Thu hái và xử lý mẫu vật
1. Thu thập các số liệu tại thực địa
1.1. Xác định địa điểm và tuyến thu mẫu
Để thu mẫu một cách đầy đủ và đại diện cho một khu nghiên cứu, chúng ta không thể đi hết các điểm
trong khu nghiên cứu, vì thế việc chọn tuyến và địa điểm thu mẫu là hết sức cần thiết.
Dựa vào bản đồ hiện trạng và đặc điểm địa hình, thiết lập các tuyến thu mẫu sao cho tuyến đường đi
phải xuyên qua các môi trường sống của khu nghiên cứu, nghĩa là các tuyến đó cắt ngang các vùng
đại diện cho khu nghiên cứu. Từ tuyến chính, các tuyến phụ theo kiểu xương cá được mở về hai phía
và đi qua các quần xã khác nhau. Trung bình 1,5 km chiều dài của tuyến chính lại có 2 tuyến phụ
được mở ra. Trên mỗi tuyến, tiến hành điều tra tất cả các loài thực vật bậc cao có mạch nằm ở phạm
vi 10m mỗi bên.
Trên các tuyến thu mẫu nói trên, chọn những điểm chốt, tức là những điểm đặc trưng nhất để đặt các
ô tiêu chuẩn. Sau khi xác định vị trí ô tiêu chuẩn, dùng dây nylon có màu để định vị các ô. Trong mỗi
ô tiêu chuẩn có kích thước 50m x 40m (0,2 ha), tiến hành điều tra tất cả các loài thực vật bậc cao có
mạch nằm trong phạm vi của ô.
1.2. Phương pháp thu mẫu
Để thu mẫu, hiện nay, nên dùng túi polyetylen để đựng mẫu mà không dùng cặp gỗ dán như trước
đây vì vừa cồng kềnh, vừa khó bảo quản, cần có sổ ghi chép riêng, dây buộc, kéo cắt cành, nhãn, kim
chỉ, bút chì (2B), cồn, giấy báo.
Nguyên tắc thu mẫu:
– Mỗi mẫu phải có đầy đủ các bộ phận, nhất là: cành, lá, hoa và cả quả càng tốt (đối với cây lớn) hay
cả cây đối với cây thân thảo.
– Mỗi cây thu từ 3 – 5 mẫu còn mẫu cây thân thảo thì tìm các mẫu giống nhau và cũng thu với số
lượng trên để vừa nghiên cứu các biến dạng của loài, vừa để trao đổi.
– Các mẫu thu trên cùng một cây thì cùng đánh một số hiệu mẫu. Có hai cách đánh số phổ biến hiện
nay: đánh từ 1 trở đi kể từ khi thu mẫu đầu tiên cho đến hết sự nghiệp làm nghiên cứu khoa học hoặc
đánh số theo năm tháng không phụ thuộc vào các đợt thu mẫu trước đó. Ví dụ: đợt nghiên cứu vào
tháng 11 năm 2006, đánh số 0611 là gốc và sau đó lần lượt ghi tiếp từ số 1 trở đi. Cách này tiện lợi là
không cần phải nhớ số trước đó mà thu đợt nào đánh số đợt đó và qua số đó có thể nhận biết được
thời gian thu mẫu.
– Khi thu phải ghi chép ngay những đặc điểm dễ nhận biết ngoài thiên nhiên như đặc điểm vỏ cây,
kích thước cây, nhất là các đặc điểm dễ mất sau khi khô như màu sắc của hoa, quả, mùi vị,…
– Thu và ghi chép xong cho vào túi polyetylen to mang về nhà mới làm mẫu. Việc cho vào túi
polyetylen có lợi là gọn nhẹ, không bị va quệt khi băng qua rừng, mẫu giữ tươi lâu kể cả khi trời nắng
to. Cần chú ý là khi cho mẫu vào túi phải nhẹ nhàng, nếu có hoa thì dùng lá của mẫu để bọc trước khi
cho vào túi. Có thể dùng túi nhỏ và mỏng đựng riêng từng loài và buộc chặt tất cả các túi nhỏ đó cho
vào túi to.
2. Xử lý và bảo quản mẫu
Hàng ngày, các mẫu thu cần được đeo nhãn ngay. Trên mỗi nhãn cần ghi chép:
– Số hiệu mẫu.
– Địa điểm và nơi lấy (tỉnh, huyện, xã, mọc ven suối, thung lũng, sườn hay đỉnh núi hoặc đồi,…).
– Ngày lấy mẫu.
– Đặc điểm quan trọng: cây gỗ hay dây leo, độ cao, màu sắc lá, hoa, quả, lông, gai, mùi vị,…
– Người lấy mẫu.
Khi ghi phải dùng bút chì mềm, tuyệt đối không dùng bút bi, bút mực để tránh bị mất khi ngâm tẩm
về sau.
Sau khi đã đeo nhãn, các mẫu cần được xử lý. Sử dụng hai phương pháp xử lý mẫu sau:
2.1. Xử lý khô
Mỗi mẫu được đặt gọn trong một tờ báo gập lại, vuốt ngay ngắn nhưng chú ý trên mỗi mẫu phải có có
lá sấp, lá ngửa để có thể quan sát dễ dàng cả hai mặt lá mà không phải lật mẫu. Đối với hoa, dùng
các mảnh báo nhỏ để ngăn cách nó với hoa hay lá bên cạnh, phòng khi sấy dễ bị dính vào các bộ phận
bên cạnh. Sau đó xếp chồng các mẫu lên nhau, sau 5-10 mẫu đặt một tấm nhôm lượn sóng để tăng
độ thoáng khí, giữ nhiệt tốt và dùng đôi cặp ô vuông (mắt cáo) để ốp ngoài rồi ép chặt mẫu và bó lại,
mỗi cặp mẫu khoảng 15-20 mẫu. Các bó mẫu được đem phơi nắng hoặc sấy. Hàng ngày phải thay
giấy báo mới để mẫu chóng khô và không bị ẩm, không làm cho mẫu bị nát.
2.2. Xử lý ướt
Khi không có thời gian và điều kiện làm mẫu ngay trong ngày, sau khi đã xử lý mẫu xong, không dùng
cặp mắt cáo để ép mẫu hoặc chỉ ép trong một thời gian ngắn sao cho chúng đủ thời gian ổn định vị trí
và sau đó bỏ cặp, dùng giấy báo bọc ngoài rồi bó chặt lại và cho các bó mẫu đó vào túi polyetylen cỡ
lớn. Mỗi túi lớn có thể chứa nhiều bó mẫu. Dùng cồn đổ cho thấm ướt các tờ báo và buộc chặt lại để
chuyển về nơi có điều kiện sấy khô.
2.3. Trình bày mẫu
2.3.1. Nhãn mẫu
Nhãn là ghi lại một cách ngắn gọn hồ sơ của mẫu để làm cơ sở cho các nhà nghiên cứu phân loại, sinh
thái, địa lý thực vật, sinh hóa phân loại, di truyền phân loại… trong quá trình nghiên cứu. Một công
trình đầy đủ, chính xác và nghiêm túc về sinh học như trên đã nói phải thông báo đầy đủ những thông
tin được ghi trong nhãn. Đây là một bộ phận quan trọng của mẫu lưu giữ vĩnh viễn nó có giá trị như
các tập hồ sơ của các phòng tổ chức.
Nhãn thường có hình chữ nhật kích thước khoảng 7 x 10 cm giấy trắng dai, viết bằng tay hay đánh
máy thường được in sẵn và dán ở góc dưới, bên phải:
•
•
•
•
•
•
•
Số hiệu mẫu (No):
Tên phổ thông (Common name):
Tên Khoa học (Scientific name):
Tên họ (Family name):
Người thu mẫu (Leg. = Legit):
Ngày thu mẫu:
Địa điểm thu mẫu:
Ngoài ra một số nhãn khác thường bé hơn độ 3 x 10cm được dán kèm theo ở phía trên hay bên cạnh
ghi những thay đổi do các chuyên gia viết về sau, khi kiểm tra mẫu, có thể sửa đổi tên khoa học cho
cập nhật hoặc thay lại tên khoa học cũ bằng một tên mới sau khi kiểm tra lại đã có sẵn trong đó ghi
cả họ và tên người kiểm tra và ngày kiểm tra. Nếu mẫu đã có tên đúng thì chuyên gia kiểm tra cần
dán thêm một nhãn con ghi đủ tên và ngày tháng và ở giữa ghi dấu “!” để khẳng định tên trong mẫu
là đúng. Trên bìa mẫu cũng có những nhãn chỉ ra người đã lấy hạt phấn hay các bộ phận khác để
nghiên cứu tế bào hay sinh hóa.
2.3.2. Trình bày mẫu
Trình bày mẫu là một quá trình gắn mẫu và nhãn vào tờ bìa. Hầu hết các bìa mẫu của các nước Bắc
Mỹ có kích thước 29 x 41cm. Ở Việt Nam thường dùng kích thước 28 x 42 cm. Bìa mẫu là những giấy
Crôki (Croquis) dày, đanh và cứng. Chất lượng giấy tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Đối với phòng
mẫu cây khô giấy cần 100% chất xơ để đảm bảo độ cứng, còn để học tập chất lượng giấy thấp hơn.
Giấy cần phải cứng khó gấp để đỡ hỏng mẫu nhất là khi chuyền tay nhau.
Để đính mẫu vào bìa mẫu có nhiều cách khác nhau. Ở Việt Nam theo truyền thống dùng chỉ để khâu
các bộ phận đính chặt lên bìa mẫu. Vì điều kiện độ ẩm cao nếu dùng các băng dính để dán thì dễ bị
bong ra.
Khi khâu chú ý theo các đường thẳng, ngắn nhất từ trên xuống dưới. Mục đích để dán chặt các đường
chỉ ở mặt lưng bìa vào bìa một cách dễ dàng nhất. Hiện nay các mẫu được đính vào bìa mẫu là vừa
dùng chỉ khâu những nơi cứng và vừa dùng súng bắn nhựa để dán những phần mềm hơn và ở phía
sau. Việc dán mối chỉ phía sau nhằm mục đích khi chồng các mẫu lên nhau không bị vướng làm hỏng
mẫu phía dưới. Ở các nước thường dùng các băng dính hoặc các hồ dán như: Swiffs Z – 5032, Elmen’s
glue – all, Nicobon B hoặc Wihold 128. Nhựa 35 – 6262 được dùng để dán các lá cứng. Các phần dễ
rơi thường đựng vào các túi hoặc dán kết hợp với khâu vào bìa mẫu.