ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRUNG TÂM ĐÀO TẠO, BỒI DƢỠNG GIẢNG VIÊN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
---------- ---------
LUẬN VĂN THẠC SĨ
Đề tài:
Tƣ tƣởng chính trị trong tác phẩm Luận Ngữ của Khổng Tử
Chuyên ngành: Triết học
Mã số: 60.22.88
Người thực hiện: LÊ THỊ HẰNG
Người hướng dẫn: PGS.TS TRẦN NGUYÊN VIỆT
HÀ NỘI - 2011
MỞ ĐẦU
1. Lý do chon đề tài
Học thuyết Nho gia do Khổng Tử (551 - 479 TCN) sáng lập chiếm ngôi vị
chủ đạo trong nền văn hoá lâu đời ở Trung Quốc, trở thành vũ khí trị quốc sắc
bén của đa số các nhà chấp chính Trung Quốc trong suốt thời kỳ phong kiến.
Trong những năm trở lại đây, tác dụng của tư tưởng Khổng Tử đã bắt đầu gây sự
quan tâm chú ý của thế giới trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt
trước sự phát triển mạnh mẽ của một số nước Phương Đông, nhiều nhà nghiên
cứu khoa học xã hội muốn tìm hiểu nguyên nhân nào dẫn tới sự xuất hiện các
con rồng châu Á, và họ đã nhận ra rằng, những quốc gia này dù chế độ xã hội có
khác nhau, nhưng đều có một điểm chung, đó là coi trọng tư tưởng Nho giáo, mà
Khổng Tử là đại biểu cho tư tưởng đó.
Nho giáo ra đời vào thế kỷ thứ 6 – 5 TCN ở Trung Quốc và được truyền bá
vào Việt Nam từ thời kỳ Bắc thuộc. Sự du nhập của Nho giáo vào Việt Nam là
một quá trình lâu dài và phức tạp, bằng nhiều con đường khác nhau, song, về cơ
bản, “đi theo vó ngựa quân xâm lược”, trở thành học thuyết phục vụ trực tiếp cho
chính sách cai trị thuộc địa của nhà Hán. Xét theo phương diện đó, người Việt từ
chỗ chống đối quyết liệt bởi những qui định chặt chẽ của Nho giáo trong lĩnh
vực quản lý xã hội, nhưng về sau đã dần tiếp nhận những yếu tố thích hợp của nó
để làm giàu thêm nền văn hoá của dân tộc, đồng thời biến nó thành vũ khí sắc
bén chống ngoại xâm. Các triều đại phong kiến Việt Nam từ thời Lê Sơ đã coi
Nho giáo như một thứ bệ đỡ cho hệ tư tưởng chính thống để quản lý xã hội.
Khổng Tử không chỉ được coi là người sáng lập ra học thuyết này, mà còn là
“chí thánh tiên sư”, “vạn thế sư biểu” cho nền giáo dục Nho học, một học thuyết
2
về “tu kỷ trị nhân”, trị quốc cho nhiều nước đồng văn Trung Hoa, trong đó có
Việt Nam mà quan điểm giáo dục của ông từ xưa đến nay vẫn còn nhiều điểm
cần quan tâm kế thừa cho sự nghiệp giáo dục nước ta hiện nay.
Trong thời đại hiện nay, làn sóng toàn cầu hoá, nhất là toàn cầu hoá về kinh
tế đang diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ trên toàn thế giới, đã tạo ra môi trường
để các nước tăng cường hợp tác và phát triển. Những thuận lợi và khó khăn, lợi
thế và bất lợi do toàn cầu hoá đặt ra là rất khác biệt ở từng nước, từng khu vực,
tạo nên những màu sắc khác nhau trong sự phát triển. Nguyên nhân sâu xa nhất,
căn bản nhất cho sự khác nhau đó chính là đường lối chính trị của từng quốc gia
và các tổ chức quốc tế. Ở quốc gia nào cũng vậy, chính trị tác động vào đời sống
thông qua các hoạt động của bộ máy Nhà nước, của các tổ chức chính trị - xã
hội. Chính trị đúng đắn là động lực cho sự phát triển. Ngược lại, chính trị lạc
hậu, bảo thủ sẽ cản trở bước tiến của quốc gia, thậm chí ảnh hưởng không ít đến
phạm vi toàn thế giới.
Thực tế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế đang đòi hỏi hoạt động chính trị
phải hướng tới những giá trị phổ biến toàn nhân loại nhằm thúc đẩy sự phát triển
toàn diện, ổn định, hướng tới tương lai của từng quốc gia. Chính vì vậy, trong
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ: “Tích cực,
chủ động hội nhập kinh tế quốc tế phải gắn với chú trọng xây dựng nền kinh tế
độc lập, tự chủ, giữ vững truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc. Mở rộng, phát
huy dân chủ phải gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương và ý thức trách nhiệm
của mỗi công dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cả cộng đồng” [66]. Để giữ
vững truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc, không thể không kế thừa những
giá trị tích cực của quá khứ trong lĩnh vực chính trị mà Nho giáo đã có những
đóng góp không nhỏ vào đó.
3
Trước những lý do nêu trên, chúng tôi quyết định chọn đề tài: “Tư tưởng
chính trị trong tác phẩm Luận Ngữ của Khổng Tử” làm đề tài luận văn tốt nghiệp
với hy vọng góp phần làm rõ ý thức và hành vi chính trị trong tư tưởng Khổng
Tử, từ đó làm rõ giá trị của nó đối với sự hình thành ý thức chính trị của người
Việt Nam hiện nay.
2. Tình hình nghiên cứu của đề tài
Nho giáo đã du nhập và phát triển ở Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử,
nó đã trở thành hệ tư tưởng của giai cấp thống trị Việt Nam, là công cụ quan
trọng trong việc cai trị, quản lý xã hội của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam.
Vì vậy, việc nghiên cứu Nho giáo nói chung, tư tưởng của Khổng Tử nói riêng là
một vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều tác giả trong nước và ngoài nước.
Nhìn chung, có thể phân định việc nghiên cứu Nho giáo nói chung và tư tưởng
chính trị của Khổng Tử nói riêng thành một số nhóm vấn đề sau đây:
- Nhóm thứ nhất đi sâu luận giải nguồn gốc, nội dung và những đặc điểm
khác nhau của Nho giáo nói chung, tư tưởng của Khổng Tử nói riêng để thấy
được ảnh hưởng của nó đối với xã hội và con người Việt Nam. Tiêu biểu cho
hướng nghiên cứu này phải kể đến các công trình nghiên cứu như “Nho giáo”
của Trần Trọng Kim, “Khổng học đăng” của Phan Bội Châu, v.v. Qua lăng kính
của nhà nho các tác giả đều nhận thấy Nho giáo không chỉ là một học thuyết
chính trị - xã hội, mà còn là học thuyết đạo đức, học thuyết triết học. Các ông
đặc biệt đề cao những nhân tố tích cực của Nho giáo trong việc xây dựng và phát
triển đạo đức của con người, xã hội; coi việc tu dưỡng bản thân là nguồn gốc của
tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, v.v…
Trong cuốn “Bàn về đạo Nho”, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Viện đã chỉ ra
mặt tích cực cũng như mặt tiêu cực của Nho giáo. Khi đánh giá về mặt tích cực,
4
ông đã cho rằng: “Đạo Nho đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành
lòng yêu nước.” [63, tr.45]. Nói về những điều tâm đắc của mình khi nghiên cứu,
tìm hiểu Nho giáo, ông đánh giá cao tính “vừa phải” trong đạo làm người của
Nho giáo và vấn đề “xử thế” của Nho giáo.
- Nhóm thứ hai đã có quan điểm trái ngược với nhóm thứ nhất khi vạch ra
những mặt hạn chế của Nho giáo. Một số công trình như “Nho giáo xưa và nay”
của Quang Đạm, “Nho giáo tại Việt Nam” của Lê Sỹ Thắng, v.v. Mặc dù, có
những lập luận và kiến giải khác nhau, nhưng nhìn chung, các tác giả đều phê
phán những mặt khắt khe trong quan niệm của Nho giáo, đồng thời, cũng đặt vấn
đề kế thừa một số mặt tích cực của đạo đức Nho giáo. Tác giả Quang Đạm trong
cuốn Nho giáo xưa và nay cho rằng, việc vạch ra mặt hạn chế, phá hoại của Nho
giáo, theo tác giả là cần thiết, nhưng không phải là để “truy tố, bắt đền” nó, mà
để “Nhìn rõ và loại trừ tận gốc một cách khách quan và khoa học những hậu quả
cụ thể của nó trong hệ tư tưởng và trong cuộc sống xã hội chúng ta ngày nay”,
cũng không phải để “truy tặng, khen thưởng” nó, mà là để “giữ gìn và phát huy
nhằm thúc đẩy sự nghiệp chúng ta tiến lên”
- Nhóm thứ ba: Trên cơ sở đánh giá kinh nghiệm của một số nước chịu ảnh
hưởng của Nho giáo nhưng vẫn đạt được một số kết quả khả quan về tốc độ phát
triển kinh tế và ổn định xã hội do biết phát huy những yếu tố tích cực của Nho
giáo, xuất phát từ thực tiễn đổi mới đất nước hiện nay đòi hỏi chúng ta phải giữ
gìn và phát huy những truyền thống văn hoá của dân tộc, nhiều nhà nghiên cứu
đã đi sâu tìm hiểu về Nho giáo ở Việt Nam, nêu rõ ảnh hưởng của nó trong các
lĩnh vực chính trị - xã hội, hệ tư tưởng, văn hoá, đạo đức, giáo dục - khoa cử...
Liên quan đến vấn đề này có: Tác giả Nguyễn Đăng Duy với “Nho giáo với văn
hoá Việt Nam”, Vũ Khiêu với “Nho giáo và sự phát triển ở Việt Nam”, Nguyễn
5
Tài Thư với “Nho học và Nho học ở Việt Nam”, v.v. Các tác phẩm nêu trên, bên
cạnh việc phê phán những ảnh hưởng tiêu cực của Nho giáo nói chung và tư
tưởng của Khổng Tử nói riêng, nhiều tác giả còn đặt ra vấn đề kế thừa và phát
triển những giá trị tích cực của nó nhằm khắc phục những mặt tiêu cực, góp phần
xây dựng và phát triển đất nước ta trong giai đoạn hiện nay hiện nay.
- Nhóm thứ tư là các công trình nghiên cứu về một vài khía cạnh của Nho
giáo ảnh hưởng của nó ở Việt Nam như luận án Vấn đề con người trong Nho
học sơ kỳ của Nguyễn Tài Thư; luận án Ảnh hưởng của Nho giáo đối với chủ
nghĩa yêu nước Việt Nam truyền thống của Trần Thị Hồng Thuý.v.v… Hay
các bài viết được đăng tải ở các tạp chí chuyên ngành như: tạp chí Cộng sản, tạp
chí Nghiên cứu lý luận, tạp chí Triết học v.v. viết về các vấn đề: Đạo của người
quân tử trong Khổng học của Nguyễn Đăng Dung, Bùi Ngọc Sơn, Tạp chí
nghiên cứu Trung quốc, số 6, 2002; Quân tử qua Tứ thư của Trần Thị Hồng
Thuý, Tạp chí triết học, số 3, 1992; Quan niệm của Nho giáo về xã hội lí tưởng
của Nguyễn Thanh Bình, Tạp chí Triết học số 3, 2001, v.v. Luận án tiến sĩ của
Nguyễn Thanh Bình với đề tài Học thuyết chính trị xã hội của Nho giáo và sự
thể hiện của nó ở Việt Nam (từ thế kỷ XI đến nửa đầu thế kỷ XIX) đã phân tích
Nho giáo với tính cách là học thuyết chính trị - xã hội. Tác giả đã bàn đến
những vấn đề của Nho giáo dưới góc độ chính trị - xã hội. Từ đó đề cập đến
sự thể hiện của các tư tưởng ấy dưới chế độ phong kiến ở Việt Nam.
Bài viết Một số quan điểm chính trị Khổng học với sự phát triển ở Việt
Nam của tác giả Bùi Thanh Quất và Phan Chí Thành đăng trên tạp chí Triết
học, số 1, 2000 đã chỉ ra một số quan niệm chính trị về tổ chức đời sống chính
trị, về phẩm chất của quan chức nhà nhà nước, về phẩm chất cá nhân trong tư
6
tưởng của Khổng Tử. Từ đó thấy được giá trị của những tư tưởng ấy trong đời
sống chính trị của người Việt Nam hiện nay.
Trong bài viết Khổng Tử và Hồ Chí Minh những tương đồng và khác biệt,
tác giả Trần Ngọc Ánh đã so sánh quan điểm đạo đức của Khổng Tử và Hồ Chí
Minh ở một số vấn đề cụ thể. Theo tác giả, tư tưởng đạo đức do Khổng Tử sáng
lập là một trong những nguồn gốc của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh và do đó,
những tương đồng trong tư tưởng đạo đức giữa Khổng Tử và Hồ Chí Minh là tất
yếu. Song, do thời đại lịch sử và vai trò lịch sử khác nhau, việc tồn tại những
khác biệt trong tư tưởng đạo đức giữa Khổng Tử và Hồ Chí Minh là điều đương
nhiên.
Nghiên cứu tư tưởng của Khổng Tử nói chung, tư tưởng chính trị của
Khổng Tử nói riêng là một vấn đề được các nhà nghiên cứu quan tâm. Trong các
công trình nghiên cứu ở Việt Nam về vấn đề này, phải kể đến các tác giả
Nguyễn Tài Thư, Nguyễn Hiến Lê, Phạm Văn Khoái, Nguyễn Thanh Bình, v.v.
Mặc dù vậy, việc nghiên cứu tư tưởng chính trị của Khổng Tử chỉ dừng lại ở các
bài báo đăng trên các tạp chí, hay được nghiên cứu trong tổng thể học thuyết
chính trị - xã hội của Nho giáo, trong tổng thể tư tưởng của một số nhà Nho tiêu
biểu ở Trung Quốc và Việt Nam, cho nên trong những công trình này, các tác
giả cũng mới chỉ ra những nét khái quát nhất trong tư tưởng chính trị của Khổng
Tử và những đặc trưng cơ bản của tư tưởng đức trị.
Vấn đề tư tưởng của Khổng Tử trong Luận ngữ cũng đã thu hút được một số
tác giả quan tâm đề cập đến, nhưng mới chỉ dừng ở một vài khía cạnh, góc độ
đơn lẻ được đăng tải trên các bài báo, các tạp chí chuyên ngành như: Nhân, nhân
nghĩa, nhân chính trong “Luận ngữ” và “Mạnh Tử” của Hoàng Thị Bình đăng
trên tạp chí triết học, số 8, 2001, bài viết trình bày nội dung của hai phạm trù cơ
bản của học thuyết Khổng Mạnh là Nhân và Nhân nghĩa, đồng thời, chỉ ra sự
7
biểu hiện nội dung của hai phạm trù đó trong đường lối Nhân chính của học
thuyết ấy. Tác giả đã đánh giá tư tưởng Khổng – Mạnh qua quan điểm của các
ông về trách nhiệm của nhà cầm quyền đối với dân, ở đó thể hiện tính nhân bản
trong học thuyết chính trị của hai ông. Tác giả còn đưa ra nhận định rằng, “dân
tộc Việt Nam đã phát triển tư tưởng Nhân chính và thực hiện nó một cách sáng
tạo, triệt để hơn”.
Bài Góp phần tìm hiểu tư tưởng giáo dục của Khổng Tử trong Luận Ngữ của
tác giả Cung Thị Ngọc, đăng trên tạp chí Giáo dục lý luận số 7, 2005, đã tập
trung trình bày những nội dung cơ bản trong tư tưởng giáo dục của Khổng Tử.
Từ đó tác giả cũng đưa ra nhận xét, tư tưởng giáo dục của Khổng Tử bên cạnh
những nét khiếm khuyết còn hàm chứa những giá trị mà chúng ta có thể tiếp tục
khai thác.
Bài “Nhân” trong Luận Ngữ của Khổng Tử của Lê Ngọc Anh, đăng trên tạp
chí Triết học số 11, 2004, trình bày những quan điểm cơ bản của của Khổng Tử
về phạm trù “Nhân”, và khẳng định: đạo nhân chính là đạo làm người của con
người. Xuất phát từ cơ sở đó tác giả đánh giá: ngày nay, chế độ xã hội đã khác
trước, con người ngày nay cần một thứ nhân đạo chủ nghĩa phù hợp với thời đại
mình. Nhưng không phải vì vậy mà tư tưởng "Nhân" của Khổng Tử không còn
có ý nghĩa.
Bài viết Quân tử và tiểu nhân trong Luận Ngữ của tác giả Trần Đình Thảo
đăng trên tạp chí Triết học số 8, 2009, trình bày và phân tích quan niệm của
Khổng Tử về quân tử và tiểu nhân trong Luận ngữ. Tác giả chỉ ra ba điểm khác
nhau cơ bản giữa hai loại người này: một là, trên phương diện làm theo đạo
“Trung dung”; hai là, trên phương diện nhận thức về nghĩa và lợi; và ba là, trên
8
phương diện thực hành đạo đức. Từ đó, bài viết nêu ý nghĩa của việc so sánh hai
loại người này và mục đích giáo dục – đào tạo mẫu người quân tử của Nho giáo.
Bài viết Mẫu người quân tử - con người toàn thiện trong “Luận Ngữ” của
Nguyễn Thị Kim Chung đăng trên tạp chí Triết học, số 9, 2003 đã chỉ ra đặc
trưng cơ bản của mẫu người quân tử mà Khổng Tử thể hiện trong Luận Ngữ, đó
là “sự chiến thắng của con người đối với chính bản thân mình, vượt lên trên
mình, là sự phục hồi lễ, khôi phục thiện nhân khởi thuỷ. Con đường giải thoát đó
phải do chính người quân tử thực hiện thông qua sự tự hoàn thiện mà phương
pháp và mục tiêu của sự tự hoàn thiện đó đã được thánh nhân vạch ra. Con người
toàn thiện là người có phẩm chất đạo đức phù hợp với những chuẩn mực đạo đức
Nho giáo, trong đó nhân tính được đặt lên hàng đầu. Quân tử là mắt khâu liên kết
giữa thánh nhân và người thường, là sợi chỉ nối quá khứ với hiện tại”.
Một số công trình nghiên cứu tác phẩm Luận ngữ trên cơ sở vận dụng những
nội dung cơ bản của nó vào vấn đề ứng xử trong cuộc sống như: Luận ngữ với
cuộc sống hiện đại của Nguyễn Bá Thính do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn
hành năm 2009. Đây là công trình sưu tầm và biên soạn Luận ngữ theo các nội
dung: tam tài, quân tử, giao hữu, xử thế, tâm linh, lý tưởng và nhân sinh. Trên cơ
sở tư tưởng của Khổng Tử, tác giả giải thích các nội dung trên và vận dụng nó
vào trong cuộc sống hiện đại. Hay cuốn Luận ngữ với người quân tử thời hiện
đại của Trần Tiến Khôi được Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa xuất bản năm
2008: Quyển sách gồm 4 chương: Chương 1: Luận ngữ - Tác giả và tác phẩm:
Trong chương này ngoài việc khái quát về đời tư, vai trò của Khổng Tử đối với
Nho giáo, giới thiệu về Luận ngữ, tác giả còn tìm hiểu sự nghiệp dạy học của
Khổng Tử, nhất là phương pháp giáo dục của Khổng Tử; Chương 2: Bản dịch
toàn văn Luận ngữ; Chương 3: Luận ngữ với người quân tử thời hiện đại: Tác
9
giả bàn về đặc trưng nhân cách của người quân tử dưới góc nhìn của Khổng Tử,
đồng thời luận giải đạo của người quân tử có cái gốc ở sự hoà hợp xã hội. Trên
cơ sở đó, tác giả khẳng định người quân tử thời hiện đại cần học tập 13 phẩm
chất được rút ra từ Luận ngữ. Cuối cùng tác giả khái quát việc vận dụng thành
công Nho giáo ở Hàn Quốc chung quanh việc giáo dục con người để tiến lên xây
dựng một xã hội phát triển bền vững. Chương 4: Châm ngôn Luận ngữ: Tác giả
chọn ra 104 câu theo từng thiên để giới thiệu.
Nhìn chung, vấn đề nghiên cứu tư tưởng của Khổng Tử nói chung, tư tưởng
chính trị của Khổng Tử nói riêng, từ trước tới nay đã được nhiều tác giả quan
tâm. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có công trình chuyên biệt nào đề cập đến tư
tưởng chính trị của Khổng Tử trong tác phẩm Luận ngữ. Tiếp tục hướng nghiên
cứu tư tưởng chính trị của Khổng Tử, từ góc độ nghiên cứu triết học, chúng tôi
nhận thấy rằng, cần phải nghiên cứu, làm rõ thêm quan niệm của Khổng Tử về ý
thức chính trị và mối liên hệ mật thiết của nó tới hành vi chính trị, để từ đó làm
rõ những giá trị và hạn chế của nó đối với việc hình thành ý thức chính trị của
con người Việt Nam hiện nay.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
* Mục đích nghiên cứu đề tài
Phân tích, hệ thống hóa một số tư tưởng chính trị cơ bản của Khổng Tử
trong tác phẩm Luận Ngữ, từ đó rút ra ý nghĩa của nó đối với sự hình thành ý
thức chính trị của con người Việt Nam hiện nay.
* Nhiệm vụ nghiên cứu đề tài
Để thực hiện mục đích nêu trên, luận văn có các nhiệm vụ đi sau đây :
- Trình bày khái quát sự ra đời tác phẩm Luận Ngữ và những nội dung cơ bản
của nó.
10
- Làm rõ một số tư tưởng chính trị cơ bản trong tác phẩm Luận Ngữ của
Khổng Tử, đặc biệt là ý thức chính trị và hành vi chính trị của người quân tử với
tư cách chủ thể chính trị.
- Bước đầu đưa ra sự đánh giá tư tưởng chính trị của Khổng Tử và chỉ ra một
số ảnh hưởng của nó đối với sự hình thành ý thức chính trị của con người Việt
Nam hiện nay.
4. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu của đề tài
* Đối tượng nghiên cứu
Tư tưởng chính trị của Khổng Tử.
* Phạm vi nghiên cứu
Luận văn tập trung nghiên cứu một số tư tưởng chính trị cơ bản trong tác
phẩm Luận Ngữ của Khổng Tử và các công trình nghiên cứu của các học giả
trong và ngoài nước về tư tưởng chính trị của Khổng Tử.
5. Cơ sở lý luận, nguồn tài liệu và phƣơng pháp nghiên cứu của đề tài
* Cơ sở lý luận
Luận văn dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, quan điểm đường lối của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
* Nguồn tài liệu
Tác phẩm Luận Ngữ của Khổng Tử và một số tác phẩm kinh điển Nho giáo,
chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, văn kiện của Đảng Cộng Sản
Việt Nam và những tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài
nước có liên quan đến nội dung đề tài.
* Phương pháp nghiên cứu
11
Luận văn sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và
chủ nghĩa duy vật lịch sử, phương pháp logic và lịch sử, phân tích tổng hợp, so
sánh và đối chiếu.
6. Đóng góp của luận văn
* Về mặt lý luận
Luận văn nghiên cứu tư tưởng chính trị của Khổng Tử trong tác phẩm Luận
Ngữ nhằm làm rõ nguyên nhân ra đời, diễn biến và ảnh hưởng của nó trong lịch
sử cũng như hiện tại.
* Về mặt thực tiễn
Luận văn thực hiện được mục đích nêu trên góp phần vào việc làm rõ nội
dung tư tưởng chính trị của Khổng Tử. Kết quả của luận văn có thể dùng làm tài
liệu tham khảo cho việc nghiên cứu chuyên sâu tư tưởng của Khổng Tử nói
riêng, của Nho giáo nói chung, đồng thời thông qua việc đánh giá những mặt tích
cực và hạn chế của tư tưởng chính trị Khổng Tử để rút ra bài học và góp phần
định hướng đúng đắn cho sự hình thành tư tưởng chính trị của con người Việt
Nam hiện nay.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm 2
chương 8 tiết.
12
NỘI DUNG
Chƣơng 1.
NHỮNG TIỀN ĐỀ CƠ BẢN CHO SỰ RA ĐỜI TƢ TƢỞNG CHÍNH TRỊ
CỦA KHỔNG TỬ TRONG TÁC PHẨM LUẬN NGỮ
1.1 Vài nét về thời đại và những tiền đề cơ bản cho sự ra đời tƣ tƣởng
chính trị của Khổng Tử.
1.1.1 Bối cảnh lịch sử Trung Quốc thời Khổng Tử
Tư tưởng của Khổng Tử ra đời ở Trung Quốc vào thời Xuân Thu – Chiến
Quốc (770 – 221 TCN). Đây là thời kỳ suy tàn của chế độ chiếm hữu nô lệ để
bước vào chế độ phong kiến với một số đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, nền kinh tế Trung Quốc đang có sự chuyển biến mạnh mẽ từ
thời đại đồ đồng sang thời đại đồ sắt với sự ra đời của nhiều công cụ lao động
mới. Ở thời Xuân Thu công cụ lao động bằng sắt đã bắt đầu xuất hiện và đặc biệt
đến thời Chiến Quốc nó được sử dụng rộng rãi. Sự thay đổi của công cụ lao động
đã dẫn đến những chuyển biến mạnh mẽ về đời sống kinh tế, chính trị - xã hội.
Thứ hai, chế độ chiếm hữu tư nhân về ruộng đất là cơ sở cho sự ra đời các
giai cấp và tầng lớp mới trong xã hội. Mâu thuẫn giữa các giai cấp ngày càng
gay gắt đó là: mâu thuẫn giữa tầng lớp quý tộc nhà Chu và giai cấp địa chủ mới
với nông dân, nông nô (những người này có nhu cầu được giải phóng khỏi áp
bức); mâu thuẫn giữa quý tộc cũ muốn duy trì chế độ với một bộ phận quý tộc
mới; mâu thuẫn giữa quý tộc mới với quý tộc mới nhằm tiêu diệt lẫn nhau để
thiết lập quyền thống trị. Về mặt xã hội, mâu thuẫn gay gắt nhất là mâu thuẫn
giữa thiên tử và các nước chư hầu. Nếu ở đầu thời nhà Chu (Tây Chu), thiên tử
có quyền uy tối cao, mọi việc đều do thiên tử đề xuất, quyết định thì đến thời
13
Xuân Thu – Chiến Quốc, thiên tử nhà Chu không còn giữ vai trò tối cao như
trước đây, mà giờ đây nền chính trị do các nước làm bá chủ chi phối. Mâu thuẫn
gay gắt trong giới quý tộc đã làm cho xã hội rối ren, trật tự xã hội bị đảo lộn.
Hiện tượng tranh giành nhau về địa vị, quyền lực và đất đai đã xảy ra thường
xuyên. Khổng Tử gọi đây là thời kỳ con người sống vô đạo, quân bất quân, thần
bất thần, phụ bất phụ, tử bất tử (vua không phải đạo vua, tôi không phải đạo tôi,
cha không phải đạo cha, con không phải đạo con).
Thứ ba, chiến tranh khốc liệt kéo dài đã làm cho nhân dân sống trong đau
khổ. Trong xã hội cảnh nồi da xáo thịt, bề tôi giết vua, anh giết em, con giết cha
trở nên phổ biến. Thời Xuân Thu trải qua khoảng 242 năm thì đã xẩy ra 483 cuộc
chiến tranh, không kể 450 lần “triều sính minh hội”. Từ chỗ có tới 1800 nước
chư hầu thì nay chỉ còn 5 nước lớn (Tề, Tấn, Tống, Tần, Sở) và một số nước nhỏ
chờ bị tiêu diệt. Chiến tranh liên miên gây thảm họa chết chóc, ly tán, làm cho
đời sống nhân dân vô cùng cực khổ như sử sách đã ghi “thây chất đầy thành,
thây chết đầy đồng”. Mạnh Tử đã phải thốt lên rằng, “đánh nhau giành đất, thây
chất thành đất; đánh nhau giành thành, thây chất đầy thành”. Đó là thời đại “liệt
quốc kiêm tính” (nhiều nước đánh nhau). Theo các sử gia nhận xét thì thời kỳ
Xuân Thu – Chiến Quốc là thời kỳ lịch sử đặc biệt có một không hai trong lịch
sử Trung Quốc. Đây là thời kỳ cái mới, cái cũ đan xen, xáo trộn. Chính trong
thời kỳ lịch sử đặc biệt này đã thúc đẩy sự ra đời của nhiều tư tưởng, học thuyết.
Trong thời đại lịch sử đầy biến động và sâu sắc đó đã đặt ra những vấn đề
về triết học, chính trị - xã hội, luân lý đạo đức, kinh tế, pháp luật, quân sự, v.v.,
kích thích lòng người khiến cho các bậc tài sĩ đương thời quan tâm lý giải, để tìm
ra các phương pháp giải quyết “cứu đời, cứu người”, làm nảy sinh một loạt các
nhà tư tưởng nổi tiếng và các trường phái triết học lớn. Nhìn chung, các nhà tư
14
tưởng, các môn phái triết học đều đại diện cho các tầng lớp, giai cấp xã hội khác
nhau, vừa kế thừa tư tưởng của nhau, vừa đấu tranh với nhau hết sức quyết liệt
để giải quyết các vấn đề xã hội theo lập trường của giai cấp mình, tạo nên không
khí sôi động trong đời sống tinh thần xã hội Trung Hoa cổ đại. Nó thực sự trở
thành điểm đỉnh của toàn bộ đời sống văn hoá tinh thần Trung Hoa cổ đại, như
một mốc son chói lọi trong tư tưởng phương Đông.
Trong số các học thuyết ra đời ở thời kỳ Xuân Thu – Chiến Quốc, Nho giáo
là học thuyết chính trị - đạo đức tiêu biểu nhất, có ảnh hưởng lâu dài nhất ở
Trung Quốc do Khổng Tử (551 - 479) sáng lập. Sống trong thời kỳ loạn lạc, tận
mắt chứng kiến cảnh chiến tranh cướp bóc, Khổng Tử ôm ấp hoài bão chính trị
muốn xây dựng đất nước thái bình thịnh trị theo khuôn mẫu của vua Nghiêu, vua
Thuấn. Đó là xã hội có đạo đức, trật tự xã hội ổn định. Suốt cuộc đời mình,
Khổng Tử trăn trở tìm kiếm phương thuốc hữu hiệu để cứu chữa căn bệnh của
thời đại “lễ hoại, nhạc băng” (lễ bị huỷ hoại, nhạc đã mất). Để thực hiện được
mục tiêu này, ông đã xây dựng nên đường lối đức trị. Tư tưởng này của ông đã
được các thế hệ học trò tiếp tục kế thừa và phát triển.
1.1.2. Những tiền đề văn hoá, tư tưởng cho sự ra đời tư tưởng chính trị
của Khổng Tử.
Cũng như các tư tưởng khác, tư tưởng của Khổng Tử là một học thuyết
chính trị - đạo đức ra đời trên cơ sở hiện thực xã hội. Chính nhu cầu thực tiễn
của thời đại Xuân Thu – Chiến Quốc là nguyên nhân cơ bản nhất, trực tiếp nhất
cho sự ra đời của tư tưởng chính trị của Khổng Tử. Nếu chỉ khẳng định nguyên
nhân tồn tại xã hội là duy nhất cho sự ra đời của tư tưởng Khổng Tử thì chưa đủ.
Bản thân tư tưởng của Khổng Tử nói chung, tư tưởng chính trị của Khổng Tử nói
15
riêng, được hình thành bởi nhiều nguyên nhân khác, đó là nền tảng văn hoá, tư
tưởng chính trị, đạo đức truyền thống của Trung Quốc.
Thứ nhất, về tri thức khoa học. Ngay từ thời cổ đại, người Trung Quốc đã
phát minh ra chữ viết – một kiểu chữ tượng hình, mô phỏng các sự vật, hiện
tượng trong thế giới tự nhiên như sông, núi, mặt trăng, mặt trời, v.v., được khắc
trên xương thú, mai rùa dùng vào việc bói toán và kéo theo đó là những người
chuyên làm việc bói toán gọi là quan Thái bốc. Cuốn sách bói toán thể hiện sự
tích hợp kinh nghiệm sống hàng ngàn đời, nhưng hàm chứa không ít những yếu
tố ngẫu nhiên, thần bí là Chu Dịch được hoàn thiện vào thời nhà Chu, về sau trở
thành cuốn kinh điển của Nho gia với tên gọi là Kinh Dịch. Đây là cuốn sách
phản ánh quá trình hình thành và tiến hóa của vũ trụ, thông qua nó để thể hiện tư
tưởng triết học tự nhiên trên cơ sở lý giải mối quan hệ giữa Âm và Dương trong
chỉnh thể sơ khai là Thái cực.
Để phát triển nông nghiệp, ngoài việc xây dựng các công trình thuỷ lợi
dẫn nước vào ruộng, người ta đã biết quan sát sự vận hành của mặt trăng để tính
ra chu kì thuỷ triều lên xuống, biết làm ra lịch pháp tính ngày, giờ, tháng, năm
theo dõi thời tiết, khí hậu, mùa màng dựa vào hệ thống 10 can, 12 chi. Bên cạnh
những thành tựu về khoa học tự nhiên, Trung Quốc có một nền văn học rất
phong phú. Ngay từ đầu thời Tây Chu, Kinh Thi đã xuất hiện. Đây là tập thơ ca
và cũng là tác phẩm văn học đầu tiên của Trung Quốc với 305 bài thơ được chia
làm 3 phần là Phong, Nhã, Tụng. Là một tập thơ được sáng tác trong 5 thế kỉ,
Kinh Thi không chỉ có giá trị về văn học, mà còn là tấm gương phản ánh tình
hình xã hội Trung Quốc đương thời. Ngoài ra, tác phẩm này còn được các nhà
Nho đánh giá cao về tác dụng giáo dục tư tưởng của nó. Chính Khổng Tử đã nói:
“Sao các con chẳng chịu đọc Kinh Thi? Kinh Thi khiến cho ta hưng khởi tâm
16
hồn, dạy cho ta xem xét, dạy cho ta biết hợp quần, dạy cho ta biết oán giận chính
đáng. Gần thì biết thờ cha mẹ, xa thì biết thờ vua. Lại ghi nhớ tên gọi của nhiều
loài chim, loài thú và cây cỏ” [28, tr.623]1.
Thứ hai, về tư tưởng chính trị. Xuất phát từ quan niệm kính trời, thờ
thượng đế, tri mệnh, người với trời hợp nhất, tư tưởng chính trị thời Chu đã được
tôn giáo hoá một cách toàn diện, chủ trương của giai cấp quý tộc nhà Chu là
“nhận dân”, “hưởng dân” và “trị dân”. Thiên tử là người chịu mệnh trời nhận dân
để thống trị thiên hạ. Chính vì vậy, mọi người phải kính cẩn, sợ uy trời và tôn
trọng phép tắc của Thiên tử. Nếu kẻ làm dân mà làm loạn thì kẻ được “hưởng
dân” (thiên tử) sẽ phải dùng phép tắc để trị dân.
Thứ ba, về tư tưởng đạo đức. Thời nhà Chu lấy hai chữ Đức và Hiếu làm
nòng cốt cho tư tưởng đạo đức. Xuất phát từ quan niệm tôn giáo về trời – người
hợp nhất, người Trung Hoa thời nhà Chu cho rằng, tổ tiên mình là các vua đời
trước do có đức mà được sánh cùng Thượng đế, được nhận “Mệnh trời” mà
“hưởng nước”, “hưởng dân”, v.v., do vậy, các vua đời sau phải kế thừa và bồi
đắp nó để con cháu được hưởng phúc lâu dài. Hiếu là nhớ tổ tiên, giữ gìn khuôn
phép của tổ tiên để nhận Mệnh, hưởng dân mãi mãi.
Những tri thức phong phú kể trên là kết quả hoạt động thực tiễn lâu dài mà
người dân lao động Trung Quốc đúc kết được. Những tri thức này không những
góp phần thúc đẩy nền sản xuất xã hội phát triển mà còn là tiền đề cho sự ra đời
của các học thuyết triết học, chính trị, đạo đức và tôn giáo thời Xuân Thu –
Chiến Quốc trong đó có học thuyết chính trị của Khổng Tử.
1.2. Về thân thế sự nghiệp của Khổng Tử
1.2.1. Vài nét khái quát về tiểu sử của Khổng Tử
Từ đây trở đi, số đầu tiên trong móc vuông chỉ thứ tự tài liệu tham khảo trong Danh mục tài liệu tham khảo;
số thứ hai chỉ số trang của tài liệu đó.
1
17
Khổng Tử tên Khâu tự Trọng Ni, người làng Xương Bình, huyện Khúc
Phụ, tỉnh Sơn Đông ngày nay. Ông sinh vào mùa đông, tháng Mười năm Canh
Tuất, là năm thứ 21 đời vua Linh Vương nhà Chu, tức năm 551.TCN.
Khổng Tử thuộc dòng dõi quý tộc người nước Tống (hậu duệ của nhà Ân).
Ông tổ ba đời của ông dời sang ở nước Lỗ (Sơn Đông). Cha của Khổng Tử là
Thúc Lương Ngột, làm quan võ ở nước Lỗ. Thúc Lương Ngột lấy vợ đầu sinh
được chín người con gái không có con trai. Sau đó, lấy vợ lẽ sinh được một
người con trai tên là Mạnh Bì nhưng có tật ở chân. Về già (ngoài 60 tuổi) mới
cưới người vợ trẻ là Nhan Thị tên Trưng Tại, hai người lên núi Ni Khâu cầu đảo
để mong có con nối dõi tông đường, sau quả nhiên sinh được Khổng Tử.
Lên ba tuổi, Khổng Tử mồ côi cha, lúc nhỏ chơi với bọn trẻ ông thường
hay bày các khay để cúng và chơi trò tế lễ. Đến năm mười một tuổi từng học
Chu lễ với Lỗ Thái sư. Mười chín tuổi, Khổng Tử thành gia thất. Hai mươi tuổi,
ông đã nắm vững nhiều tri thức văn hoá và được ca ngợi là “bác học hiếu lễ”.
Năm Khổng Tử hai mươi tuổi thì người mẹ qua đời. Lúc này Khổng Tử đã từng
làm “tướng lễ” (giúp việc cúng tế lễ nghi) và theo nghề “Nho”. Sau đó giữ chức
uỷ lại coi việc gạt thóc trong kho, sau làm chức quan coi việc nuôi bò, dê để
dùng vào việc cúng tế “Thưở ấy tuy Ngài còn trẻ tuổi, nhưng đã nổi tiếng là
người giỏi, cho nên quan nước Lỗ là Trọng Tôn Cồ cho hai người con là Hà Kị
và Nam Cung Quát theo ngài học lễ” [25, tr.48]. Gần ba mươi tuổi, nhờ sự giúp
đỡ của Lỗ hầu, Khổng Tử đến Lạc ấp, kinh đô nhà Chu. Tại đây ông đã tận mắt
xem xét các tài liệu mà người xưa để lại, hiểu được những thể chế, nghi lễ nhà
Chu, điều gì chưa rõ thì hỏi han ở mọi người, hỏi lễ ở Lão Tử, hỏi nhạc ở Trành
Hoằng. Ít lâu sau, ông trở về nước Lỗ, kiến thức rộng thêm, học trò càng đông,
nhưng bản thân ông chưa được trọng dụng.
18
Năm 51 tuổi ông được vua nước Lỗ cử làm Trung Đô tể (vị quan đứng đầu
kinh thành). “Được một năm, Trung Đô rất có trật tự, kỷ luật từ trên xuống dưới,
thành một thị trấn kiểu mẫu” [33, tr.48]. Một năm sau được cử làm Tư không,
sau đó được thăng lên chức Đại tư khấu (vị quan đứng đầu nghành tư pháp). “Ở
chức vụ này trong 4 năm, ông xem lại luật lệ, đặt ra những phép tắc nhằm cứu
giúp người nghèo khó, khuyến khích dân chúng giữ lấy thuần phong mỹ tục, bày
ra một cảnh tượng thái bình: người đi đường thấy của rơi không thèm nhặt, trộm
cắp mất hẳn, hình pháp đặt ra không cần dùng tới” [28, tr.188]. Sau đó ông được
cất nhắc lên chức Nhiếp tướng sự coi việc hình in, ấn định luật lệ, phép tắc trong
nước. “Sử chép rằng: Ngài vừa cầm chính quyền được bảy ngày thì giết quan đại
phu Thiếu Chính Mão, là người xảo quyệt gian hiểm lúc bấy giờ được ba tháng
thì việc chính trị đã hoàn toàn” [25, tr.50]. Song vua nước Lỗ đam mê tửu sắc,
đàn hát, ca múa xa hoa, bỏ bê việc triều chính nên Khổng Tử chán ngán, bỏ qua
nước Vệ được mười tháng, vua nước Vệ không dùng, ông qua Trần, về Vệ, sang
Tống lại qua Trần…. Mười bốn năm cùng học trò bôn ba mong gặp người sử
dụng học thuyết của mình, song ý nguyện của ông đã không thành. Trở lại Vệ
lần cuối cùng trong thời gian năm, sáu năm, ông mới thực sự thấy bất lực về việc
chính trị. Sau mười bốn năm lưu lạc, Khổng Tử lại trở về nước Lỗ vào năm 484
tr.CN, lúc đó, đã sáu mươi tám tuổi. Vào những năm cuối đời, ông quyết định
chuyên tâm vào việc dạy bảo học trò, san định kinh sách. Năm 73 tuổi Khổng Tử
qua đời, được cả nước thương tiếc, ba nghìn học trò để tang, một số làm nhà bên
cạnh mộ của Khổng Tử ở đủ ba năm, Tử Cống ở tới sáu năm.
1.2.2. Sự nghiệp của Khổng Tử
Sinh ra và lớn lên trong thời đại có nhiều biến loạn về kỷ cương, đạo lý và
văn hoá trong lịch sử Trung Quốc cổ đại. Khổng Tử mong muốn lập lại trật tự,
19
kỷ cương xã hội, ông đi vào xây dựng học thuyết Nho giáo nhằm đáp ứng nhu
cầu của xã hội: “chuyển loạn thành trị” và đi đến “trị quốc, bình thiên hạ”.
Những tư tưởng sâu sắc của Khổng Tử về thế giới, về xã hội, về con
người, đặc biệt là học thuyết “Chính danh” và đạo đức đã đưa ông lên tầm cao
của nhà tư tưởng lớn, nhà giáo dục nổi tiếng và nhà chính trị đã để lại dấu ấn
đậm nét trong lịch sử Trung Quốc và nhiều nước Á Đông suốt hai ngàn năm
trăm năm qua. Dĩ nhiên, tư tưởng của ông có không ít những khiếm khuyết mà
trước hết là do hạn chế của thời đại. Nhưng quả thật, ông là một người có nhiều
đóng góp cho thời đại ông và cho nhân loại.
Với tư cách nhà tư tưởng, Khổng Tử được mệnh danh là “tập đại thành”
của tri thức cổ đại Trung Hoa, tư tưởng của ông đã đặt nền móng cho một học
thuyết tương đối hoàn chỉnh về nhiều mặt: chính trị, đạo đức, triết học, giáo dục,
v.v.
Về mặt triết học, Khổng Tử thừa nhận thế giới là một thể thống nhất luôn
luôn tự vận động, sinh hoá do sức mạnh huyền diệu của âm, dương là hai khởi
nguyên tương đối “cương nhu tương thôi nhi sinh biến hoá” [25, tr.66]. Khởi
điểm của tạo hoá và đạo trời đất cũng khởi đầu bởi sự biến hoá của hai khởi
nguyên tương đối là âm và dương. Đồng thời, ông nhấn mạnh vai trò hoạt động
của con người trong thế giới: “người là cái đức của trời đất, sự giao hợp của âm
dương, sự tụ hội của quỷ thần, cái khí tinh tú của ngũ hành” [25, tr.67], cho nên
con người có cái sáng suốt để hiểu hết sự vật. Nhưng khi giải thích nguồn gốc
sâu xa của vũ trụ ông lại khẳng định có “mệnh trời”, có “quỷ thần” là lực lượng
siêu nhiên chi phối, con người phải biết mệnh, dựa vào mệnh, theo mệnh, không
thể cưỡng lại được mệnh. Như vậy, trong triết học của Khổng Tử vừa có những
yếu tố duy vật chất phác và biện chứng tự nhiên tiến bộ, lại vừa có những quan
20
điểm duy tâm thần bí, điều mà sau này nhiều Nho gia đã phát triển, khuyếch đại
thành học thuyết duy tâm tiên nghiệm phục vụ cho giai cấp thống trị của chế độ
phong kiến trì trệ, bảo thủ ở Trung Quốc.
Khổng Tử coi đạo đức là gốc của con người, là cơ sở để quản lí xã hội.
Nội dung của đạo đức bao gồm nhiều mặt như: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, dũng,
liêm, v.v., song ông tập chung chủ yếu vào chữ “Nhân”. “Nhân” được Khổng Tử
coi là nguyên lý đạo đức cơ bản quy định bản tính con người và quan hệ giữa
người với người từ gia đình đến xã hội. Chữ nhân trong quan niệm của Khổng
Tử có ý nghĩa rất rộng và sâu sắc, bao quát mọi mặt của đời sống con người, lúc
thì trừu tượng khái quát, lúc thì cụ thể sinh động, tuỳ hoàn cảnh mà biểu hiện ra
một cách khác nhau.
Bên cạnh Nhân, Khổng Tử còn chú trọng đến “Lễ”, nhưng Lễ theo Khổng
Tử không phải là một tiêu chuẩn đạo đức hoàn toàn độc lập mà là một vấn đề
luôn luôn gắn liền với Nhân. Lễ bao gồm những quy tắc quy định hành vi cư xử
nghiêm ngặt của con người từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội; Lễ cũng là
những nghi thức từ việc cúng tế, ma chay, cưới hỏi, đình đám… của các đẳng
cấp khác nhau trong xã hội. Nhân và Lễ có mối quan hệ khăng khít, Nhân là gốc,
là nội dung, còn Lễ là biểu hiện của Nhân, là sự biểu hiện của hành vi bên ngoài.
Trong hệ thống các tư tưởng của mình Khổng Tử còn nhắc đến các phạm
trù “Trí”, “Tín”. “Trí” theo Khổng Tử, là sự hiểu điều hay lẽ phải, có nhận thức
đúng đắn, có hành vi phải đạo, đồng thời là điều kiện để “Nhân” có cơ sở hợp lí
về nhận thức, còn “Tín” là giữ đúng lời hứa, làm đúng điều đã nói. Theo Khổng
Tử, người mà không có “Tín” thì không biết sẽ ra sao, với người trị nước, trị dân
mà không tín thì không thể đứng vững; “Dũng” là biểu hiện của sức mạnh và ý
trí thực hiện mục đích của mình.
21
Về đường lối trị nước, Khổng Tử xây dựng học thuyết về Nhân, Lễ, Chính
danh. Nhân là phẩm chất đạo đức của người cầm quyền, đồng thời là điều kiện
để thực hiện Lễ. Lễ là sự xã hội hóa nhân cách từ bên ngoài. Đối với người cầm
quyền thì Lễ là cái để họ quản lý, điều hành và sử dụng bề tôi, đồng thời là cái để
được bề tôi phúc đáp lại bằng Trung. Chính danh là học thuyết quan trọng cho
việc trị nước, bởi “danh không chính thì lời nói chẳng thuận, lời nói không thuận
thì việc chẳng nên, việc không nên thì lễ nhạc chẳng hưng vượng, lễ nhạc không
hưng vượng thì hình phạt chẳng trúng, hình phạt không trúng ắt dân không biết
xử trí ra sao” [28, tr.498].
Về phương thức tổ chức bộ máy nhà nước, Khổng Tử chủ trương cất cử
những người có tài, có đức; đồng thời cũng tiến hành miễn chức, loại bỏ những
kẻ kém đức, kém tài khỏi bộ máy cai trị. Ông nói: “Cất nhắc người chính trực,
loại bỏ (hết) những kẻ cong vạy, ắt dân phục. Cất nhắc kẻ cong vạy, loại bỏ
những người chính trực, ắt dân không phục” [28, tr.230]. Chính từ đây, Khổng
Tử yêu cầu những người cầm quyền phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức bản
thân, lấy việc huệ dân làm mục đích căn bản cho hoạt động chính trị của nhà cầm
quyền.
Mục đích cao nhất trong tư tưởng chính trị của Khổng Tử là xây dựng xã
hội lý tưởng theo mô hình xã hội thời Tây Chu, một xã hội có tôn ti trật tự, mọi
người sống có trách nhiệm với nhau, làm đúng chức năng của mình, giúp đỡ lẫn
nhau, không xâm phạm nhau; ai cũng phải tu thân, nhất là những người lãnh đạo
xã hội. Xã hội đó lấy gia đình làm cơ sở, trọng tình cảm, công bằng, không có
người quá nghèo hoặc quá giàu. Xã hội đó không kích thích lao động sản xuất,
làm giàu, coi nhẹ lợi ích vật chất, coi trọng tình cảm.
22
Với tư cách nhà hoạt động chính trị, Khổng Tử là đại diện cho tầng lớp
quý tộc trong thời kì chế độ nô lệ đang có xu hướng tan rã. Đứng trên lập trường
của giai cấp chủ nô đang suy tàn để giải quyết vấn đề, Khổng Tử tự cho mình là
người có trách nhiệm khôi phục lại trật tự lễ giáo cũ với chủ trương cai trị quốc
gia theo lễ chế nhà Chu. Mặc dù vậy, nhưng ông cũng phải thừa nhận cần phải
có một số cải cách trong quan niệm về Lễ và có thái độ coi trọng địa vị con
người. Bởi vậy, về căn bản, quan điểm và hoạt động chính trị của ông không
thuận với xu thế phát triển của lịch sử, không đáp ứng được yêu cầu của hiện
thực chính trị đương thời. Vì thế, ngoài bốn năm làm quan Tư khấu nước Lỗ khi
đã ngoài 50 tuổi, thì trong suốt 14 năm chu du các nước, Khổng Tử đều không
được các nước chư hầu trọng dụng, ngược lại còn luôn bị đối xử lạnh nhạt, thấm
chí đôi khi thầy trò còn lâm vào cảnh khốn cùng. Dẫu vậy, Khổng Tử vẫn nỗ lực
thực hiện lí tưởng chính trị của mình bằng cách dốc sức vào sự nghiệp giáo dục
và văn hoá, để tạo ra lực lượng nòng cốt, trung thành phục vụ chế độ xã hội, thực
hiện tiếp lý tưởng chính trị của mình. Suốt cuộc đời luôn khao khát được vi
chính, Khổng Tử mong mỏi được mang cái đạo của mình ra thi thố với đời. Ông
quả quyết rằng: “Nếu ai dùng ta, thì trong một năm đã khá, ba năm ắt thành” [28,
tr.13]. Ông đi hết nước này đến nước khác nhưng không ai muốn dùng, thành thử
đạo của Khổng Tử vẫn không thi hành ra được. Tuy vậy, tư tưởng chính trị của
Khổng Tử đã trở thành hệ tư tưởng chính trị chính thống trong các chế độ phong
kiến Trung Quốc sau này.
Với tư cách nhà giáo dục, Khổng Tử là người đầu tiên sáng lập chế độ
giáo dục tư thục trong lịch sử Trung Quốc. Khi Khổng Tử khoảng ba mươi tuổi,
việc học đã thành, ông bắt đầu bước vào nghề dạy học. Khổng Tử làm công tác
giáo dục không đơn thuần chỉ là truyền thụ tri thức cho học trò, mà còn xem việc
23
giáo dục là phương tiện trọng yếu để thực hiện rộng rãi đạo trị quốc. Từ thực tiễn
dạy học hàng chục năm, với tình cảm cao quý tận tâm, tận lực với nghề nghiệp,
Khổng Tử luôn xác định “Học mà không biết chán, dạy người không biết mỏi”,
chính vì vậy, ông đã đưa ra nhiều phương pháp dạy và học rất có giá trị.
Một đời Khổng Tử đề cao việc giáo dục và học tập, chính ông cũng là tấm
gương giáo dục và học tập không mệt mỏi. Ông đã đào tạo được hàng ngàn học
trò giỏi trong đó có 72 người hiền (Thất thập nhị hiền) nổi tiếng trong lịch sử.
Nhớ Khổng Tử, chúng ta không chỉ nhớ một người thầy vĩ đại, đồng thời còn
nhớ một nhà sư phạm có đóng góp lớn lao trong việc chỉnh lý hệ thống và viết
sách giáo trình phục vụ cho giáo dục. Những trước tác vĩ đại do ông sưu tầm và
hiệu đính như: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch và soạn Kinh Xuân Thu,
đã trở thành các tác phẩm kinh điển của Nho học. Hơn hai lăm thế kỷ đã trôi qua,
danh hiệu “Chí thánh tiên sư, vạn thế sư biểu” (Người thầy đầu tiên đạt đến bậc
chí thánh, xứng đáng là người thầy của muôn đời) mà người xưa đã suy tôn cho
Khổng Tử vẫn còn nguyên giá trị với nhân loại ngày nay.
1.3. Về tác phẩm Luận Ngữ
1.3.1. Một số vấn đề văn bản học của Luận Ngữ
Luận Ngữ là một trong những cuốn kinh điển quan trọng của Nho gia,
được các học giả từ xưa cho đến nay sắp đặt vào hệ thống Tứ thư và tập trung
chú giải, dịch thuật ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới. “Luận Ngữ” nguyên nghĩa là
những lời bàn bạc. Sách Luận ngữ chép rất trung thực tư tưởng của Khổng Tử,
do vậy, muốn tìm hiểu học thuyết của Khổng Tử thì phải căn cứ trước hết vào
Luận Ngữ. Học giả Nguyễn Hiến Lê nhận xét: “Từ xưa tới nay hầu hết các học
giả về học thuyết Khổng Tử đều dùng cả Tứ thư lẫn Kinh thư, Kinh Lễ, Kinh
Dịch, Khổng Tử gia ngữ v.v…làm tài liệu, như vậy theo tôi không phải là tìm
24
hiểu Khổng Tử mà tìm hiểu Khổng giáo trong suốt thời Chiến Quốc, vì trong
những sách dẫn trên, ngoài bộ Luận ngữ là đáng tin nhất, thì còn bộ nào cũng
chứa nhiều tư tưởng của người sau này, không phải của Khổng Tử” [32, tr.7].
Chính vì lẽ đó mà khi nghiên cứu về Khổng Tử cũng như nội dung tư tưởng của
Nho gia không thể không tìm hiểu Luận ngữ.
Luận ngữ là những ghi chép lời ứng đáp của Khổng Tử với các học trò và
những người đương đại, thỉnh thoảng có những lời nghị luận học trò với nhau
khi tiếp nghe lời thầy. Sau khi Khổng Tử mất, họ đã tập trung lại những gì họ ghi
chép mà soạn ra, nên gọi là Luận ngữ. Có thể khẳng định rằng, Luận ngữ là một
tác phẩm quan trọng trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc mà nhân vật trung tâm
của tác phẩm này chính là Khổng Tử.
Theo nhận định của các học giả, Luận ngữ ra đời từ trước thời Chiến
Quốc, trong thảm họa “phần thư khanh nho” của Tần Thuỷ Hoàng, sách Luận
ngữ hầu như bị cháy rụi trong ngọn lửa bạo tàn. Đến thời Tây Hán, phải khó
khăn lắm người ta mới khôi phục lại được. Lúc này xuất hiện ba bản Luận ngữ:
- Lỗ Luận ngữ : 20 thiên
- Tề Luận ngữ : 22 thiên.
- Cổ văn Luận ngữ : 21 thiên
Qua nghiên cứu của dịch giả Trần Tiến Khôi: “Cổ văn luận ngữ có 21
thiên, không có hai thiên Vấn vương và Tri đạo, nhưng thiên cuối Nghiêu viết
chia làm hai từ chỗ Trương vấn ư Khổng Tử trở đi thành một thiên riêng, tạo
thành thiên Tử Trương. Thứ tự các chương cũng khác với Lỗ Luận ngữ và Tề
Luận ngữ, văn tự sai khác cũng nhiều. Cổ Văn Luận ngữ được phát hiện vào
năm thứ ba đời Hán Cảnh đế (154 tr.CN) Khi Lỗ Cung Vương cho xây dựng
cung điện, dỡ nhà Khổng Tử tìm thấy trên vách tường. Toàn văn được viết theo
25