữa người Katu ở vùng cao Lào và Việt Nam), đã được Arhem
Nikolas chọn làm đề tài luận án tiến sĩ chuyên ngành Nhân học. Mới nhất là bài viết
của Arhem Kaj về Animism and the hunter’s dilemma: Hunting, sacrifice and
asymmetric exchange among the Katu of Vietnam (Thuyết vật linh và thế lưỡng nan
của thợ săn: Săn bắn, hiến tế và sự trao đổi không tương xứng ở người Katu Việt
Nam, 2016) [116; 117; 118].
Nghiên cứu của các học giả trong nước trước năm 1975 chưa nhiều, có thể
kể đến như Ngọc Anh, Mạc Đường, Võ Quang Nhơn, Lan Đình,… Sau năm 1975,
bắt đầu xuất hiện nhiều bài viết về dân tộc Cơtu của các nhà Dân tộc học trên một
số tạp chí chuyên ngành như Đôi nét về quan hệ hôn nhân gia đình người Pacô,
19
Pahi và Catu ở tây Thừa Thiên Huế (Nguyễn Hữu Thấu, 1976), Về quan hệ hôn
nhân và gia đình người Cơtu (Phạm Quang Hoan, 1979),… nhưng chỉ là “đôi nét”,
“bước đầu” tìm hiểu [45; 90]. Năm 1984, Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam (tập 2Các tỉnh phía Nam; tái bản năm 2013) được xuất bản, đánh giá là công trình Dân
tộc học đầu tiên dựng lên bức tranh toàn cảnh, là “bách khoa thư” về các dân tộc
thiểu số ở Việt Nam. Phần viết về dân tộc Cơtu được giới thiệu khái quát, ngắn gọn
(16 trang) nhưng đầy đủ các thành tố văn hóa đặc trưng [104].
Năm 1984, công trình Các dân tộc ít người ở Bình Trị Thiên do Nguyễn
Quốc Lộc chủ biên, đánh dấu một bước tiến trong nghiên cứu về các nhóm dân tộc
ở Bình Trị Thiên nói chung và người Cơtu nói riêng, từ sau 1975 của giới Dân tộc
học ở miền Trung [65]. Đây là công trình nghiên cứu và giới thiệu đặc trưng văn
hóa “Các dân tộc ít người ở Bình Trị Thiên”, được đánh giá là công trình đầu tiên
viết về dân tộc Cơtu, Bru-vân Kiều, Tà ôi, Chứt đầy đủ, hệ thống và cụ thể nhất ở
miền Trung. Tuy nhiên, nhận thấy, nội dung về nghệ thuật điêu khắc trong các
chương mặc dù được đánh giá là rất phong phú và nổi bật nhưng nội dung sơ lược.
Giới thiệu về nghệ thuật tạo hình Cơtu qua kiến trúc Gươl, nhà mồ và Xơnur, tuy
nhiên dung lượng quá ít đối với lĩnh vực đặc sắc nhất của tộc người này.
Những năm cuối thế kỷ XX và đầu XXI được đánh giá là giai đoạn phát triển
nghiên cứu về người Cơtu mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chuyên sâu, ghi nhận nhiều
công trình, bài viết trên tất cả các lĩnh vực ngôn ngữ, kinh tế, luật tục, lễ hội, tín
ngưỡng, kiến trúc, tổ chức xã hội, dòng họ,... Tiêu biểu như: Nghệ thuật tạo hình
của các dân tộc ít người ở Quảng Nam Ðà Nẵng của Trần Ánh [6], Tìm hiểu văn
hóa Katu của Tạ Đức [33], Katu-Kẻ sống đầu ngọn nước của Nguyễn Hữu Thông
chủ biên [97], Góp phần tìm hiểu văn hóa Cơ Tu của Lưu Hùng [51], Tiếng thông
dụng C’tu - Kinh và văn hóa làng C’tu của Briu Liếc [63], Ngôn ngữ biểu tượng
trong đời sống văn hóa của người Cơtu của Đinh Hồng Hải [39],… Nghiên cứu về
Hình tượng con trâu trong tâm thức của người Cơ Tu của Nguyễn Thượng Hỷ [55],
Thế giới quan của người Katu-Những biểu hiện sinh động qua hình tượng động vật
của Trần Đức Sáng,... đã có sự tìm hiểu và lý giải motif điêu khắc từ chính người
20
dân. Theo Trần Đức Sáng, những hình tượng đó phản ánh đặc điểm môi trường nơi
cư trú, cũng như ước mơ của họ trong cuộc sống gắn với núi rừng Trường Sơn [82,
tr. 98-111]. Tuy đã xem xét các hình tượng trang trí dưới góc độ ký hiệu, biểu tượng
văn hóa, nhưng những nghiên cứu này lại chưa chỉ ra được vai trò, chức năng xã hội
của các biểu tượng.
Như vậy, những công trình nghiên cứu về dân tộc Cơtu thời kỳ đầu chủ của
các học giả người Pháp hoặc là Mỹ. Tuy nhiên, các công trình mang tính tổng quan,
ít mang tính chuyên sâu, trong đó, lĩnh vực nghệ thuật tạo hình bị bỏ quên, Xơnur
không được chú ý khảo sát mô tả như một đối tượng nghiên cứu độc lập. Những
công trình nghiên cứu trước 1975 khá hạn chế về đội ngũ chuyên gia về vùng
Trường Sơn - Tây Nguyên. Rất hiếm bài viết về dân tộc Cơtu, chủ yếu được nhắc
đến trong khảo cứu chung, đăng trên tập san chuyên ngành. Đến những năm cuối
thế kỷ XX đầu XXI là thời kỳ xuất hiện nhiều chuyên khảo về văn hóa Cơtu một
cách cụ thể, chuyên sâu. Điểm qua những công trình, bài viết nghiên cứu nổi bật về
dân tộc Cơtu, cho thấy nổi lên một vài khoảng trống. Đặc biệt, chưa có một công
trình độc lập nào nghiên cứu về Xơnur, mà chỉ được đề cập chung, ngắn gọn, sơ sài
với những mô tả đơn thuần về đặc điểm hình dáng, cấu tạo. Chính vì vậy, hướng
nghiên cứu của luận án sẽ góp phần bổ khuyết khoảng trống này.
- Tình hình nghiên cứu cột Xơnur
Trong Les Chasseurs de Sang (Những kẻ săn máu) Le Pichon đã mô tả lễ hội
đâm trâu, Xơnur và đưa ra nhận định: “Các giả thiết về cây cột hiến tế rất đa dạng,
nhưng theo tôi, vào thời rất xa xưa, nó được dùng trong các lễ hiến tế người và là sự
cách điệu hình sinh thực khí” [60, tr. 37]. Nhận định của ông về Xơnur có hai điểm
đáng lưu ý là: [i] dùng để hiến tế người; [ii] hình sinh thực khí cách điệu. Nhận định
này đã mở ra một hướng tiếp cận nghiên cứu và thảo luận cho luận án, trong mục
tiêu làm rõ các giá trị và ý nghĩa biểu tượng của cột Xơnur. Mặt khác, việc Xơnur
cách điệu ở trang bìa của tác phẩm cho thấy, ngoài giá trị tạo hình cũng như vai trò
trong tín ngưỡng, nó được xem như là một hình ảnh biểu trưng của làng Cơtu, bên
cạnh những tác phẩm kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu khác [PL1: a.1, tr.175].
21
Trong Các dân tộc ít người ở Bình Trị Thiên, điêu khắc và hội họa được
đánh giá là hai môn nghệ thuật hấp dẫn “đập vào mắt” trước tiên khi đến thăm một
ngôi làng Cơtu. Tuy nhiên, nó lại chỉ được trình bày khái quát trong một dung
lượng ít ỏi, thoáng qua. Đáng lưu ý là nhận định cho rằng, “trên cột đâm trâu có
nhiều hình tượng liên quan đến cõi sống, cõi chết, nhiều đường dây thông từ đất lên
trời (Đung Yang)” [65, tr. 217]. Nhận định này củng cố cho hướng giải mã tìm hiểu
ý nghĩa biểu tượng của cột Xơnur phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan tộc người.
Trong Nghệ thuật tạo hình của các dân tộc ít người ở Quảng Nam Ðà Nẵng
[6], tác giả Trần Ánh chọn cột đâm trâu là một trong những đối tượng khảo sát
chính dưới góc độ tạo hình và ý nghĩa motif và cho rằng nó có mối liên hệ với thần
lúa, hồn lúa. Tuy nhiên, nhận định đó chỉ dừng lại ở việc giải thích nguồn gốc các
motif hình tượng trang trí đơn thuần mà chưa được đi sâu phân tích dưới góc độ ý
nghĩa biểu tượng. Hơn nữa, ông cho rằng Xơnur của người Cơtu thường ít đặc sắc
hơn, mà khá đơn giản và thống nhất theo một khuôn mẫu, từ quy mô, vóc dáng, hoa
văn, nguyên liệu. Nhìn tổng thế về nghi lễ hiến sinh cũng như đời sống nghệ thuật tạo
hình của người Cơtu, chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với nhận định này. Hơn nữa,
trang trí Xơnur là một công việc công phu, cần nhiều thời gian, với sự tham gia của
những “nghệ nhân dân gian” tài năng.
Công trình Góp phần tìm hiểu văn hóa Cơ Tu của tác giả Lưu Hùng, Xơnur
được mô tả khá ngắn gọn trong phần viết về lễ hội đâm trâu, ông không cung cấp
thêm những nhận định hay lý giải mới nào, bởi theo ông “hiểu biết của họ về những
ý nghĩa biểu tượng sâu xa trên cột lễ đã nhạt nhòa, mơ hồ và bị quên lãng” [51, tr.
256]. Trên khía cạnh tạo hình, như một số ý kiến, tác giả cho rằng Xơnur đó là sự
mô tả cánh tay của người phụ nữ trong điệu múa nghi lễ. Trên khía cạnh tín
ngưỡng, theo ông dù là kiểu nào, “cột tế đều là hình thức cột hay cây thông quan
giữa trời với trần thế, giữa thế giới thần linh với con người”, xuất hiện không chỉ
riêng ở tộc Cơtu. Những nhận định này góp thêm ý kiến khẳng định về vai trò tâm
linh của Xơnur.
22
Công trình Tiếng thông dụng C’tu - Kinh và văn hóa làng C’tu của tác giả
Bh’ríu Liếc, đã tạo nên một “mốc” mới trong nghiên cứu về dân tộc Cơtu, không
phải bởi tính học thuật mà lần đầu tiên được viết bởi chính người Cơtu, với một
niềm tự hào và ý thức về bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Nội dung cuốn sách
được trình bày trong 14 chương, với hai phần chính. Chương X trình bày về lễ hội
và văn hóa văn nghệ, Xơnur được mô tả ngắn gọn, trong bối cảnh lễ hội đâm trâu,
như những gì chúng ta vẫn thường thấy lâu nay, mà không có thông tin hay nhận
định nào đáng lưu ý từ tác giả người Cơtu [63].
Tìm hiểu văn hóa Katu của Tạ Đức tuy là một cuốn sách nhỏ, được trình bày
không theo quy cách chương mục, nhưng thông qua 24 câu hỏi đã làm rõ những
khía cạnh nổi bật của văn hóa Cơtu, vốn thu hút sự quan tâm các nhiều đối tượng
lâu nay như: nguồn gốc, vật tổ, tục săn máu, nhà làng, nhà mồ, vũ điệu, trang phục,
tục đâm trâu,… Trong đó, Xơnur được trình bày trong hai mục “Cột tế Katu có gì
đặc sắc?” và “Cột tế Katu và truyền thuyết Ja rai” [33, tr. 49-54, 55-57]. Có thể nói
đây là tác giả đầu tiên, qua cách tiếp cận đối sánh trên diện rộng về sự phổ biến của
tục hiến sinh ở Đông Nam Á, từ những gợi ý của Le Pichon về sự giống nhau giữa
người Cơtu với người Dayak ở Borneo và đảo Tân Guinee, đã đưa ra nhiều nhận
định “táo bạo” về Xơnur. “Cùng với nhà Gươl, cột tế là trung tâm tín ngưỡng của
mỗi làng Katu, là giá trị giàu tính biểu tượng, tính nghệ thuật và nhân văn nhất của
văn hóa truyền thống Katu”, là biểu tượng cho cái trục vũ trụ ở trung tâm thế
giới…” [33, tr. 49]. Đây là những nhận định gợi mở hướng tiếp cận tìm hiểu và làm
rõ ý nghĩa biểu tượng của cột Xơnur.
Tác giả Đinh Hồng Hải trong công trình Nhà Gươl của Người Cơtu, lần đầu
tiên đã đặt ra vấn đề về phương pháp nghiên cứu các motif, hình tượng trang trí trên
kiến trúc và tác phẩm nghệ thuật, qua cách tiếp cận “ngôn ngữ tạo hình” (ngôn ngữ
hình hình học và ngôn ngữ hình hình tượng) [38]. Đặc biệt, luận án tiến sĩ chuyên
ngành Nhân học văn hóa Ngôn ngữ biểu tượng trong đời sống văn hóa của người
Cơtu của Đinh Hồng Hải đã đề cập đến hệ thống biểu tượng và văn hóa của người
Cơtu qua việc tìm hiểu, giải mã các ý nghĩa qua ngôn ngữ đặc thù của văn hóa trên
23
cơ sở lý thuyết tiến hóa đa tuyến và sinh thái văn hóa. Trong các “biểu tượng trọng
tâm”, biểu tượng văn hóa tiêu biểu nhất của cây trong văn hóa Cơtu chính là cây cột
lễ. Tác giả cũng đã đưa ra một số nhận định về hình dáng, ý nghĩa và vai trò của
Xơnur từ việc tìm hiểu ý nghĩa các motif hoa văn trang trí, sự liên hệ về tính phổ
biến của cột lễ trong đối sánh với các tộc người khác [39]. Tuy nhiên, Xơnur vẫn
chưa được tìm hiểu một cách độc lập, những kiến giải vẫn thiên về ý nghĩa tâm linh,
mà chưa đi sâu vào khía cạnh ý nghĩa xã hội.
Như vậy, việc xem xét các công trình nghiên cứu theo chiều đồng đại và lịch
đại cho thấy, luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu Xơnur trong nghi lễ hiến
sinh một cách chuyên sâu, có hệ thống với tư cách là một đối tượng độc lập, tiếp
cận bằng phương pháp liên ngành, xem xét Xơnur trên cả vai trò tâm linh lẫn vai trò
xã hội. Những nhận định về cột Xơnur đã đặt ra cho luận án nhiều hướng tiếp cận,
gợi mở vấn đề trong việc chứng minh một cách hệ thống và logic về ý nghĩa biểu
tượng trên góc độ văn hóa và tín ngưỡng. Hơn nữa, việc xem xét các công trình
nghiên cứu theo chiều đồng đại và lịch đại cho thấy, luận án là công trình đầu tiên
nghiên cứu Xơnur trong nghi lễ hiến sinh một cách chuyên sâu dưới góc độ Văn
hóa học, có hệ thống với tư cách là một đối tượng khảo cứu độc lập, ở người Cơtu
nói riêng và các dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn - Tây Nguyên nói chung.
1.2. Các lý thuyết nghiên cứu và quan điểm tiếp cận ý nghĩa biểu tượng
của cột lễ hiến sinh
1.2.1. Một số khái niệm cơ bản
- Biểu tượng
Biểu tượng là một loại ký hiệu đặc biệt, thể hiện nội dung thực tế của một
điều nào đó. Biểu tượng văn hóa khác ký hiệu thông thường ở chỗ chứa đựng mối
liên hệ tâm lý với tồn tại mà nó biểu trưng (A.A. Radugin) [3, tr. 51-52]. Nếu ký
hiệu đơn giản và có thể ví như cánh cửa đi vào thế giới vật thể của các ý nghĩa (hình
ảnh và khái niệm), thì biểu tượng là cánh cửa dẫn vào thế giới phi vật thể của các ý
niệm [2, tr. 25]. Biểu tượng là những vật, sự kiện, âm thanh, lời nói hoặc các hình
thức văn viết mà loài người gán cho nó một ý nghĩa nào đó. Hình thức đầu tiên của