THƯỢNG HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG XUẤT GIA
4
Quả vậy, sau khi chép thế rồi, Thánh đăng ngữ lục đã dành hơn 6 tờ nữa để ghi lại
bài giảng của Thượng hoàng tại chùa Sùng Nghiêm: “Lúc đầu khai đường,
Thượng hoàng lên tòa giảng, niêm hương báo ân xong, bèn đến tòa giảng. Thượng
thủ đánh bảng.v.v. xin mời Điều Ngự. Bèn nói: ‘Đức Thích Ca Văn Phật vì một
việc lớn mà xuất hiện ở đời, 49 năm, nhúc nhích đôi mép môi, mà chưa từng nói
một chữ. Ta nay vì các người mà lên tòa giảng này, thì nói cái gì?’ Rồi Thượng
hoàng ngồi xuống giường thiền, một chốc, bèn nói:
Đỗ quyên rền rỉ, trăng ngày sáng
Đừng để tầm thường xuân luống qua
Lại đánh xuống một cái: ‘Chẳng có gì cả, hãy đi ra đi, đi ra đi’”.
Ở đây chúng tôi chỉ trích một đoạn để cho thấy một phần nào quy trình và nội
dung của buổi giảng đã bắt đầu như thế nào và tiến hành ra sao? Ta có thể chắc
chắn, mỗi lần bắt đầu buổi giảng, mà từ chuyên môn ở đây gọi là khai đường, thì
hẳn đã có giấy bố cáo để cho mọi người biết để đến nghe. Khi mọi người đã có
mặt, vị giảng sư sẽ đi lên giảng tòa, làm lễ niêm hương cám ơn chư Phật chư Tổ,
rồi đi đến tòa giảng. Tại đây người đứng tổ chức và điều khiển buổi giảng, mà
Thánh đăng ngữ lục gọi là thượng thủ, sẽ đánh một hồi vào bảng gỗ báo hiệu buổi
giảng bắt đầu, rồi mời vị giảng sư khai mạc buổi giảng.
Đúng theo tinh thần của truyền thống thiền tông, lời khai mạc của Thượng hoàng
Trần Nhân Tông tại buổi giảng cuối đông năm Giáp Thìn (1304) đã khởi đầu bằng
cách nhắc tới việc đức Thế Tôn trong 49 năm thuyết pháp chưa từng nói một lời.
Sau đó Thượng hoàng đã liên hệ tới buổi giảng của mình, chỉ ra rằng đức Thế Tôn
còn không nói một lời như thế thì tôi đây có gì để nói ra. Xong lời khai mạc, bấy
giờ Thượng hoàng mới ngồi xuống giường thiền, giáo đầu cuộc nói chuyện qua
việc dặn dò mọi người đừng để thời gian luống qua, đúng theo tinh thần mà Đức
Thế Tôn đã giáo huấn trong giờ phút lâm chung của Ngài: “Mọi vật là vô thường,
hãy tinh tấn, chớ có buông lung” (Vayadhammà samkhàrà appamàdena
sampàdethâti).
Sau đó, buổi giảng trở thành cuộc đối thoại thiền giữa một vị thiền sư và các thiền
sinh. Đây phải nói là một nét đặc biệt của việc diễn giảng của Phật giáo Việt Nam
ngày xưa. Những câu hỏi được thiền sinh nêu lên. Vị thầy sẽ tùy theo câu hỏi mà
trả lời. Có thể nói đây là buổi giảng đầu tiên trong lịch sử đã được ghi chép lại đầy
đủ, cung cấp cho ta một điển hình về sinh hoạt diễn giảng Phật giáo Việt Nam của
thế kỷ thứ 13, nếu không là của các thế kỷ trước đó. Nghiên cứu điển hình này
giúp cho ta có một nhận thức khá chính xác và cụ thể về sinh hoạt diễn giảng vừa
nói.
Trong buổi giảng vào cuối năm Giáp Thìn nói trên, ta thấy có ít nhất ba thiền sinh
đứng lên hỏi. Và sau đây là cuộc đối thoại của thiền sinh thứ nhất với Thượng
hoàng:
Một vị tăng hỏi: “Thế nào là Phật?”.
Đáp: “Hiểu theo như trước là chẳng phải”.
Lại tiến lên hỏi: “Thế nào là Pháp?”.
Đáp: “Hiểu theo lối trước là chẳng phải”.
Lại đứng lên hỏi: “Rốt ráo là thế nào?”.
Đáp:
Tám chữ mở toang trăng trối hết
Chẳng còn gì nữa để trình ông.
Lại đứng lên hỏi: “Thế nào là Tăng?”.
Đáp: “Hiểu theo lối trước lại chẳng phải”.
Lại đứng lên hỏi: “Rốt ráo là như sao?”.
Đáp:
Tám chữ mở toang trăng trối hết
Chẳng còn gì nữa để trình ông.
Lại đứng lên hỏi:
“Thế nào là một việc hướng thượng?”.
Đáp: “Đứng đầu gậy khêu trời trăng”.
Lại đứng lên hỏi: “Dùng công án cũ để làm gì?”.
Đáp: “Mỗi lần nêu ra mỗi lần mới”.
Lại đứng lên hỏi:
“Thế nào là giáo ngoại biệt truyền?”
Đáp: “Ễnh ương nhảy không ra khỏi đấu”.
Lại đứng lên hỏi:
“Hiện ra rồi chìm mất là thế nào?”.
Đáp: “Còn tùy dài ngắn bước cát bùn”.
Tiến lên hỏi: “Thế còn nhảy không ra”.
Điều Ngự bèn lên tiếng: “Tên mù kia thấy cái gì?”
Bèn đứng lên nói: “Đại tôn đức lừa người để làm gì?”
Điều Ngự bèn thở dài. Vị tăng ngẫm nghĩ. Điều Ngự liền đánh. Vị tăng lại định đi
ra hỏi. Điều Ngự liền hét. Vị tăng cũng hét.
Điều Ngự nói: “Lão tăng bị ông hét một tiếng, hét hai tiếng rốt ráo để làm gì? Nói
mau, nói mau”.
Vị tăng ngẫm nghĩ. Điều Ngự lại hét một tiếng, nói: “Con dã hồ tinh kia vừa đến
láu lỉnh, nay ở chỗ nào rồi?”.
Vị tăng vái rút lui”.
Chúng tôi cho dịch trọn vẹn cuộc đối thoại giữa thiền sinh thứ nhất với Thượng
hoàng, để cho thấy phong cách và nội dung của buổi giảng vào cuối đông năm
Giáp Thìn (1304) tại chùa Sùng Nghiêm. Nội dung bao gồm những vấn đề về Phật
pháp tăng, về việc hướng thượng, về giáo ngoại biệt truyền. Và đúng theo phong
cách của thiền tông những câu trả lời có vẻ không ăn nhập gì và chỉ có thể hiểu
được đối với người trong cuộc. Ngôn ngữ thiền có những nét đặt trưng của nó, đòi
hỏi người lĩnh hội phải có một trình độ, một quyết tâm tìm hiểu vấn đề như thế
nào đó. Nó có cấu trúc rất khác với ngôn ngữ thường ngày, dù vẫn dùng chung
một bộ từ vựng, mà khi nói lên, ta tưởng ai cũng có thể lĩnh hội dễ dàng. Điều này
ta có thể thấy ngay khi đọc đoạn đối thoại vừa trích.
Dạng đối thoại thiền này, căn cứ vào Thiền uyển tập anh, thì đã xuất hiện từ thời
Pháp Hiền (?- 626) và đặc biệt thịnh hành vào thời Viên Chiếu (999-1090), khi
Viên Chiếu viết Tham đồ hiển quyết và hầu như được bảo lưu trọn vẹn cho tới
ngày nay. Tham đồ hiển quyết có nhiệm vụ làm rõ những công án nhằm để dạy
cho những người tham thiền hiểu được ý nghĩa của chúng. Chẳng hạn, Thiền uyển
tập anh ghi lại một trong những câu đầu tiên của Tham đồ hiển quyết như thế này:
“Có vị tăng hỏi:
-Phật với Thánh nghĩa ấy thế nào?
Sư đáp:
Cúc trùng dương dưới giậu
Oanh thục khí đầu cành”
Ta có thể hiểu quan hệ giữa Phật và Nho giáo giống như hoa cúc nở vào tháng 9,
oanh hót vào đầu mùa xuân. Điều này có nghĩa Phật giáo và Nho giáo có những
nhiệm vụ khác nhau, tùy vào những điều kiện cụ thể, mà chúng có thể ứng dụng
cho phù hợp.
Ngôn ngữ thiền như thế có những cấu trúc về ngữ nghĩa, mà chỉ người trong cuộc
mới nhận ra và nắm bắt được. Có người giải thích cấu trúc ngữ nghĩa ấy có mục
đích đánh thức, khơi dậy tiềm năng giác ngộ nằm sẵn đâu đó trong mỗi con người.
Tuy nhiên, ngôn ngữ thiền không chỉ giới hạn trong cấu trúc ngữ nghĩa hay ngữ
pháp. Thực tế, nó vượt ra ngoài ngôn ngữ lời nói và bao gồm cả những động tác
thân thể khác như cái nhìn, tiếng hét, tay đánh v.vỢ tức là ngôn ngữ cơ thể. Trong
đoạn đối thoại trên, ta thấy xuất hiện cả ngôn ngữ cơ thể vừa nói. Thượng hoàng
đã hét và đánh vị thiền sinh. Kết quả của buổi giảng, bao nhiêu người đã hiểu được
Phật giáo, bao nhiêu người đã giác ngộ sự thật, ta ngày nay không biết. Nhưng
chắc chắn họ đã có một sự nhận thức thế nào đó về Phật giáo.
Có người sẽ đặt vấn đề lối diễn giảng này chịu ảnh hưởng lối diễn giảng thiền
Trung Quốc hay không? Tất nhiên, thiền như một tư trào văn hóa trong quá trình
phát triển của mình chắc chắn đã tiếp thu nhiều yếu tố khác nhau.
Cho nên, ngay trong lịch sử thiền tông Trung Quốc, ta đã thấy có nhiều biến đổi
qua các thời đại. Thí dụ, chỉ cần đọc các cuộc đối thoại của Huệ Năng và Nghĩa
Huyền trong Cảnh đức truyền đăng lục thì ta có thể thấy ngay. Đọc tiểu sử của
Huệ Năng, ta thấy câu hỏi và trả lời thật dễ hiểu. Hỏi cái gì thì trả lời cái đó.
Nhưng qua đến Nghĩa Huyền, sự việc hoàn toàn khác. Ở đây đã xuất hiện đánh hét
trong ngôn ngữ thiền.
Tại nước ta, thiền đã phát triển theo một hướng hoàn toàn khác. Nó đã ra đời nhằm
giải quyết một vấn đề tư tưởng.
Đó là tại sao tu mà không thấy Phật? Một vấn đề người Việt Nam đã nêu lên vào
giữa thế kỷ thứ 5 sau dương lịch.
1 Thiền ra đời nhằm trả lời câu hỏi ấy. Và để trả lời, nó đã đưa một quan niệm mới
về Phật. Phật không phải chỉ là một đức Phật lịch sử, càng không phải là một đức
Phật nằm bên ngoài ta. Phật nằm ngay chính trong ta. Vì thế, tu là thể hiện đức
Phật này, là tìm thấy ở trong chính mình. Xuất phát từ một khởi điểm như vậy,
thiền Việt Nam trong quá trình phát triển tất phải chịu tác động của yêu cầu thực tế
Việt Nam. Nếu trong quá trình phát triển ấy, ở nơi này nơi khác có những nét
tương đồng với những truyền thống thiền khác, thì chúng cũng chỉ thể hiện tính
phổ quát, tính nhân loại mà thôi.
Buổi giảng thiền tại chùa Sùng Nghiêm vào cuối năm Giáp Thìn trên ít nhiều cho
ta thấy sinh hoạt Phật giáo của dân tộc ta nói chung, đồng thời cũng cho thấy hoạt
động Phật giáo của cá nhân Thượng hoàng Trần Nhân Tông.
Tam tổ thực lục do Tính Quảng và Ngô Thời Nhiệm tập hợp các tư liệu đời Trần
để viết nên, đã ghi lại cho ta một buổi giảng khác có sự tham dự của Thượng
hoàng Trần Nhân Tông. Đó là buổi giảng tại viện Kỳ Lân vào ngày mồng 9 tháng
giêng nhuận năm Bính Ngọ (1306). Tam tổ thực lục đã ghi lại buổi giảng này như
sau:
“Ngày mồng 9 tháng giêng nhuận năm Bính Ngọ, Trúc Lâm đại tôn giả đến viện
Kỳ Lân khai đường, bèn chỉ pháp tòa nói: ‘Tòa này là giường mây khúc lục, là tòa
báu kim nghê. Ngồi đây đoán định lời lẽ Phật tổ thì thật rất chật hẹp’. Bèn niêm
hương:
Một nén hương này, khói lành thơm phức, khi tốt bay lên, ngưng đọng năm phần
pháp thân, biến khắp mười phương lễ diệu. Sức nóng lò hương dâng lên mười
phương ban phúc, chín miếu ứng thiêng, tuổi vua lâu bền, ngôi trời vững chãi.
Một nén hương này, trong sạch rễ mầm, hiếm lạ giống tính, không mượn sức bón
vun, chỉ nhờ thấm thấy biết. Sức nóng lò hương vâng xin mưa thuận gió hòa, nước
thái dân yên, trời Phật thêm sáng, xe pháp thường quay.