SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
DẠY HỌC SINH TIỂU
HỌC VIẾT ĐÚNG
HỎI/NGÃ NHƯ THẾ NÀO?
ThS. Đoàn Kim Phúc
Trường Đại học Quảng Bình
Mục tiêu của môn Tiếng Việt ở trường Tiểu học nhằm hình
thành và phát triển ở học sinh (HS) các kỹ năng sử dụng tiếng Việt
như nghe, nói, đọc, viết để học tập và giao tiếp trong cuộc sống.
Thông qua việc dạy và học môn Tiếng Việt, góp phần rèn luyện các
thao tác tư duy; Cung cấp cho HS những kiến thức cơ bản về tiếng
Việt và những kiến thức xã hội, tự nhiên và con người về văn hóa
và văn học Việt Nam; Bồi dưỡng tình yêu và thói quen giữ gìn sự
trong sáng của tiếng Việt, hình thành nhân cách con người. Một
trong những phân môn không kém phần quan trọng của môn Tiếng
Việt đó chính là phân môn Chính tả.
Dân tộc Việt Nam trải qua bốn nghìn năm văn hiến đã tích lũy
được một kho tàng tập quán, văn học và văn hóa rất đa dạng và
phong phú. Chữ viết của dân tộc ta tuy mới hình thành hơn trăm
năm nay, nhưng cũng như mọi quốc gia khác đã thành trụ cột then
chốt của nền văn hóa nước nhà. Việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng
Việt cả trong lời nói lẫn chữ viết là việc làm hết sức cần thiết của tất
cả mọi người dân Việt Nam.
Thế nhưng, hiện tượng viết sai chính tả ở trẻ em bậc Tiểu học
khá phổ biến. Đặc biệt đối với HS là người miền Trung, việc viết
sai thanh hỏi/thanh ngã chiếm tỷ lệ khá cao. Lỗi này do nhiều
nguyên nhân như: phát âm sai; thời gian thực hành luyện viết chính
tả cho các em còn hạn chế; giáo viên (GV) chưa phân tích và sửa
chữa lỗi sai chính tả cho những HS viết sai; một số sách, tài liệu học
tập còn in sai lỗi chính tả ở một số văn bản; và một nguyên nhân lớn
hơn là một số GV chưa nắm vững các quy tắc, cơ sở khoa học để
hướng dẫn cho HS.
Viết sai dấu hỏi, ngã sẽ làm ý nghĩa đảo ngược và có khi vô
cùng tai hại cho văn học và văn hóa Việt Nam. Chẳng hạn, danh từ
nhân sĩ, chữ sĩ phải được viết bằng dấu ngã để mô tả một vị chính
khách có kiến thức văn hóa chính trị, nhưng nếu vô tình chúng ta
viết nhân sỉ, chữ sỉ với dấu hỏi có nghĩa là nhục sỉ, hay sỉ nhục nên
ý nghĩa của danh từ nhân sĩ sẽ bị trái ngược hoàn toàn. Việc rèn cho
HS tiểu học viết đúng hỏi/ngã là nhiệm vụ của người GV. Trong
phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ tóm tắt một số quy luật và biện
pháp nhỏ, hy vọng sẽ giúp các thầy cô giáo bậc Tiểu học, HS-SV sư
phạm phần nào hiểu rõ hơn cách viết hỏi/ngã, trên cơ sở đó rèn cho
HS kỹ năng viết đúng, nhằm làm phong phú thêm cho tiếng Mẹ đẻ.
Làm thế nào biết được tiếng nào viết dấu hỏi, tiếng nào viết
dấu ngã? Không có con đường nào ngoài việc là phải học, phải rèn
luyện nhiều, trở thành thói quen mới viết đúng. Nhiều người nhận
xét thấy người miền Bắc viết đúng chính tả hỏi/ngã hơn người miền
Nam và miền Trung. Họ viết đúng và dễ dàng, gần như không cần
học một quy tắc nào cả. Tại sao vậy? Đơn giản vì người miền Bắc
nói và đọc chữ dấu hỏi khác với chữ dấu ngã. Khi nghe tiếng có
giọng dấu nào thì viết chữ với dấu đó, dễ như viết dấu sắc và dấu
huyền. Điều đó có nghĩa, môi trường giao tiếp tự nhiên cũng góp
phần quan trọng không nhỏ trong việc rèn cho HS phát âm đúng
dẫn đến viết đúng. Vậy thì, trước hết chúng ta rèn luyện cho HS viết
đúng theo phương pháp tự nhiên.
1. Thực hành qua giao tiếp tự nhiên
Cái khó của HS miền Trung là không có môi trường giao tiếp
tự nhiên ấy bởi vì xung quanh có rất nhiều người nói và viết sai
hỏi/ngã. Một trong những biện pháp giúp HS tiểu học bắt chước tốt
là yêu cầu HS tìm những tiếng, từ, chữ được viết dấu hỏi/ngã có
trong bài đọc (hoặc ngoài bài đọc) mà các em đã được tiếp xúc.
Chẳng hạn, tìm trong bài thơ Mẹ (Tiếng Việt 2, tập 1, tr.102):
- Những tiếng có thanh hỏi.
- Những tiếng có thanh ngã.
Hay, tìm trong bài Con chó nhà hàng xóm (Tiếng Việt 2, tập
1, tr.131):
- 3 tiếng có thanh hỏi. Mẫu: nhảy
- 3 tiếng có thanh ngã. Mẫu: vẫy
Hoặc, bài tập điền dấu hỏi/ngã lên các chữ in nghiêng trong các
văn bản đã được học như:
Tôi lại nhìn, như đôi mắt tre thơ
Tô quốc tôi. Chưa đẹp thế bao giờ!
Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biên
Xanh trời, xanh cua nhưng ước mơ …
(Bài tập 2.b, Tiếng Việt 4, tập 1, tr.27)
Với những bài tập thuộc dạng này, GV không bắt buộc HS phải
giải thích lý do tại sao lại viết là dấu hỏi/ngã mà chỉ yêu cầu HS tìm
hoặc nhớ lại bài đọc để viết lại cho đúng. Lâu dần sẽ tạo cho HS
thói quen viết đúng.
Trong tiếng Việt, tiếng có thanh hỏi chiếm tỷ lệ nhiều hơn
thanh ngã. Chúng ta hướng dẫn HS học những tiếng thanh ngã,
những tiếng còn lại là thanh hỏi, sẽ đỡ tốn công hơn. Cần nên vận
dụng tất cả các cơ quan: tai nghe, mắt nhìn, tay viết. Cho HS đọc kỹ
những văn bản viết dấu đúng chính tả, và nhất là tập viết đúng cho
quen mắt, quen tay. Càng được thực hành nhiều, HS sẽ có kỹ năng
viết đúng hỏi/ngã. Song, việc rèn cho HS học tập như vậy không
phải không có cơ sở, căn cứ khoa học của nó.
2. Dựa vào những cơ sở, căn cứ khoa học
Ngoài việc thường xuyên tổ chức cho học sinh học thông qua
giao tiếp tự nhiên như đã trình bày trên, GV phải nắm được quy
luật, cơ sở khoa học của cách viết đúng dấu hỏi/ngã. Phương pháp
này đòi hỏi nhiều hiểu biết về ngữ âm học, áp dụng những quy luật
biến dị của âm thanh và về từ nguyên học để tìm tòi gốc rễ của mỗi
tiếng.
2.1. Cách viết hỏi/ngã trong từ Từ Hán - Việt
Dù muốn hay không, trải qua hơn nghìn năm đô hộ của Trung
Quốc, Việt Nam chúng ta chịu ảnh hưởng rất lớn bởi nền văn hóa
Trung Hoa. Mặc dù đã cải biến và chữ viết được thay thế bằng chữ
Quốc ngữ, nhưng còn nhiều từ chúng ta dùng thường ngày là từ Hán
- Việt, chiếm tỷ lệ đến 70% tổng số từ trong tiếng Việt. Viết hỏi/ngã
trong từ Hán - Việt không theo một quy tắc, quy luật nào cả, chỉ có
mẹo giúp chúng ta viết đúng hỏi/ngã. Đó là, viết dấu ngã tất cả
những tiếng bắt đầu bằng D, L, V, M, N, Nh, Ng và Ngh; hay nhớ
câu: "Mình Nên Nhớ Viết Là Dấu Ngã". Ví dụ: dĩ vãng, dã man,
lãng du, lãnh đạm, viễn xứ, vĩ nhân, mỹ miều, cần mẫn, nỗ lực, não
nề, hàng ngũ, ngôn ngữ, nghiễm nhiên, …
Ngoài các tiếng bắt đầu bằng những phụ âm đã nêu trên, từ
Hán - Việt được viết bằng phụ âm khác hoặc không có phụ âm được
viết bằng dấu hỏi, ví dụ như: đảo điên, tưởng tượng, kiểu cách,
Nhưng vẫn có một số trường hợp ngoại lệ vẫn viết bằng dấu ngã: kỹ
(kỹ thuật, kỹ xảo), bãi (bãi bỏ, bãi khóa), hữu (bằng hữu, hữu nghị),
phẫu (phẫu thuật, giải phẫu), tiễn (tiễn đưa, tiễn biệt, tống tiễn), …
Một trong các dạng bài tập giúp HS viết đúng hỏi/ngã trong từ
Hán - Việt: Các từ Hán - Việt sau đây theo đúng quy luật hỏi ngã.
Hãy sửa lại lỗi chính tả (nếu có).
- diễn biến, biễu diển, hướng dẩn, hùng dũng, vủ khúc, ô
nhiểm, lảng phí, kiều diễm, khã năng, thủy triều, thế kỹ, …
2.2. Cách viết hỏi/ngã trong từ Láy
Từ láy là những từ ghép gồm hai (hay nhiều) tiếng mà một
trong các tiếng đó hoàn toàn không có nghĩa nếu tách ra riêng lẻ. Ví
dụ: buồn bã, liều lĩnh, hoàn hảo, lảo đảo, Gặp những tiếng chưa
có cặp có đôi, thì cố tìm tiếng láy ghép vào cho có cặp, sau đó áp
dụng qui tắc: huyền - ngã - nặng; sắc - hỏi - không (luật thuận thanh
hay quy tắc hài thanh) hỗ trợ để viết đúng hỏi/ngã. Thí dụ gặp chữ
kỹ/kỷ, nếu nghĩa trong câu cho phép ghép được với càng thành kỹ
càng thì kỹ dấu ngã (do càng viết dấu huyền). Cách viết hỏi/ngã
trong từ láy theo luật thuận thanh có các trường hợp sau:
+ Ngã - huyền: bẽ bàng, buồn bã, lờ lững, ngỡ ngàng, …
+ Ngã - nặng: cãi cọ, đẹp đẽ, giãy giụa, rõ rệt, …
+ Ngã - ngã: bẽn lẽn, bỡ ngỡ, lững thững, …
+ Hỏi - sắc: hối hả, mới mẻ, ngất ngưởng, …
+ Hỏi - không: Bảnh bao, lẻ loi, nghỉ ngơi, sửa sang, …
+ Hỏi - hỏi: đủng đỉnh, lỏng lẻo, lởm chởm, tỉ mỉ, thỏ thẻ, …
Còn có cách tìm xem chữ cùng nghĩa với chữ chưa biết viết hỏi
hay ngã thuộc thanh nào, để quyết định theo luật thuận thanh. Thí
dụ gặp chữ mảnh vải, chữ cùng nghĩa với mảnh là miếng - thanh
sắc, vậy mảnh dấu hỏi. Còn mãnh hổ, mãnh có nghĩa là mạnh -
thanh nặng, nên mãnh viết bằng dấu ngã.
Phân môn Chính tả ở Tiểu học có các dạng bài tập rèn luyện
cách viết hỏi/ngã trong từ láy như:
- Tìm 3 từ láy bắt đầu bằng tiếng có thanh hỏi (nghỉ ngơi);
- Tìm 3 từ láy bắt đầu bằng tiếng có thanh ngã (nghĩ ngợi).
(Bài tập 2.b, Tiếng Việt 4, tập 1, tr.56)
- Điền dấu hỏi/ngã vào các chữ in nghiêng sau:
+ lặng le, mạnh me, buồn ba, vương vai.
(Bài tập 3.b, Tiếng Việt 2, tập 1, tr.85)
Hoặc, chúng ta có thể giới thiệu bài tập dạng: Tạo một từ láy
với mỗi tiếng sau đây: củ - cũ; giả - giả; hải - hãi; rả - rã; thẫn -
thẫn; …
Ngoài ra, những phó từ trong câu thường được viết bằng dấu
ngã. Ví dụ, anh cũng nghĩ như em. Hay, tôi đã nói với ông rồi mà.
Từ cũng, đã được viết bằng dấu ngã. Không thể viết củng, đả trong
hai câu trên.
2.3. Dựa vào nghĩa của từ để viết hỏi/ngã
Nhiều trường hợp dựa vào các quy tắc và mẹo nói trên cũng
chưa xác định được là viết dấu hỏi hay dấu ngã, chúng ta phải dựa
vào nghĩa của từ để viết. Ví dụ ở bài tập: Điền vào chỗ trống:
- đổ hay đỗ: … rác, thi …, trời … mưa, xe …lại.
- rủ hay rũ: Cười … rượi, lá … xuống mặt hồ.
(Bài tập 3.b, Tiếng Việt 2, tập 1, tr.25)
Ở bài tập này, HS khó phân biệt được đổ/đỗ và rủ/rũ để điền
vào chỗ phù hợp. GV cần phải giải thích nghĩa của các từ cho HS
hiểu mới có thể làm được. Đổ: (1) nằm xuống mạnh và đột nhiên
(cây đổ, nhà đổ); (2) nói xe nghiêng (tàu đổ mất ba toa); (3) chảy ra
(đã đổ máu, đổ mồ hôi); (4) gán cho (đổ vạ, đổ tội). Đỗ: (1) với
nghĩa dừng lại (tàu đỗ lại); (2) nghĩa đỗ đạt (đỗ tiến sĩ); (3) nghĩa
tạm thời (ở đỗ). Hoặc rủ: (1) nghĩa thuyết phục người khác (rủ nhau
đi chơi); nghĩa buông thõng (trướng rủ màn che). Còn rũ: nghĩa gục
xuống vì hết sinh lực. Tốt nhất, chúng ta nên dùng từ điển Tiếng
Việt để giải thích nghĩa của từ.
Trong dạy học, chúng ta cần giúp các em nắm được các quy tắc
chính tả, giải thích cho HS hiểu nghĩa của các từ để các em viết
đúng; Dành nhiều thời gian để HS thực hành viết chính tả. Để tránh
nhàm chán cho HS, GV cần sử dụng kết hợp nhiều phương pháp
như: tổ chức cho các em chơi các trò chơi trí tuệ, giải ô chữ, câu
đố ; GV phải nắm bắt lỗi chính tả HS thường mắc phải ở dạng nào
để có biện pháp cụ thể. Xây dựng nhiều bài tập ở các dạng cho các
em thực hành, chú ý dạng trắc nghiệm mức độ vừa sức phù hợp
trình độ và lứa tuổi. Chú trọng việc giải nghĩa các từ khó chứa dấu
hỏi/ngã ở bất kỳ môn học nào trong chương trình.
Nhà trường Tiểu học là cái nôi đầu tiên giáo dục trẻ em khi các
em bước vào tuổi đi học. Chính vì lẽ đó, chúng ta cần phải coi trọng
việc rèn luyện cho học sinh các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, đặc
biệt là kỹ năng viết đúng chính tả. Bởi vì, một khi đã trở thành thói
quen viết không đúng thì sau này lớn lên khó sửa chữa được.
Với giáo viên, việc nắm chắc quy tắc, vận dụng vào từng bài
tập một cách phù hợp để rèn luyện cho HS rất quan trọng và cần
thiết. Mặt khác, qua thói quen giao tiếp nói và viết hàng ngày giúp
các em viết đúng hỏi/ngã nên mọi lúc, mọi nơi GV phải là người
mẫu mực trong khi viết để học sinh có cơ hội học tập theo. GV luôn
phải tự học để nắm được quy tắc, căn cứ, cơ sở khoa học của việc
nói, viết đúng chuẩn; Thường xuyên đọc sách báo, viết bài luận để
có thói quen dùng từ và viết chính xác.
Tóm lại, rèn kỹ năng viết đúng chính tả nói chung và dấu
hỏi/ngã nói riêng là một trong những mục tiêu quan trọng của môn
Tiếng Việt trong quá trình dạy học và giáo dục ở trường Tiểu học.
Muốn vậy, việc rèn luyện phải được thực hiện thường xuyên, tổ
chức một cách bài bản, dựa trên những quy tắc, căn cứ khoa học
nhất định nhằm tạo cho HS thói quen viết đúng chính tả, góp phần
giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, từng bước hình thành nhân
cách của trẻ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo - Chương trình Tiểu học - NXB
Giáo dục. 2002
2. Nhiều tác giả - Sách giáo khoa, sách giáo viên Tiếng Việt
lớp 1 - 5 - NXB Giáo dục
3. Hồ Trung Tý - Cẩm nang viết đúng hỏi ngã - NXB Trẻ.
1999
4. Phan Thiều - Rèn luyện ngôn ngữ (tập 1, 2) - NXB Giáo dục.
2002
5. Vương Hữu Lễ, Đinh Xuân Quỳnh - Tiếng Việt thực hành -
NXB Thuận Hóa - Huế. 2003
6. Từ điển Tiếng Việt