Tải bản đầy đủ (.pdf) (109 trang)

Đô thị uông bí tỉnh quảng ninh, quá trình hình thành và phát triển (1961 2014)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.99 MB, 109 trang )

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
–––––––––––––––––––

NGUYỄN TRUNG DŨNG

ĐÔ THỊ UÔNG BÍ TỈNH QUẢNG NINH
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
(1961 - 2014)

LUẬN VĂN THẠC SĨ NHÂN VĂN

THÁI NGUYÊN - 2016


ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
–––––––––––––––––––

NGUYỄN TRUNG DŨNG

ĐÔ THỊ UÔNG BÍ TỈNH QUẢNG NINH
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
(1961 - 2014)
Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
Mã số: 60 22 03 13

LUẬN VĂN THẠC SĨ NHÂN VĂN

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS HÀ THỊ THU THỦY


THÁI NGUYÊN - 2016


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của tôi, được sự hỗ trợ
của giáo viên hướng dẫn là PGS.TS Hà Thị Thu Thủy. Các nội dung nghiên
cứu và kết quả trong đề tài này là trung thực và chưa từng được công bố trong
bất cứ công trình nghiên cứu nào trước đây. Những số liệu, nhận xét đánh giá
được tác giả thu thập từ các nguồn khác nhau có trích dẫn nguồn tài liệu tham
khảo. Nếu có phát hiện bất kỳ gian lận nào tôi xin hoàn toàn chịu trách
nhiệm trước Hội đồng, cũng như kết quả luận văn của mình.

Thái Nguyên, tháng 8 năm 2016
Tác giả luận văn

Nguyễn Trung Dũng

Xác nhận của

Xác nhận của

Trưởng khoa chuyên môn

người hướng dẫn khoa học

i


LỜI CẢM ƠN
Lời đầu tiên, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới tất cả thầy cô

giáo trong khoa Lịch sử - trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên,
những người đã giảng dạy tôi trong suốt hai năm học vừa qua và giúp tôi hoàn
thành nghiên cứu để hoàn thiện đề tài.
Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến PGS.TS Hà Thị Thu Thủy đã trực
tiếp hướng dẫn, định hướng chuyên môn, quan tâm giúp đỡ tận tình và tạo mọi
điều kiện thuận lợi nhất trong quá trình nghiên cứu và hoàn thiện luận văn.
Tôi cũng xin trân trọng cảm ơn tới các cơ quan đoàn thể của thành phố
Uông Bí đã cung cấp tài liệu, tạo điều kiện cho tôi hoàn thành luận văn. Bên
cạnh đó, tôi gửi lời cảm ơn chân thành tới Ban giám hiệu và các thầy cô
đồng nghiệp ở trường Đại học Hạ Long đã giúp đỡ tôi trong suốt thời gian làm
luận văn.
Luận văn này là kết quả bước đầu của quá trình nghiên cứu khoa học,
song do điều kiện năng lực và thời gian còn hạn chế, đề tài nghiên cứu
không tránh khỏi những sơ suất, thiếu sót. Rất mong được sự đóng góp, bổ
sung của các thầy cô và các bạn để công trình thêm hoàn thiện.
Thái Nguyên, tháng 8 năm 2016

Tác giả luận văn

Nguyễn Trung Dũng

ii


MỤC LỤC
Lời cam đoan ........................................................................................................ i
Lời cảm ơn ........................................................................................................... ii
Mục lục ............................................................................................................... iii
Danh mục bảng biểu ........................................................................................... iv
MỞ ĐẦU ..........................................................................................................................1

1. Lí do chọn đề tài ...........................................................................................................1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ...........................................................................................3
3. Mục đích, đối tượng, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu ...........................................6
4. Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu ...............................................................7
5. Đóng góp của luận văn.................................................................................................9
6. Bố cục của luận văn......................................................................................................9
Chương 1: TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU VÀ ĐỊA BÀN
NGHIÊN CỨU ............................................................................................................. 10
1.1. Tổng quan về vấn đề nghiên cứu .......................................................................... 10
1.2. Khái quát về thành phố Uông Bí........................................................................... 12
1.2.1. Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên.................................... 12
1.2.2. Tên gọi và những thay đổi về mặt hành chính ................................................. 16
1.2.3. Đặc điểm dân cư và truyền thống lịch sử .......................................................... 19
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1 ............................................................................................... 23
Chương 2: THỊ XÃ UÔNG BÍ TỪ NĂM 1961 ĐẾN NĂM 1986 ...................... 24
2.1. Thị xã Uông Bí hình thành .................................................................................... 24
2.2. Sự phát triển của thị xã Uông Bí từ năm 1961 đến năm 1986 ........................... 25
2.2.1. Quá trình tập trung dân cư đô thị ....................................................................... 25
2.2.2. Đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất, kĩ thuật ......................................................... 25
2.2.3. Tình hình kinh tế - xã hội.................................................................................... 28
TIỂU KẾT CHƯƠNG 2 ............................................................................................... 38

iii


Chương 3: THỊ XÃ UÔNG BÍ TỪ NĂM 1986 ĐẾN NĂM 2014 ...................... 39
3.1. Về quá trình tập trung dân cư đô thị ..................................................................... 39
3.2. Đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất, kĩ thuật ............................................................ 42
3.3. Sự hình thành các cơ sở thương mại, dịch vụ và du lịch .................................... 45
3.4. Tình hình kinh tế - xã hội....................................................................................... 48

3.4.1. Về kinh tế ............................................................................................................. 48
3.4.2. Về xã hội .............................................................................................................. 58
TIỂU KẾT CHƯƠNG 3 ............................................................................................... 69
Chương 4: ĐẶC ĐIỂM VÀ VAI TRÒ CỦA ĐÔ THỊ UÔNG BÍ
(1961 - 2014) ............................................................................................................... 70
4.1. Đặc điểm của quá trình hình thành và phát triển ................................................. 70
4.2. Vai trò của đô thị Uông Bí..................................................................................... 73
4.2.1. Thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đô thị .......................................................... 73
4.2.2. Làm thay đổi bộ mặt xã hội và đời sống dân cư đô thị.................................... 79
TIỂU KẾT CHƯƠNG 4 ............................................................................................... 85
KẾT LUẬN ................................................................................................................... 86
TÀI LIỆU THAM KHẢO......................................................................................... 90
PHỤ LỤC

iv


DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng 1.1. Tài nguyên khoáng sản ở thành phố Uông Bí................................... 15
Bảng 2.1. Kết quả xây dựng kết cấu hạ tầng từ năm 1965 đến năm 1990 ........ 27
Bảng 3.1. Dân số trung bình phân theo phường xã từ năm 2000 đến năm 2014 .... 40
Bảng 3.2. Dân số trung bình phân theo Thành thị và Nông thôn từ năm
2000 đến năm 2005 ........................................................................... 41
Bảng 3.3. Cơ cấu dân số thành phố qua các năm từ 2010 đến 2012 ................. 41
Bảng 3.4. Vốn đầu tư cơ bản xây dựng từ năm 2000 đến năm 2005 ................ 43
Bảng 3.5. Vốn đầu tư thực hiện theo giá hiện hành phân theo nguồn vốn từ
năm 2008 đến năm 2014 ................................................................... 44
Bảng 3.6. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố (2000 - 2005) . 57
Bảng 3.7. Thống kê ngành học phổ thông giai đoạn 2000 - 2013 .................... 59
Bảng 3.8. Thống kê lao động làm việc trong các ngành kinh tế (2000 - 2005) ....... 65

Bảng 3.9. Số lao động được tạo việc làm phân theo thành thị và nông thôn
(2006 - 2014) ..................................................................................... 65
Bảng 3.10. Thu nhập bình quân trên đầu người giai đoạn 2000 - 2005 ............ 67

iv


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Việc xây dựng và phát triển mạng lưới đô thị đóng vai trò quan trọng trên
con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta hiện nay. Có thể nói, đô thị là
một hình thức quần cư đặc biệt của xã hội loài người, là một tổ chức không
gian cư trú, sinh sống tập trung với mật độ dân số cao của cộng đồng người
hoạt động kinh tế chủ yếu trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Theo Luật quy
hoạch đô thị của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (năm 2009) thì “Đô thị là
khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong
lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế,
văn hóa hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội
của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương bao gồm nội thành,
ngoại thành của thành phố, nội thị, ngoại thị của thị xã, thị trấn...”. Đô thị
được phân thành 6 loại gồm loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III, IV và V theo
các tiêu chí cơ bản sau: 1. Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát
triển kinh tế, xã hội của đô thị. 2. Quy mô dân số. 3. Mật độ dân cư. 4. Tỉ lệ lao
động phi nông nghiệp. 5. Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng. Ở nước ta hiện nay,
quá trình hình thành và phát triển của các đô thị đang diễn ra mạnh mẽ. Điều
này thể hiện sự phát triển nhanh, mạnh của bộ mặt kinh tế nước nhà. Tuy nhiên,
bên cạnh mặt tích cực của quá trình đô thị hóa thì đi kèm với nó cũng là những
hệ lụy đòi hỏi Đảng, Nhà nước và xã hội giải quyết.
Thành phố Uông Bí hiện nay là một trong số 5 thành phố nằm trên địa bàn
tỉnh Quảng Ninh - tỉnh duy nhất trong cả nước có 5 thành phố. Trở thành thị xã

từ khá sớm, Uông Bí hội tụ đầy đủ những điều kiện cho sự ra đời một trung tâm
kinh tế - chính trị - văn hóa, xă hội của tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây là một trong
những khu vực có tiềm năng lớn về vị trí địa lí (nằm ở phía Tây của tỉnh, là cửa
ngõ nối giữa tỉnh Quảng Ninh với các tỉnh khác như Hải Phòng, Bắc Giang,
Hải Dương…), có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào (đặc biệt là than phục
vụ cho 2 ngành công nghiệp than và điện). Nơi đây có nhiều thắng cảnh du lịch
1


như: Hồ Yên Trung, Lựng Xanh, Chùa Ba Vàng... đặc biệt có khu di tích, danh
thắng Yên Tử nổi tiếng trong cả nước. Trong lịch sử phát triển của mình, thị xã
Uông Bí luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, phục vụ đắc
lực cho sự nghiệp đi lên Chủ nghĩa xã hội của đất nước, là hậu phương vững
chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu
nước. Sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, đặc biệt là sau đại hội Đảng
toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), cùng với những chuyển biến lớn lao về
kinh tế - xã hội của đất nước, thị xã cũng không ngừng lớn mạnh và phát triển,
trở thành một trong những đô thị lớn của tỉnh Quảng Ninh. Tính đến thời điểm
nâng cấp lên đô thị loại II vào tháng 11 năm 2013, so với bộ tiêu chí phân loại
đô thị của Chính phủ, Uông Bí đã đạt 85,45/100 điểm, đáp ứng đủ tiêu chí đô
thị loại II. Trong đó có không ít chỉ tiêu cơ bản Uông Bí thực hiện vượt từ 2
đến 3 lần so với chuẩn, như: Tổng thu ngân sách, mức tăng trưởng kinh tế hàng
năm, số cơ sở y tế, diện tích đất giao thông/dân... Riêng tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn
chuẩn trên 4 lần. Đó là những thành công vượt bậc của Uông Bí trong hành
trình nâng cấp đô thị. Trong công cuộc phát triển kinh tế, Uông Bí vẫn luôn đạt
mức tăng trưởng cao và ổn định. Số thu ngân sách tăng đều qua các năm, tổng
5 năm (2010-2014) tốc độ tăng trung bình thu ngân sách nhà nước trên địa bàn
từ 13,8%. Mặc dù những năm qua, tình hình kinh tế khó khăn nhưng bình quân
mỗi năm, thu ngân sách địa phương đạt 500 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư toàn xã
hội trên địa bàn thành phố trong 5 năm (2010-2014) đạt trên 21.495 tỷ đồng.

Thu hút vốn đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế; hoạt động thu hút vốn
đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư đã được đặc biệt chú trọng. Phát huy thế
mạnh du lịch, dịch vụ, Uông Bí cũng đã đầu tư, mở rộng nhiều dịch vụ, phát
triển khu du lịch tâm linh như: Khu di tích Yên Tử, chùa Ba Vàng… góp phần
thu hút đông đảo du khách, tạo nguồn thu lớn cho địa phương…
Trong những năm qua, cũng đã có khá nhiều nghiên cứu về qúa trình đô
thị hóa ở trong cũng như ở ngoài nước, từ nông thôn đến thành thị, với nhiều

2


cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, lại chưa có nghiên cứu nào về quá trình đô
thị hóa dưới góc độ lịch sử diễn ra tại thành phố Uông Bí - tỉnh Quảng Ninh.
Chính vì vậy, tác giả chọn nghiên cứu vấn đề “ Đô thị Uông Bí - tỉnh Quảng
Ninh, quá trình hình thành và phát triển (1961 - 2014)” làm luận văn thạc sĩ
của mình.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Các nghiên cứu về đô thị ở Việt Nam
Với tầm quan trọng của mình, các đô thị là đối tượng nghiên cứu của
nhiều nhà khoa học cả trong và ngoài nước.
Trước hết phải kể đến một số các công trình nghiên cứu khá chuyên sâu về
đô thị cổ ở Việt Nam của các nhà sử học ở trong và ngoài nước đã được công
bố như cuốn sách Đô thị cổ Việt Nam (1989) của nhiều tác giả, Viện sử học.
Trong đó có nhiều bài nghiên cứu về Hoa Lư, Hội An, Vân Đồn… Hay tác
phẩm Đô thị Việt Nam (1995) của Giáo sư Đàm Trung Phương đã đánh dấu
bước phát triển trong quá trình nghiên cứu về đô thị hóa. Công trình Đô thị hóa
và chính sách phát triển đô thị trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam
(1998) của tác giả Trần Ngọc Hiên, Trần Văn Chử đồng chủ biên. Các tác
phẩm đã được xuất bản của nhà xuất bản Xây dựng như: PGS.TS Đỗ Hậu
(2010), Quản lí đất đai và bất động sản đô thị, Nxb Xây dựng. Võ Kim Cương

(2010), Chính sách đô thị, Nxb Xây dựng. TS Doãn Hồng Nhung (2010), Hoàn
thiện pháp luật và quy hoạch đô thị ở việt Nam, Nxb Xây dựng. KTS Lê Phục
Quốc (2010), Quy hoạch đô thị theo đạo lí châu Á, Nxb Xây dựng. Võ Thị
Quốc Khánh (2011), Quy hoạch và kĩ thuật xây dựng đô thị, Nxb Xây dựng.
Nhiều luận văn, luận án nghiên cứu về đô thị như: Luận án Tiến sĩ của tác
giả Nguyễn Thị Thùy với đề tài “Qúa trình đô thị hóa ở thành phố Hồ Chí
Minh từ năm 1975 - 1996”. Luận văn Thạc sĩ Lịch sử của tác giả Lê Thị Thu
Hằng “Quá trình đô thị hóa ở thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai giai đọan
1986 - 2005”. Luận văn thạc sĩ Lịch sử của tác giả Dương Ngọc Hải với đề tài
“Quá trình đô thị hóa ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương (1997 2012)”. Tác giả Nguyễn Thị Thuận với luận văn “Phân tích quá trình đô thị hóa
3


thành phố Tuyên Quang giai đoạn 2000 - 2010”, Đại học sư phạm - ĐHTN, 2010;
tác giả Lê Hồng Kế với đề tài “Phân bố dân cư trong quá trình đô thị hóa trên cơ
sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế thời 2001 - 2020”, Đề tài độc lập cấp nhà nước, Bộ
Khoa học - Công nghệ - Bộ xây dựng - Viện Quy hoạch đô thị nông thôn...
Nghiên cứu một đô thị cụ thể trong từng giai đoạn cụ thể cũng đã được các
nhà nghiên cứu đi sâu tìm hiểu: Năm 2011 tác giả Phạm Thị Tuyết bảo vệ thành
công luận án tiến sĩ “Đô thị Hải Dương thời kì thuộc địa (1883 - 1945)”. Tác giả
đã tập trung nghiên cứu về quá trình hình thành và phát triển của đô thị Hải
Dương trong các giai đoạn từ năm 1883 đến năm 1945. Tác giả Nguyễn Duy
Thanh với luận văn “Đô thị Vĩnh Yên: Quá trình hình thành và các giá trị đặc
trưng” (Đại học sư phạm - đại học Thái Nguyên, 2014) cũng đã nghiên cứu về quá
trình hình thành, phát triển và các giá trị đặc trưng của đô thị Vĩnh Yên từ khi
thành lập.
Nghiên cứu về đô thị, các nhà khoa học đã nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực
như quá trình hình thành và phát triển, tình hình phân bố dân cư, hệ thống cơ sở
hạ tầng, mạng lưới giao thông... Các tác phẩm được xuất bản hoặc đăng tải trên
tạp chí Khoa học và Công nghệ.

Các nghiên cứu về thành phố Uông Bí
Ở Quảng Ninh, có nhiều công trình nghiên cứu về quá trình hình thành,
phát triển trên các lĩnh vực của tỉnh. Từ năm 1941, tác giả Paul Munier có bài
viết “Tham quan vùng đất đen”, được đăng trong Tập san Đông Dương
Indochine (số 59), tr. 2 - 4. Năm 1991, tác giả Hồng Hải cho ra đời tác phẩm
“Quảng Ninh tiềm năng và triển vọng” (NXB Sự thật, Hà Nội). Ngoài ra còn có
các tác phẩm “Lịch sử công nhân khu mỏ than Quảng Ninh 1820 - 1975” của
Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh (1996), các tác giả đã dày công nghiên
cứu về lịch sử công nhân các khu mỏ than ở Quảng Ninh. Đặc biệt, năm 2001,
2002, 2003, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã cho ra đời công trình nghiên
cứu Địa chí Quảng Ninh, NXB Thế giới. Đây là công trình nghiên cứu thể hiện
quy mô lớn khi nghiên cứu về mọi mặt từ vị trí địa lí, tài nguyên thiên nhiên,
lịch sử phát triển, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội… của tỉnh và các địa

4


phương trong tỉnh Quảng Ninh. Ngoài ra còn có một số công trình nghiên cứu
là luận văn, luận án nghiên cứu về đô thị và quá trình đô thị hóa ở tỉnh Quảng
Ninh, tiêu biểu có tác giả Phan Doãn Thức với luận văn “Một số giải pháp
quản lí nhà nước các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu đô thị tỉnh
Quảng Ninh", Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - ĐHTN, 2012.
Các công trình nghiên cứu về thành phố Uông Bí, tiêu biểu có cuốn
“Thị xã Uông Bí 30 năm chiến đấu xây dựng và trưởng thành” do Ban chấp
hành Đảng Bộ thị xã Uông Bí xuất bản năm 1993. Cuốn sách đã khái quát
được một chặng đường lịch sử từ năm 1960 đến năm 1990 của nhân dân Thị xã
vừa chiến đấu chống Mĩ cứu nước vừa tích cực xây dựng Xã hội chủ nghĩa đạt
được nhiều thành tựu to lớn.
Đi sâu về vấn đề quy hoạch Thị xã có dự thảo “Quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế xã hội Thị xã Uông Bí thời kỳ 2001- 2010”. Đây là cuốn sách có

nhiều tư liệu liên quan đến đề tài, đề cập khá toàn diện về sự phát triển kinh
tế- xã hội của Uông Bí.
Năm 2012, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Uông Bí xuất bản cuốn
“Lịch sử Đảng bộ Thành phố Uông Bí tập 1 (1930-2010)”. Cuốn sách trên cơ
sở phát triển của cuốn “Lịch sử Đảng bộ Thị xã Uông Bí” - Tập 1 (1930 2006) có bổ sung nhiều nguồn tư liệu khá mới mẻ đến năm 2010.
Các tác phẩm trên đã phản ánh quá trình vận động cách mạng không
ngừng của Đảng bộ và nhân dân Uông Bí.
Tháng 5 năm 2015, Thành ủy Uông Bí có xuất bản cuốn “Uông Bí - Đất
và Người”. Đây là cuốn sách vô cùng quý giá, đã cung cấp kiến thức cơ bản
nhất về vùng đất và con người nơi đây.
Luận văn “Kinh tế - xã hội thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) từ năm 1986
đến năm 2013” của tác giả Trịnh Thị Thu, Đại học Sư phạm - Đại học Thái
Nguyên, (2015) đã nghiên cứu một cách tương đối đầy đủ về tình hình kinh tế xã hội của thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh từ năm 1986 đến năm 2013,
trong đó có đề cập đến nhiều yếu tố liên quan đến quá trình phát triển của đô thị
Uông Bí trong giai đoạn đổi mới của thành phố.

5


Từ khi được công nhận là thị xã năm 1961 đến nay, Uông Bí đã có một
quá trình phát triển tương đối mạnh mẽ. Nhờ các điều kiện thuận lợi về vị trí
địa lí, điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, Uông Bí dần trở thành một đô
thị nổi bật nằm trên dịa bàn tỉnh Quảng Ninh. Nhiều nhà nghiên cứu đã cho ra
đời các tác phẩm nghiên cứu về nhiều lĩnh vực của vùng đất này. Tuy nhiên,
cho đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào đi sâu nghiên cứu về quá
trình hình thành và phát triển của đô thị Uông Bí.
3. Mục đích, đối tượng, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Trên cơ sở trình bày một cách hệ thống về quá trình hình thành và phát
triển của thành phố Uông Bí từ khi thành lập thị xã Uông Bí năm 1961 đến năm

2014, luận văn dựng lại bức tranh toàn cảnh về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã
hội và an ninh quốc phòng của thành phố Uông Bí qua hơn 50 năm. Từ đó làm
rõ những thế mạnh thúc đẩy sự phát triển của thành phố Uông Bí, sự kế thừa và
phát huy mặt tích cực của đô thị hóa góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản
lí và quy hoạch thành phố trong giai đoạn hiện nay và tương lai.
3.2. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là thành phố Uông Bí. Trong đó tác giả
tập trung nghiên cứu về sự ra đời, qúa trình phát triển của đô thị ở thành phố
Uông Bí tỉnh Quảng Ninh từ khi mới thành lập thị xã đến khi trở thành một
trung tâm đô thị và những đặc điểm về kinh tế, văn hóa, xã hội ở thành phố
Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
3.3. Nhiệm vụ nghiên cứu
Trình bày một cách toàn diện và có hệ thống về quá trình hình thành và
phát triển của thành phố Uông Bí, từ năm 1961 đến năm 2014.
Rút ra được những đặc điểm của qúa trình đô thị hóa ở thành phố Uông Bí
tỉnh Quảng Ninh. Phân tích những tác đông tích cực và tiêu cực của quá trình
đô thị hóa đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng
Ninh từ năm 1961 đến năm 2014.
6


3.4. Phạm vi nghiên cứu
Về không gian: Đề tài nghiên cứu trên phạm vi là thành phố Uông Bí, tỉnh
Quảng Ninh (bao gồm 8 phường, 2 xã).
Về thời gian: Đề tài giới hạn chủ yếu trong khoảng thời gian nghiên cứu từ
năm 1961 đến năm 2014.
4. Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu
4.1. Nguồn tài liệu
Những vấn đề của luận văn được giải quyết trên cơ sở khai thác và xử lí
tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau:

Các tài liệu văn kiện của Đảng, các chỉ thị, nghị quyết, báo cáo của Đảng
ủy, UBND thành phố Uông Bí, các số liệu thống kê của các cơ quan kinh tế văn hóa, giáo dục thành phố Uông Bí.
Luận văn còn kế thừa các nguồn tư liệu, các kết quả nghiên cứu khoa học
đăng trên các sách chuyên khảo, bài viết, bài nghiên cứu, đặc biệt là cuốn Địa
chí Quảng Ninh (tập 1, 2, 3) và Lịch sử đảng bộ thành phố Uông Bí.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình nghiên cứu đề tài, tác giả đã sử dụng 2 phương pháp chủ
yếu là:
Phương pháp lịch sử
Mọi sự vật và hiện tượng của tự nhiên và xã hội đều có quá trình lịch sử
của nó, tức là có quá trình phát sinh, phát triển và tiêu vong. Đó là một quá
trình vận động và biến đổi liên tục, hết sức cụ thể, đầy quanh co, phức tạp, bao
gồm cả những cái ngẫu nhiên lẫn cái tất yếu, muôn hình, muôn vẻ, trong những
hoàn cảnh, điều kiện khác nhau và theo một trật tự thời gian nhất định. Mỗi
một vùng đất đều có lịch sử riêng của mình. Uông Bí là một vùng đất được con
người khai phá từ lâu đời, và từ rất sớm. Lịch sử của Uông Bí được tạo dựng
bởi cư dân ở đây và đã góp phần làm hình thành những đặc trưng văn hóa rất
riêng. Những nét văn hóa đó có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của Uông Bí
trong tương lai.

7


Phương pháp logic
Phương pháp logic nghiên cứu tổng quát các sự kiện, hiện tượng lịch sử,
loại bỏ các yếu tố ngẫu nhiên, không cơ bản để làm bộc lộ bản chất, tính tất yếu
và quy luật vận động và phát triển khách quan của sự kiện, hiện tượng lịch sử
đang “ẩn mình” trong các yếu tố tất nhiên lẫn ngẫu nhiên phức tạp ấy.
Tác giả sử dụng phương pháp logic trong nghiên cứu đề tài nhằm tìm hiểu
từ những cái nét khái quát chung trong quá trình hình thành và phát triển của

thành phố Uông Bí tỉnh Quảng Ninh để thấy được những đặc điểm trong quá
trình hình thành và phát triển đó, qua đó đánh giá những tác động đối với nền
kinh tế - xã hội của thành phố Uông Bí trong giai đoạn này.
Bên cạnh phương pháp lịch sử và phương pháp logic, tác giả còn sử dụng
các phương pháp khác nhau để tiếp cận vấn đề cần nghiên cứu như tiếp cận vấn
đề hình thành và phát triển đô thị từ góc độ văn hóa, từ nhân học và địa lí học,
kinh tế học… Về góc độ văn hóa, sự phát triển của mỗi vùng đất thường hướng
tới những tiêu chí của thời đại nhưng không làm mất đi bản sắc văn hóa truyền
thống. Thành phố Uông Bí trong sự phát triển của mình vẫn mang trong mình
những nét văn hóa truyền thống, những đặc điểm riêng không bị trộn lẫn với
bất kì một cùng đất nào khác. Theo nhân học và địa lý học thì quá trình phát
triển của một đô thị, nói cách khác là đô thị hóa được hiểu là sự di dân từ nông
thôn vào thành thị, là sự tập trung ngày càng nhiều cư dân sống trong vùng lãnh
thổ đô thị. Đây chính là dấu hiệu quan trọng để đánh giá mức độ đô thị hóa của
một quốc gia, khu vực hay một đơn vị cụ thể. Từ góc độ kinh tế học, các nhà
nghiên cứu thường đánh giá về vai trò của nông nghiệp, nông thôn trong quá
trình đô thị hóa. Trong quá trình phát triển của thành phố Uông Bí, sự chuyển
dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và các ngành kinh tế khác
từ năm 1961 đến năm 2014 góp phần tác động không nhỏ đến bộ mặt của đô thị
Uông Bí giai đoạn sau này. Trong quá trình thực hiện đề tài, là người địa phương
tác giả sử dụng triệt để phương pháp điền dã dân tộc học. Tác giả đã trực tiếp quan

8


sát thực địa, phỏng vấn nhân chứng… để thu thập, tìm hiểu những nguồn tài liệu địa
phương phục vụ cho công tác nghiên cứu đề tài.
5. Đóng góp của luận văn
Luận văn dựng lại một cách khái quát quá trình hình thành và phát triển đô
thị Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn từ năm 1961 đến năm 2014.

Thông qua luận văn, tác giả đưa ra những nhận định, đánh giá khách quan,
khoa học về quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của đô thị Uông Bí.
Nội dung của luận văn cùng hệ thống tài liệu tham khảo được sưu tầm
trong quá trình nghiên cứu sẽ là nguồn tài liệu có giá trị phục vụ cho công tác
nghiên cứu, giảng dạy và biên soạn lịch sử địa phương.
6. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục, tài liệu tham khảo, nội dung luận
văn chia làm 4 chương:
Chương 1. Tổng quan về vấn đề nghiên cứu và địa bàn nghiên cứu
Chương 2. Thị xã Uông Bí từ năm 1961 đến năm 1986
Chương 3. Thị xã Uông Bí từ năm 1986 đến năm 2014
Chương 4. Đặc điểm của quá trình hình thành, phát triển và tác động đối
với kinh tế, xã hội thành phố Uông Bí tỉnh Quảng Ninh (1961-2014)

9


Chương 1
TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
1.1. Tổng quan về vấn đề nghiên cứu
Theo từ điển tiếng Việt, đô thị có thể hiểu là nơi đông dân, tập trung buôn
bán như thành phố, thị xã. Trong Từ điển bách khoa Việt Nam (NXB Hà Nội,
1995), đô thị là một không gian cư trú của cộng đồng người sống tập trung và
hoạt động trong những khu vực kinh tế phi nông nghiệp. Theo giáo trình Quy
hoạch đô thị (đại học Kiến trúc Hà Nội) định nghĩa: Đô thị là nơi tập trung dân
cư, chủ yếu lao động phi nông nghiệp, sống và làm việc theo kiểu thành thị.
Trong Thông thư 31/TTLD, ngày 20/11/1990 của Bộ xây dựng và Ban tổ chức
cán bộ chính phủ nêu ra định nghĩa: Đô thị là điểm tập trung dân cư với mật độ
cao, chủ yếu là lao động phi nông nghiệp, cơ sở hạ tầng thích hợp hay trung
tâm chuyên ngành có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của cả nước,

của một vùng trong tỉnh hoặc huyện. Trong xã hội công ngiệp, đô thị là cực
hút, do đó dân số và hoạt động kinh tế tập trung thành một thể thống nhất. Sự
tập trung này là chỉ số chính của đô thị, các yếu tố sản xuất làm cho đô thị trở
thành những cực tăng trưởng. Tăng trưởng này đưa đến sự đa dạng về kinh tế
và xã hội. Do đó, đô thị được định nghĩa như là nơi tập trung đông đúc dân cư,
chủ yếu là lao động phi nông nghiệp, sống và làm việc theo phong cách và lối
sống khác với lối sống ở nông thôn. Như vậy, đô thị là điểm dân cư tập trung
với mật độ cao, chủ yếu là lao động phi nông nghiệp, có hạ tầng cơ sở thích
hợp, là trung tâm tổng hợp hay chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển
kinh tế - xã hội của cả nước, của cả một vùng, của một đô thị, một huyện hoặc
một đô thị trong huyện.
Cho đến nay, các nhà khoa học thuộc nhiều chuyên ngành đã nghiên cứu
quá trình đô thị hóa và đưa ra không ít định nghĩa cùng với những đánh giá về
quy mô, tầm quan trọng và dự báo tương lai cho quá trình này. Qua đó, đô thị
hóa là một hiện tượng lịch sử xảy ra ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới.
Nhưng ở từng quốc gia, từng tộc người, quá trình đô thị hóa lại diễn ra hết sức
10


khác nhau, phản ánh sự phát triển không đồng đều, như một hiện tượng có tính
quy luật của tiến trình lịch sử nhân loại.
Với quan điểm coi biến đổi kinh tế và dân số là hai vấn đề chính khi
nghiên cứu quá trình đô thị hóa, Chan (1994) đã đưa ra định nghĩa: “Đô thị hóa
là một quá trình đa diện và phức tạp nhưng về cơ bản nó là biểu hiện về mặt
chuyển dịch cơ cấu lao động từ các hoạt động dựa trên nông nghiệp sang các
hoạt động dựa trên công nghiệp trong cấu trúc sản xuất”. [dẫn theo 65, tr 41].
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế xã hội Hà Nội, quá
trình đô thị hóa được nhìn từ hai góc độ, một mặt đó là “quá trình hình thành và
phát triển các điểm dân cư được tập hợp lại và phổ biến lối sống thành thị, đồng
thời phát triển các hoạt động khác nhau để phục vụ sự tồn tại và phát triển trong

cộng đồng đó”. Mặt khác, “đô thị hóa cũng là quá trình mở rộng biên giới
lãnh thổ đô thị do nhu cầu công nghiệp hóa, thương mại, dịch vụ và giao lưu
quốc tế - là sự tăng trưởng về không gian đô thị từ phát triển dân số và phát
triển sản xuất”.
Hiện nay, đô thị hóa không chỉ đơn thuần là quá trình dịch cư từ nông thôn
ra thành thị và dịch cư nghề nghiệp mà còn bao hàm các quá trình dịch cư khác,
đa chiều và đa cấp độ như các dòng dịch cư đô thị - đô thị, đô thị - vùng ven, đô
thị - nông thôn, vùng - quốc tế với các mức độ khác nhau theo từng hoàn cảnh
của các đô thị cụ thể. Các nhân tố kinh tế vẫn giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo
nên quá trình đô thị hóa, tuy nhiên các nhân tố khác phi kinh tế như văn hóa,
lịch sử, lối sống… đang ngày càng có những ảnh hưởng lớn tới đặc tính đô thị
hóa của mỗi vùng. Như vậy, các định nghĩa về đô thị hóa về cơ bản coi đây là
hiện tượng tất yếu, một quy luật mang tính khách quan và có tính toàn cầu, tiến
bộ rõ rệt với những chuyển đổi mạnh mẽ, sâu sắc và toàn diện các lĩnh vực kinh
tế, văn hóa, xã hội… từ nông thôn sang thành thị, sự tập trung dân cư tại các đô
thị theo tỉ lệ ngày càng cao.

11


1.2. Khái quát về thành phố Uông Bí
1.2.1. Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên
Uông Bí là một thành phố nằm ở miền Tây của tỉnh Quảng Ninh, có tọa
độ từ 20 độ 58’ đến 21 độ 09’ vĩ độ Bắc và từ 106 độ 41’ đến 106 độ 52’ kinh
độ Đông, cách Hà Nội 120km, cách thành phố Hạ Long 40km, Bắc giáp huyện
Sơn Động (tỉnh Bắc Giang), ranh giới là dãy núi cao Yên Tử - Bảo Đài, tây
giáp huyện Đông Triều, ranh giới là sông Tiên Yên nhỏ như một dòng suối,
Nam giáp huyện Thủy Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng, ranh giới là sông
Đá Bạch (còn gọi là Đá Bạc), Đông Nam giáp huyện Yên Hưng, Đông giáp
huyện Hoành Bồ, có ranh giới là núi Bình Hương và núi Đèo San.

Uông Bí có diện tích tự nhiên 24.041 ha, 4 phần 5 đất đai là đồi núi, trong
đó đất lâm nghiệp rộng gần 10.000 ha, đất nông nghiệp gần 3000 ha. Địa hình
dốc dần từ Bắc xuống Nam và chia thành 3 vùng. Vùng rừng núi trập trùng
phía Bắc có đỉnh Yên Tử cao 1068 m, vùng giữa núi đồi thấp dần và thành một
cánh đồng trung du, vùng phía Nam đất trũng thành những bãi bồi liền xuống
dòng sông Đá Bạch. Có 3 dòng sông chảy theo hướng Bắc Nam là sông Sinh,
sông Tiên Yên và sông Uông. Sông Uông chảy từ núi Yên Tử xuống, là nguồn
nước ngọt, xưa có đường ống đưa về Hải Phòng, về sau dùng cho khu nội thị.
Sông Đá Bạch ở phía Nam là đoạn nối từ sông Kinh Thầy xuống sông Bạch
Đằng, là đường thủy liên tỉnh và có cảng Bạch Thái Bưởi, cảng Điền Công xuất
than xuống xà lan. Uông Bí có hồ Yên Trung dung tích 3 triệu m3 và hồ Tân
Lập dung tích 0,32 triệu m3, chỉ đủ tưới cho 200 ha đất nông nghiệp, còn lại
phải đưa nước từ hồ Yên Lập về tưới cho 2000 ha.
Uông Bí có nhiệt độ trung bình năm là 24 độ C, độ ẩm trung bình là 81%,
lương mưa trung bình hàng năm là 1842 mm.
Đất đai ở Uông Bí có nhiều loại nhóm đất mặn hình thành từ những sản
phẩm phù sa sông, biển được lắng đọng trong môi trường nước biển, phân bố ở
Phương Nam, Phương Đông, Yên Thanh, Quang Trung, Trưng Vương. Đất

12


mặn sú vẹt đước phân bố ở Phương Nam, Phương Đông, Yên Thanh, Quang
Trung, Trưng Vương. Đây là loại đất tốt, độ phì thực tế cao, thích hợp với phần
lớn rừng ngập mặn và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên để đạt hiệu quả kinh tế
cao khi bố trí nuôi trồng thủy sản cần có chính sách trồng rừng phòng hộ ven
đê, giao rừng đến từng hộ quản lý. Giải quyết được việc này sẽ là tiền đề cho
phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, bền vững về môi trường sinh thái.
Nhóm đất phèn mặn phân bố ở Phương Nam, Phương Đông, Yên Thanh,
Quang Trung, Trưng Vương, Điền Công. Đất phù sa phân bố ở xã Nam Khê,

Trưng Vương, Quang Trung , Phương Đông, Phương Nam và xã Điền Công.
Đây là loại đất tốt rất thích hợp trồng cây lương thực và rau màu. Ngoài ra
Uông Bí còn có các loại đất xám, đất vàng đỏ, đất vàng nhạt đá sâu, đất mùn
vàng nhạt trên núi...
Uông Bí có tiềm năng phát triển kinh tế toàn diện dựa trên nguồn tài
nguyên thiên nhiên phong phú: Than, đá vôi, cát sỏi... Nguồn khoáng sản hóa
thạch lớn nhất của Uông Bí là than đá, trữ lượng vùng than Đông Triều - Mạo
Khê - Uông Bí đạt 1,4 tỷ tấn, chiếm 40% trữ lượng than toàn Tỉnh (toàn tỉnh
3,5 tỷ tấn). Công nghiệp khai thác than Uông Bí đã được thực hiện từ năm
1916. Sản lượng khai thác than hiện nay trên vùng Vàng Danh đạt hơn 5 triệu
tấn/năm. Than Vàng Danh có chất lượng rất tốt “Than ở vùng kỳ lạ này là một
thứ than đặc biệt tốt. Đó là một thứ than gầy rất thuần khiết và rất rắn và có từ
85 đến 90% than cố định. Than này còn thuần khiết hơn loại than tốt nhất của
nước Anh” [63, tr. 2]. Công nghiệp khai thác, chế biến than là ngành công
nghiệp chủ đạo có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của Uông Bí.
Than có ở xã Thượng Yên Công và phường Vàng Danh, Bắc Sơn. Trên địa bàn
thành phố có nhiều mỏ than lớn là mỏ Vàng Danh, mỏ Nam Mẫu và mỏ than
Uông Bí. Cả 3 mỏ này đều do trung ương quản lý và khai thác với sản lượng
hàng triệu tấn trên một năm. Ngoài ra ở Uông Bí còn có một mỏ than đã bán
cho Inđônêxia trong 30 năm, đây là một mỏ lộ thiên có diện tích trên 1000ha ở

13


phường Vàng Danh. Mỏ than được khai thác với 100% vốn của Inđô và lợi
nhuận được chia là 90% cho Vietminđo và 10% cho công ty than Uông Bí.
Ngoài than đá, Uông Bí còn có các khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng.
Đáng kể là đá vôi với trữ lượng 28 - 30 triệu m3 phân bố chủ yếu ở xã Phương
Nam, đá sét có trữ lượng 595 nghìn tấn ở bãi sỏi; sản xuất gạch tuynen của
Công ty Cổ phần Xây dựng Quảng Ninh công suất 15 triệu viên/năm [2, tr. 13].

Trữ lượng rừng: Uông Bí chủ yếu là rừng nghèo có 2.756 ha với trữ lượng
124.050m3 gỗ, rừng đạt tiêu chuẩn khai thác không đáng kể khoảng 666,46ha
trong đó 528 ha rừng giàu với trữ lượng 52.200m3, còn lại là rừng cây hỗn giao
có nhiều loại quý hiếm: Lát hoa, lim, sến, táu, thông nhựa….Rừng Uông Bí còn
là nơi trú ngụ của hệ động vật rừng. Tổng số loài động vật ở cạn có xương sống
là 206 loài, nhưng số lượng mỗi loài không nhiều. Hiện có 120 loài quý hiếm
được ghi trong sách đỏ cần được bảo vệ. Ngoài ra rừng Uông Bí đặc biệt là
rừng Quốc gia Yên Tử còn cung cấp nhiều loại đặc sản khác có giá trị làm đồ
thủ công mỹ nghệ như các loại song, mây, hèo, những cây cho sợi, làm thuốc,
cây cho dầu...Rừng ngập mặn chủ yếu cây đước phân bố ven sông Đá Bạc.
Rừng Uông Bí có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế- xã hội,
bảo vệ môi sinh, giữ gìn nguồn nước, tạo cảnh quan, bảo tồn các di tích lịch sử,
văn hóa. Tiêu biểu là rừng đặc dụng Yên Tử, với diện tích 2783ha trong đó
2063,3 ha là rừng tự nhiên. Rừng Yên Tử thuộc loại khu rừng lịch sử - văn hóa
- môi trường.Vì vậy cần phải có chính sách đầu tư khai thác hợp lý tài nguyên
rừng quốc gia Yên Tử nói riêng và rừng Uông Bí nói chung.
Uông Bí được lịch sử, thiên nhiên ban tặng nhiều tiềm năng phát triển du
lịch. Nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh thắng gắn liền với lịch sử đấu tranh
dựng nước và giữ nước của dân tộc, trong đó Khu di tích lịch sử và danh thắng
Yên Tử được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, là trung tâm Phật giáo của cả
nước, có giá trị lớn về văn hoá lịch sử. Nhiều cảnh quan thiên nhiên có giá trị
và tiềm năng phát triển du lịch như hệ thống sông ngòi, hồ đầm bao quanh phát

14


triển kinh tế vườn đồi, trang trại tổng hợp; vùng cây ăn quả, vùng nuôi trồng
thủy sản tập trung có thể trở thành các sản phẩm du lịch đặc sắc của địa
phương. Ngoài ra, Uông Bí còn có những địa danh nổi tiếng như: “Cổng Trời,
Bàn cờ tiên”, dãy núi Chu Cốc có động Hang Son. Có điểm du lịch như Resort

Hồ Yên Trung rộng 78 ha ở giữa có những đảo cây xanh tốt quanh năm, xung
quanh hồ được bao bọc bởi những đồi thông tạo nên cảnh đẹp “Sơn thủy hữu
tình”. Bên cạnh đó còn có điểm Lựng Xanh được các bạn trẻ rất yêu thích. Tất
cả những địa danh trên là nơi để du khách dừng chân ngắm cảnh, nghỉ ngơi và
tận hưởng môi trường sinh thái tốt lành.
Bảng 1.1. Tài nguyên khoáng sản ở thành phố Uông Bí
Stt

Tài
nguyên

Đơn vị

Trữ

Tiềm

lượng

Năng

Địa điểm
Vàng Danh, Thượng Yên

1

Than đá

Triệu tấn


300

500

Công, Phương Đông, Thanh
Sơn, Bắc Sơn

2

Đá vôi

Triệu m³

28-30

45

3

Đất sét

Triệu m³

20-22

30

Triệu m³

10


20

4

Cát xây
dựng

Phương Nam, Thanh Sơn,
Bắc Sơn
Thượng Yên Công, Thanh
Sơn, Bắc Sơn
Phương Đông, Thanh Sơn
Nguồn [68, tr. 32]

Uông Bí có giao thông đường thủy, bộ thuận lợi. Quốc lộ 18A và đường
sắt Tiên Yên - Hạ Long (có ga Uông Bí) chạy qua nhiều phường, xã. Quốc lộ
10 từ Hải Phòng sang Quảng Ninh qua cầu Đá Bạch và gặp Quốc lộ 18 ở ngã
ba Cầu Sến, đây là một ngã ba qua lại tấp nập. Đường vào khu di tích Yên Tử
cũng đã được nâng cấp đi lại dễ dàng. Từ mỏ than Vàng Danh, ngoài đường bộ
còn có đường sắt chuyên dụng tải than qua cảng Điền Công.
15


Uông Bí có 10 đơn vị hành chính gồm 8 phường (Vàng Danh, Bắc Sơn,
Thanh Sơn, Quang Trung, Trưng Vương, Yên Thanh, Nam Khê, Phương
Đông) và 2 xã (Thượng Yên Công, Phương Nam).
1.2.2. Tên gọi và những thay đổi về mặt hành chính
Uông Bí là vùng đất cổ, có người ở từ rất sớm. Ở mấy hốc núi thuộc xã
Phương Nam đã phát hiện dấu vết người tiền sử đầu thời kì đồ đá mới. Năm 1991,

phát hiện khu mộ thuyền Phương Nam thời kì đồ đồng, cách nay khoảng 2000 năm.
Xưa vùng đất Uông Bí là tổng Bí Giàng gồm 10 xã, thôn thuộc huyện
Đông Triều. Năm 1896, tổng Bí Giàng cắt về huyện Yên Hưng (trừ xã Tiên
Yên vẫn thuộc huyện Đông Triều và nhập làm tổng Nội Hoàng). Trong thời
thuộc Pháp, sau khi mở mỏ Vàng Danh, ở cửa sông Uông, nơi giáp ranh các
làng Uông là Uông Thượng, Uông Hạ và các làng Bí là Bí Thượng, Bí Trung,
Bí Hạ, Bí Chợ có trụ sở công ty than Đông Triều, trạm thuế đoan, nhà máy
điện, xưởng cơ khí, bến tàu thủy… nên dân cư đông đúc tạo nên phố Uông Bí,
sau cách mạng tháng tám thành liên xã Uông Bí.
Tháng 2 năm 1955 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập khu Hồng
Quảng gồm tỉnh Quảng Yên và đặc khu Hòn Gai. Thị trấn Uông Bí thuộc
huyện Yên Hưng, sau khi được giải phóng khoảng cuối năm 1955 đổi thành xã
Uông Bí thuộc huyện Yên Hưng khu Hồng Quảng.
Ngày 28-10-1961, Chính phủ ra nghị định 181 - CP thành lập thị xã Uông
Bí trực thuộc khu Hồng Quảng (gồm xã Uông Bí cũ, cảng Điền Công và hai
thôn Lạc Trung, Đồng Lối của xã Yên Thanh). Sau đó địa giới của xã mở rộng
dần, các xã Thượng Yên Công, Chạp Khê, Phương Đông, Phương Nam từ
huyện Yên Hưng nối tiếp nhập vào thị xã Uông Bí.
Ngày 26-2-1966, Bộ Nội vụ ra quyết định 51/NV, phê chuẩn thành lập xã
Đồng Tiến thuộc thị xã Uông Bí, bao gồm có: các thôn, xóm Thượng Mộ
Công, Lạc Trung, Đồng Nối, Đồng Vỡ, Cầu Gẫy, Hang Hùm, Đá Cổng, Bãi
Soi, Khe Ngát, đồi cà phê.

16


Ngày 26-9-1966, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 184/CP, đặt
xã Thượng Yên Công, xã Phương Đông và thôn Chạp Khê huyện Yên Hưng
thuộc thị xã Uông Bí. Ngày 28-9-1966, Bộ Nội vụ ra Quyết định số 308/NV,
phê chuẩn thành lập xã Nam Khê thuộc thị xã Uông Bí, gồm có các thôn: Chạp

Khê, Đồng Mương, Nam Khê, Trần Phú.
Ngày 18-3-1969, Bộ Nội vụ ra Quyết định 142/NV: Thành lập thị trấn Vàng
Danh (gồm khu mỏ Vàng Danh và hai thôn Uông Thượng và Miếu Thán của xã
Thượng Yên Công cắt sang), trực thuộc thị xã Uông Bí. Thành lập xã Phương Nam
(gồm các HTX khai hoang ven sông Đá Bạc có sáu thôn: Hiệp An, Phong Thái,
Hồng Hải, Hiệp Thanh, Hiệp Thái và Phương Hải) thuộc thị xã Uông Bí.
Ngày 10/9/1981, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Quyết định số 63
HĐBT, giải thể thị trấn Vàng Danh, thành lập phường Vàng Danh; giải thể xã Đồng
Tiến để sáp nhập vào phường Bắc Sơn và phường Quang Trung. Ngày 25-8-1999,
Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 83/CP, thành lập phường Yên Thanh trên cơ
sở tách một phần của xã Phương Đông và một phần phường Thanh Sơn. Giải thể xã
Nam Khê, thành lập phường Nam Khê thuộc thị xã Uông Bí.
Ngày 25-2-2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP thành
lập thành phố Uông Bí thuộc tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở toàn bộ diện tích tự
nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Uông Bí.
Ngày 28-11-2013, Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 2306/QĐ-TTg
về việc công nhận thành phố Uông Bí thuộc tỉnh Quảng Ninh là đô thị loại II.
Thành phố Uông Bí được công nhận là đô thị loại II là sự kiện chính trị trọng
đại, bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của vùng
đất Uông Bí và của tỉnh Quảng Ninh, là niềm tự hào, động viên khích lệ
cán bộ, đảng viên, nhân dân thành phố tập trung nguồn lực xây dựng thành
phố Uông Bí giàu đẹp, văn minh, xứng tầm là đô thị trung tâm miền Tây của
tỉnh Quảng Ninh, góp phần đưa tỉnh Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh công
nghiệp vào năm 2015.

17


Hình 1.1: Bản đồ hành chính thành phố Uông Bí


18


×